ThS. Lương Thị Hồng Ngân

Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Thương Mại

Email: luongngan@tmu.edu.vn

Tóm tắt

Bài viết hệ thống các nghiên cứu liên quan đến kiểm toán các ước tính kế toán (UTKT) trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) - tập trung vào các yếu tố chính để tổng hợp các nghiên cứu hiện có và xác định các khoảng trống nghiên cứu trong tài liệu để cung cấp định hướng cho nghiên cứu trong tương lai về chủ đề này. Dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu Sciencedirect, Springer Link và Proquest, sau đó được lọc theo một số tiêu chí để tạo ra dữ liệu cuối cùng với 755 nghiên cứu trong giai đoạn quan sát từ năm 2015 đến năm 2025 để phân tích trắc lượng thư mục. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiểm toán các UTKT có mối quan hệ mật thiết với kiểm toán BCTC, các UTKT được nhiều học giả nghiên cứu cho thấy rằng đây là vấn đề kiểm toán trọng yếu. Kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC nói riêng liên quan rất lớn đến chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính và chất lượng thông tin trên BCTC.

Từ khóa : Kiểm toán, ước tính kế toán, thư mục, phân tích dữ liệu, kiểm toán báo cáo tài chính

Mã JEL : M42; M49

Summary

The study presents a systematic review of studies related to the audit of accounting estimates in financial statement audits - focusing on key elements to synthesize existing studies and identify research gaps in the literature to provide directions for future research on this topic. Data were collected from ScienceDirect, Springer Link, and Proquest databases and then filtered according to several criteria to produce the final data with 755 studies in the observation period from 2015 to 2025 for bibliometric analysis. The study has shown that the audit of accounting estimates has a close relationship with the audit of financial statements; accounting estimates have been studied by many scholars, showing that this is a material audit issue. Auditing financial statements, in general, and auditing accounting estimates in auditing financial statements, in particular, are closely related to the quality of auditing financial statements and the quality of information on financial statements. Keywords: Auditing; accounting estimates; bibliography, data analysis, auditing financial statements

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các nhà quản lý doanh nghiệp cần đảm bảo các thông tin trên BCTC có giá trị đáng tin cậy trong quy trình lập và trình bày BCTC, tuy nhiên có nhiều khoản mục trên BCTC không thể xác định được chính xác, mà chỉ có thể ước tính. Các ước tính này được gọi là UTKT. UTKT khi đó được hiểu là một giá trị gần đúng của một chỉ tiêu liên quan đến BCTC được ước tính trong trường hợp thực tế đã phát sinh nhưng chưa có số liệu chính xác hoặc chưa có phương pháp tính toán chính xác hơn hoặc một chỉ tiêu thực tế chưa phát sinh nhưng đã được ước tính để lập BCTC. Các UTKT, mặc dù mang tính chất chủ quan và không chắc chắn trong việc xác định, nhưng gắn liền với độ tin cậy và hợp lý của BCTC, nên nó là một phần không thể thiếu được trong việc lập BCTC.

Chuẩn mực kiểm toán quốc tế về kiểm toán các UTKT số 540 (ISA 540) thừa nhận rằng, có sự khác biệt đáng kể về độ tin cậy trong các UTKT, cái được gọi là mức độ không chắc chắn của ước tính (IAASB 2008b). Độ không đảm bảo của ước tính thường được mô tả xét về tính chủ quan của đầu vào và độ thiếu chính xác của đầu ra. Tính chủ quan đầu vào đề cập đến tính hợp lệ hoặc khả năng đo lường của các yếu tố đầu vào được sử dụng để xác định ước tính.

Trong khi đó, độ thiếu chính xác đầu ra tương ứng với độ tin cậy của phép đo ước tính được biểu thị bằng chiều rộng của phạm vi giá trị đầu ra. Thực tế, do những thay đổi và sự phức tạp ngày càng tăng của môi trường kinh doanh và công nghệ dẫn đến sự tồn tại nhiều UTKT trên BCTC và mức độ không chắc chắn và phức tạp trong ước tính vốn có trong BCTC đã tăng lên trong thập kỷ qua (Deaconu, A. và cộng sự, 2021). Kiểm toán viên với vai trò đưa ra ý kiến về sự bảo đảm hợp lý rằng, BCTC được kiểm toán không còn chứa đựng các sai phạm trọng yếu (VSA 700) trong đó không thể thiếu vai trò của kiểm toán các UTKT.

Kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC còn được coi là vấn đề phức tạp và khó khăn cho các kiểm toán viên vì chúng có thể được ước tính theo sự chủ quan hoặc xét đoán thiên lệch của giám đốc đơn vị được kiểm toán. Các nghiên cứu về chủ đề kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC nhận được sự quan tâm đông đảo của giới nghiên cứu học thuật, các kiểm toán viên và công ty kiểm toán hành nghề nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề này.

Để tổng quan các nghiên cứu có nhiều phương pháp, nhưng tổng quan thông qua trắc lượng thư mục ngày càng trở nên phổ biến trong giai đoạn hiện nay và cũng được đánh giá là một trong những cách tiếp cận xu hướng nghiên cứu mới để tổng quan nhiều chủ đề nghiên cứu trong đó có chủ đề về kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC (Ahmi và Mohd Nasir, 2019). Mục đích của nghiên cứu này là phân tích xu hướng xuất bản theo thời gian, khám phá sự tăng trưởng và phát triển của nghiên cứu về chủ đề này ở nhiều quốc gia, lĩnh vực chủ đề, tác giả, phân bố theo quốc gia và các hướng nghiên cứu chủ yếu. Do đó, trong bài viết này, tác giả sử dụng phương pháp phân tích trắc lượng thư mục (Bibliometrics) trên phần mềm VOSviewer dựa trên nguồn dữ liệu từ Sciencedirect, Springer Link và Proquest được thống kê chủ yếu trong 10 năm gần nhất từ 2015 đến năm 2025 để có thể có cái nhìn toàn diện nhất về các nghiên cứu học thuật có chất lượng về chủ đề này trên phạm vi toàn cầu. Phần mềm VOSviewer cho phép tạo ra bản đồ và trực quan hóa các mạng số liệu và phân tích các yếu tố bao gồm: tạp chí, tác giả, nghiên cứu riêng lẻ và có thể được xây dựng dựa trên mối quan hệ đồng tác giả (Abdian và cộng sự, 2023).

Dựa trên kết quả phân tích này, nghiên cứu đã khám phá các xu hướng, thách thức và tiến bộ trong các nghiên cứu về kiểm toán các UTKT. Những phát hiện của nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểm toán các UTKT có mối quan hệ mật thiết với kiểm toán BCTC, các UTKT được nhiều học giả nghiên cứu cho thấy rằng, đây là vấn đề kiểm toán trọng yếu. Kiểm toán BCTC nói chung và kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC nói riêng liên quan rất lớn đến chất lượng kiểm toán BCTC và chất lượng thông tin trên BCTC. Từ đó, kết quả nghiên cứu còn cung cấp thông tin quan trọng giúp định hướng cho các nghiên cứu khác trong tương lai, đặc biệt là các nghiên cứu tại Việt Nam.

Bằng cách giải quyết các mục tiêu nghiên cứu trên, tác giả hy vọng có thể đóng góp vào việc phát triển các nghiên cứu trong tương lai về chủ đề này. Cấu trúc còn lại của bài báo này được tổ chức như sau: Phần 2 – Phương pháp nghiên cứu để phân loại dữ liệu, quy trình, phương pháp chi tiết; Phần 3 - Kết quả và thảo luận về xu hướng xuất bản, phân bổ địa lý, tác giả nổi bật, phân tích trực quan hóa bản đồ về nội dung nghiên cứu chính; Cuối cùng là phần 4 - Một số định hướng cho nghiên cứu trong tương lai.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu

Các nguồn dữ liệu được sử dụng trong bài viết là từ các bài nghiên cứu trên các tạp chí, luận văn, luận án, các sản phẩm khoa học online và giấy được công bố liên quan đến nội dung nghiên cứu trên Sciencedirect, Springer Link và Proquest. Đây là một trong các kho lưu trữ đầy đủ các cơ sở dữ liệu toàn cầu có uy tín, có khả năng tìm kiếm rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu học thuật để đảm bảo dữ liệu thu thập được vừa đáng tin cậy vừa có liên quan đến chủ đề kiểm toán các UTKT.

Để đảm bảo rằng nghiên cứu về chủ đề này được tìm kiếm mà không bị bỏ sót, tác giả sử dụng các từ khóa bằng tiếng anh: “audit” AND "accounting estimate" OR "audit" AND "fair value", được dịch ra là "kiểm toán các ước tính kế toán"; "kiểm toán giá trị hợp lý”. Từ khóa được tìm kiếm theo tiêu đề, tóm tắt và từ khóa của nghiên cứu. Ban đầu, tác giả không giới hạn thời gian trong quá trình tìm kiếm để xem xét quá trình phát triển, nhưng sau đó do quá trình trước năm 2015, nghiên cứu về kiểm toán các UTKT rất hạn chế, vì vậy tác giả đã giới hạn thời gian nghiên cứu từ năm 2015 đến năm 2025.

Kết quả truy xuất ban đầu được thu thập là 806 công trình nghiên cứu từ nhiều quốc gia. Các tập dữ liệu được xuất từ cơ sở dữ liệu đã lựa chọn là các nghiên cứu chứa dữ liệu bao gồm các đặc điểm (loại nghiên cứu, ngôn ngữ), năm xuất bản, quốc gia và tác giả. Cơ sở dữ liệu này sau đó được lọc để loại trừ các nghiên cứu không phù hợp trước khi đưa vào quá trình phân tích. Bộ dữ liệu mới bao gồm 755 nghiên cứu được thu thập mang các đặc trưng bởi sự phân loại là các nghiên cứu thuộc các nguồn như nguồn các bài báo trên tạp chí, bài báo hội thảo, chương sách. Trong đó, các nghiên cứu chiếm phần lớn các bài báo trên tạp chí với tỷ lệ cao nhất 657/755 (chiếm 87,02%), bài báo hội thảo với tỷ lệ 9,27%, chương sách với tỷ lệ 3,71%. Các bài báo nghiên cứu chủ yếu được viết bằng tiếng Anh (694/792, chiếm 91,92%). Các nghiên cứu được đăng trên các các tạp chí khoa học uy tín trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị như The CPA Journal; Audit Financiar; Managerial Auditing Journal; Review of Accounting Studies; Cogent Business & Management.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết đã sử dụng phương pháp trắc nghiệm thư mục để đánh giá bằng trắc lượng thư mục với 4 bước. Dữ liệu được lọc để loại bỏ các nghiên cứu không liên quan hoặc trùng lặp được phân tích trên ứng dụng Vosviewer để có cơ sở dữ liệu trực quan hóa nghiên cứu về xu hướng phát triển, phân bổ khu vực địa lý của các nghiên cứu. Phương pháp đo lường thư mục được sử dụng trên mẫu nghiên cứu là 755 nghiên cứu. Đo lường trắc lượng thư mục được sử dụng để tìm xu hướng nghiên cứu về một chủ đề cụ thể, chỉ ra cấu trúc và khoảng cách của nghiên cứu (Abbas và Abdulrahman, 2023) và các phương pháp của nó có thể được áp dụng để đánh giá hiệu suất nghiên cứu và mô hình theo tác giả, tạp chí, quốc gia hoặc tổ chức (Huang và cộng sự, 2022). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng phân tích bằng các kỹ thuật lập bản đồ VOS và kỹ thuật thang đo đa chiều (Haidar và Satifa, 2023). Cuối cùng kết quả phân tích được mô tả và thảo luận để có bức tranh toàn cảnh về các nghiên cứu về chủ đề kiểm toán các UTKT và từ đó thảo luận về hướng nghiên cứu tiếp theo cho chủ đề này.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Kết quả xu hướng xuất bản các chủ đề nghiên cứu

Theo cơ sở dữ liệu nghiên cứu đã mô tả trên, chủ đề nghiên cứu này nhận được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo các nhà nghiên cứu học thuật, các nhà nghiên cứu của các công ty kiểm toán, kiểm toán viên, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các ước tính về giá trị hợp lý xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến hơn trên BCTC của các công ty. Số lượng nghiên cứu vể chủ đề này liên tục tăng qua các năm từ 2015-2025. Trong đó, mức tăng ấn tượng nhất trong giai đoạn sau năm 2019 là từ 46 bài đăng năm 2019 lên 127 bài đăng năm 2023. Năm 2024, chủ đề này vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu với việc công bố 109 bài báo trên các tạp chí thuộc nguồn nghiên cứu từ Sciencedirect, Springer Link và Proquest. Tuy nhiên, về chủ đề này, các nghiên cứu của Việt Nam chỉ được công bố từ năm 2021 nhưng cũng cho thấy sự gia tăng trong những năm tiếp theo.

Kết quả phân bố địa lý về chủ đề nghiên cứu

Các nghiên cứu thuộc chủ đề này chủ yếu đến từ các nhà nghiên cứu thuộc các quốc gia phát triển. Sự phân bố của các ấn phẩm về các nghiên cứu liên quan đến kiểm toán các UTKT giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu cho thấy sự chênh lệch đáng kể trong các đóng góp từ các quốc gia khác nhau, phản ánh sự khác biệt về cơ sở hạ tầng và ưu tiên nghiên cứu. Quốc gia dẫn đầu là Hoa Kỳ (197 nghiên cứu), tiếp theo là Anh, Trung Quốc (lần lượt là 118, 107 nghiên cứu). Các nghiên cứu của Việt Nam về chủ đề này cũng được quan tâm nghiên cứu bởi các nhà khoa học. Theo cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu nghiên cứu của bài viết các xuất bản của các nhà nghiên cứu đến từ quốc gia đang phát triển như Việt Nam hơi khiêm tốn, chẳng hạn như Việt Nam là 10/755 nghiên cứu trong giai đoạn 10 năm qua. Điều đó cho thấy các nghiên cứu này cần được tiếp tục quan tâm và đầu tư vào nghiên cứu trong nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam để đóng góp và tham gia vào cuộc đối thoại quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nói chung và chủ đề kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC nói riêng.

Ở một khía cạnh khác, các nghiên cứu về chủ đề này còn nhận được sự hợp tác và liên kết giữa các quốc gia. Bản đồ trực quan mạng lưới hợp tác quốc tế giữa các quốc gia (Hình 1) cho thấy, nhiều quốc gia đã có hợp tác quốc tế cho các nghiên cứu về chủ đề này. Trong đó cho thấy Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc là những quốc gia có hợp tác với nhiều quốc gia khác.

Tổng quan các nghiên cứu về kiểm toán các ước tính kế toán thông qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSVIEWER
Hình 1: Bản đồ trực quan mạng lưới hợp tác quốc tế giữa các quốc gia

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu từ VOSviewer

Kết quả về các tác giả nổi bật

Kết quả phân tích dữ liệu về các tác giả nổi bật cho thấy nhiều tác giả đã có một loạt các đóng góp thông qua các nghiên cứu của họ cho chủ đề này. Bản đồ trực quan hóa mạng lưới các nhà nghiên cứu và mối quan hệ cộng tác của các nhà nghiên cứu (Hình 2) cho thấy, sự kết hợp của các tác giả trong nghiên cứu về chủ đề này. Tuy nhiên, kết quả cũng phản ánh sự kết hợp này còn chưa nhiều. Nói cách khác, sự hợp tác trong nghiên cứu kiểm toán các UTKT vẫn còn thiếu. Bản đồ trực quan hóa cũng cho thấy Esraa esam alharasis và Haddad hossam là hai tác giả đã kết hợp và công bố các nghiên cứu về chủ đề này với nhiều nhà khoa học khác.

Tổng quan các nghiên cứu về kiểm toán các ước tính kế toán thông qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSVIEWER
Hình 2: Bản đồ trực quan hóa mạng lưới cộng tác giữa các tác giả

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu từ VOSviewer

Kết quả về phân tích trực quan bản đồ

Trực quan hóa bản đồ các nghiên cứu về kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC được thực hiện trên phần mềm VOSviewer dựa trên nguồn dữ liệu với 755 nghiên cứu (Hình 3) cho thấy nhiều liên kết nghiên cứu và cụm nghiên cứu, chỉ ra mối quan hệ và tần suất kết nối giữa các từ khóa trong phạm vi nghiên cứu về kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC. Các cụm này cung cấp hình ảnh trực quan toàn diện về các lĩnh vực trọng tâm nghiên cứu chính và mối liên kết của chúng trong lĩnh vực này, cho phép hiểu sâu hơn về cấu trúc cơ bản của các nghiên cứu về chủ đề này (Nurhidayah và cộng sự, 2024).

Kết quả chỉ ra nhóm liên kết cốt lõi giữa các ước tính kế toán, kiểm toán các UTKT và kiểm toán BCTC là một chủ đề quan trọng trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán hiện đại. Đặc biệt, kiểm toán các ước tính kế toán đòi hỏi sự phán xét và đánh giá rủi ro cao hơn so với các khoản mục có giá trị xác định rõ ràng. Các nghiên cứu chỉ ra và khẳng định nhiều về các đặc điểm về sự không chắc chắn của các UTKT dẫn đến kiểm toán tồn tại nhiều rủi ro cho kiểm toán BCTC. Rủi ro phát sinh thường là rủi ro trọng yếu (material misstatement risk) và thường mức độ được cho là cao hơn so với các khoản mục khác trên BCTC. Kiểm toán các UTKT cũng được cho là trọng tâm trong kiểm toán báo cáo tài chính.

Một hướng nghiên cứu khác cũng được trực quan hóa trên bản đồ là hướng nghiên cứu của các ước tính kế toán, kiểm toán các UTKT và chất lượng kiểm toán BCTC. Đây là hướng nghiên cứu nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ giới học thuật và thực tiễn kiểm toán. Vì từ khi các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS/IAS) áp dụng phương pháp đo lường giá trị hợp lý (Fair Value Accounting - FVA) thay vì phương pháp giá gốc truyền thống, kiểm toán các UTKT trở thành một vấn đề trọng tâm trong kiểm toán BCTC. Trong khi đó, một số nghiên cứu (DeFond và Zhang, 2014; Knechel và Salterio, 2016) cho thấy rằng, các khoản mục chứa ước tính kế toán phức tạp có nguy cơ cao dẫn đến sai sót trọng yếu, làm giảm chất lượng kiểm toán nếu kiểm toán viên không có phương pháp kiểm tra hiệu quả. Chủ đề chất lượng kiểm toán luôn nhận được sự quan tâm tìm hiểu và bởi vậy các hướng nghiên cứu về chất lượng kiểm toán BCTC hướng đến mối liên kết của nó đến kiểm toán các UTKT và các khoản UTKT ngày càng nhiều hơn.

Tổng quan các nghiên cứu về kiểm toán các ước tính kế toán thông qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSVIEWER
Hình 3: Bản đồ trực quan của chủ đề nghiên cứu
Tổng quan các nghiên cứu về kiểm toán các ước tính kế toán thông qua phân tích trắc lượng thư mục bằng VOSVIEWER
Hình 4: Trực quan hóa lớp phủ của chủ đề nghiên cứu

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu từ VOSviewer

Màu sắc hình ảnh trực quan hóa lớp phủ (Hình 4) từ kết quả cũng cho thấy nhiều mối liên hệ hơn thông qua việc thể hiện màu sắc của bản đồ. Màu tối hơn (xanh lam và tím) biểu thị các nghiên cứu và chủ đề cũ hơn đã được nghiên cứu rộng rãi trong quá khứ, trong khi màu sáng hơn (vàng và xanh lá cây) biểu thị các lĩnh vực nghiên cứu gần đây hơn. Thông qua hình ảnh có thể thấy rằng mối liên hệ giữa kiểm toán các UTKT với rủi ro kiểm toán và các vấn đề kiểm toán trọng yếu đã được khám phá liên tục trong nhiều năm và ngày càng phát triển theo thời gian. Các nghiên cứu cho các năm gần đây cũng hướng đến các nghiên cứu về giá trị hợp và kiểm toán giá trị hợp lý vì sự phức tạp và không chắc chắn của nó.

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRONG TƯƠNG LAI

Từ tổng hợp các nghiên cứu trước đó về chủ đề này, tác giả cũng kết hợp đọc chi tiết thêm các nghiên cứu sâu về kiểm toán các UTKT. Kết quả phân tích cho thấy chủ đề này đã và đang nhận được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo các nhà nghiên cứu trên nhiều quốc gia. Các nghiên cứu cũng chỉ ra kiểm toán các UTKT là một trong những thách thức lớn nhất đối với kiểm toán BCTC do bản chất chủ quan, không chắc chắn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố giả định. Các nghiên cứu về chủ đề này trong tương lai rất cần nghiên cứu tiếp tục ở phạm vi nhiều nền kinh tế khác nhau để hoàn thiện cả về cơ sở lý luận và thực tiễn bởi các lý do sau:

Thứ nhất, các UTKT có xu hướng gia tăng mức độ không chắc chắn và phức tạp của nó. Chẳng hạn như các UTKT về tổn thất tín dụng kỳ vọng (ECL - IFRS 9), định giá tài sản tài chính (IFRS 13), khấu hao tài sản (IAS 16), lợi nhuận thuế hoãn lại (IAS 12), dự phòng nợ tiềm tàng (IAS 37). Sự thay đổi môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp sử dụng mô hình thống kê phức tạp và dữ liệu dự báo để đưa ra các UTKT, khiến việc kiểm toán đã gặp khó khăn nay càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các tác động ảnh hưởng của thay đổi môi trường kinh doanh và rủi ro kinh tế chẳng hạn như tác động của đại dịch Covid 19 vừa qua, hủng hoảng tài chính và biến đổi khí hậu làm phát sinh các rủi ro mới khiến cho các ước tính kế toán thay đổi và trở nên phức tạp hơn.

Thứ hai, kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC gặp nhiều khó khăn và thách thức chẳng hạn như phương pháp tiếp cận hiện tại các công ty kiểm toán và KTV thường áp dụng là đánh giá tính hợp lý của các giả định mà doanh nghiệp sử dụng trong UTKT, dẫn đến rủi ro sai lệch nhận thức và sự thiên vị trong đánh giá. Khi kiểm toán các UTKT họ thiếu công cụ định lượng mạnh mẽ để kiểm tra tính hợp lý của mô hình ước tính kế toán khiến kiểm toán viên dễ gặp khó khăn trong việc xác định liệu các giả định có khách quan hay không. Các phương pháp kiểm toán truyền thống dựa nhiều vào thử nghiệm dữ liệu lịch sử và so sánh với các kỳ trước, trong khi các ước tính kế toán mang tính tương lai và phụ thuộc vào dự báo.

Thứ ba, sự phát triển của công nghệ và dữ liệu lớn đối với kiểm toán các UTKT cũng là lý do cho việc cần phải tiếp tục nghiên cứu về kiểm toán nói chung và kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC nói riêng. Liệu rằng các mô hình dự đoán dựa trên AI và học máy có thể giúp kiểm toán viên đánh giá tính hợp lý của các giả định kế toán bằng cách so sánh với dữ liệu thị trường thực tế. Hoặc AI có thể phân tích hàng triệu giao dịch tài chính để phát hiện các bất thường trong các ước tính kế toán, giảm thiểu rủi ro gian lận hoặc sai sót không? Sự phát triển của công nghệ thông tin có thể giúp tăng cường minh bạch và độ chính xác của các giao dịch tài chính, giúp kiểm toán viên có cơ sở dữ liệu đáng tin cậy để đánh giá các UTKT. Bởi vậy, cần có nhiều thêm nghiên cứu thực nghiệm để hiểu rõ hơn về cách blockchain có thể hỗ trợ kiểm toán ước tính kế toán trong thực tế. Một số doanh nghiệp có thể sử dụng các UTKT để thao túng lợi nhuận hoặc điều chỉnh BCTC nhằm đạt được mục tiêu tài chính nên cần nghiên cứu và phát triển các mô hình kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn để phát hiện các mẫu gian lận trong UTKT hoặc các công cụ phân tích rủi ro tiên tiến có thể giúp kiểm toán viên phát hiện các khoản mục ước tính bất thường hoặc có nguy cơ bị thao túng.

Dựa trên các phân tích này, các hướng nghiên cứu tương lai cho chủ đề này có thể ở các khía cạnh khác nhau xoay quay các nhóm liên kết và gắn liền với bối cảnh của các nền kinh tế khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển các nghiên cứu sẽ sẽ đóng góp vào sự phát triển lý thuyết của kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC và kinh nghiệm thực tiễn cho hoạt động kiểm toán, góp phần tạo ra niềm tin và sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính toàn cầu. Các định hướng đó có thể là:

(i) Các nghiên cứu về chủ đề này mặc dù đã phát triển cả về mặt định lượng và định tính trong những năm qua như thể hiện ở các phân tích xu hướng, tác giả, phân bố vùng địa lý nhưng cần được tiếp tục nghiên cứu với các nền kinh tế mới nổi thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm cơ sở hoàn thiện các chuẩn mực, quy định cũng như đóng góp thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn cho hoạt động kiểm toán trong các nền kinh tế đó. Muốn làm được điều đó cần có sự hỗ trợ, tài trợ và định hướng từ các tổ chức nghiên cứu chuyên môn như kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Nguồn tài trợ đó có thể từ Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các bộ chuyên ngành khác tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn; Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; Các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu của các trường đại học; các doanh nghiệp liên quan như công ty kiểm toán, tập đoàn kinh tế vì tất cả đều có chung mục tiêu là nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC và chất lượng thông tin trên báo cáo tài chính (Burns và Igou, 2019).

(ii) Thông qua phân tích trắc lượng thư mục về mối liên kết các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, tác giả nhận thấy cần có sự hợp tác lớn hơn nữa trong các nghiên cứu về chủ đề này để mở rộng phạm vi nghiên cứu không gian không chỉ trong một quốc gia mà còn trong khu vực, thậm chí kết hợp các nền kinh tế phát triển và đang phát triển để thấy được sự khác biệt, phân tích ưu và nhược điểm với hành vi phù hợp của bối cảnh mỗi quốc gia với khuôn khổ pháp lý của họ.

(iii) Kết quả từ phân tích trực quan hóa bản đồ cho thấy có một số cụm nghiên cứu nổi bật. Mỗi cụm nghiên cứu này cần được nghiên cứu sâu hơn để đào sâu nghiên cứu hơn nữa. Cụ thể là các hướng nghiên cứu về kiểm toán các ước tính kế toán trong tương lai cần tập trung vào:

- Tập trung nghiên cứu làm rõ thêm các rủi ro kiểm toán khi kiểm toán các UTKT trong kiểm toán BCTC.

- Tập trung vào các nghiên cứu để phát triển các phương pháp kiểm toán tiên tiến phục vụ việc đánh giá tính hợp lý của UTKT, đặc biệt là các công nghệ dựa trên công nghệ dữ liệu lớn và AI.

- Tập trung vào các nghiên cứu định lượng thêm để phân tích tác động và ảnh hưởng của các yếu tố đến độ chính xác khi kiểm toán các UTKT.

- Tập trung vào các nghiên cứu định lượng để phân tích các nhân tố trong liên kết giữa các UTKT và chất lượng kiểm toán các UTKT nói riêng và chất lượng kiểm toán BCTC nói chung.

KẾT LUẬN

Việc kiểm toán các UTKT ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp do tác động của môi trường kinh tế, sự thay đổi của chuẩn mực kế toán và sự phát triển của công nghệ. Để nâng cao độ tin cậy của BCTC, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về chủ đề này. Những nghiên cứu đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng kiểm toán mà còn góp phần đảm bảo sự minh bạch và đáng tin cậy của thông tin tài chính trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Với sự hỗ trợ của ứng dụng VOSviewer, bài viết này đã điều tra sâu và định lượng một chủ đề thú vị. So với việc chỉ xem xét các tài liệu hiện có, phương pháp này không chỉ cho thấy sự phát triển của một chủ đề, các tác giả quan trọng và các bài phê bình một cách trực quan mà còn có thể dự đoán các xu hướng trong tương lai về chủ đề này. Tuy nhiên, nếu mẫu dữ liệu được mở rộng thêm nhiều nguồn hơn nữa thì phân tích sẽ được toàn diện hơn./.

Tài liệu tham khảo

  1. Abbas, A., Abdulrahman, M. M. (2023), About scholarly works in the field of islamic economic law, A visualization of related topics.

  2. Abdian, S., Hosseinzadeh Shahri, M., Khadivar, A. (2023), A bibliometric analysis of research on big data and its potential to value creation and capture, Interdisciplinary Journal of Management Studies (Formerly known as Iranian Journal of Management Studies), 16(1), 1-24.

  3. Abdullatif, M. (2016), Auditing fair value estimates in developing countries: The case of Jordan, Asian Journal of Business and Accounting, 9(2), 102-140.

  4. Bộ Tài chính (2012), Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, Nxb Tài chính, Hà Nội.

  5. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 48/2019/TT-BTC, ngày 08/8/2019 về Hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại DN.

  6. Burns, M. B., Igou, A. (2019), Alexa, write an audit opinion”: Adopting intelligent virtual assistants in accounting workplaces, Journal of Emerging Technologies in Accounting, 16(1), 81-92.

  7. Christensen, B., S. Glover, and C. Wolfe (2014), Do Critical Audit Matter Paragraphs in the Audit Report Change Nonprofessional Investors’ Decision to Invest?, A Journal of Practice & Theory, 33(4), 71-93.

  8. Deaconu, A., Ciurdaş, I., Bonaci, C. (2021), Challenges Faced By Auditors When Estimating Fair Values. An Experiment in an Emerging Economy, Studia Universitatis Babes-Bolyai Oeconomica, 66(1), 36-60, https://doi.org/10.2478/subboec-2021-0003.

  9. Dixon, J. and Frolova, Y. (2013), Accounting for good governance: The fair value challenge. Corporate Governance, The International Journal of Business in Society, 13(3), 318-331.

  10. GRIFFITH, E. E. (2015), Audits of Complex Estimates as Verification of Management

  11. IAASB. (2018), ISA 540 (revised) - Auditing Accounting Estimates and related disclosures going concern.

  12. IAASB. (2020), Staff Audit Practice Alert: Auditing Accounting Estimates in the Current Evolving Environment Due to Covid-19, retrieved from: https://www.iaasb.org/publications/auditing-accounting-estimates-current-evolving-environment-due-Covid-19.

  13. Haidar, A., Satifa, S. A. (2023), Bibliometric analysis of publication paper themes for hajj services over the period of COVID-19 pandemic, Milkiyah: Jurnal Hukum Ekonomi Syariah, 2(2), 85-94.

  14. Huang, X., Yang, Z., Zhang, J., Wang, R., Fan, J., Zhang, H., Xu, R., Li, X., Yu, S., Long, L. (2022), A bibliometric analysis based on web of science: current perspectives and potential trends of SMAD7 in oncology, Frontiers in cell and developmental biology, 9, 712732.

  15. Li, V., Luo, Y. (2024a), Changes in accounting estimates during the COVID-19 pandemic in the USA, Asian Review of Accounting, 32(2), 223-248.

  16. Li, V., Luo, Y. (2024b), Changes in accounting estimates during the COVID-19 pandemic in the USA, Asian Review of Accounting, 32(2), 223-248. https://doi.org/10.1108/ARA-10-2022-0243.

  17. Magrath, L. K. (1999), The effects of task complexity and task structure on audit review judgments (Publication Number 9949387), [Ph.D., The University of Alabama]. ProQuest Central.,United States -- Alabama. https://www.proquest.com/dissertations-theses/effects-task-complexity-structure-on-audit-review/docview/304491897/se-2?accountid=201058.

  18. Nurhidayah, N., Sudarma, M., Djamhuri, A., Atmini, S. (2024), Audit opinion research: overview and research agenda, Cogent Business & Management, 11(1), 2301134.

  19. Okafor, C., and Ogiedu, K.O. (2012), Perceptions of fair value accounting: evidence from Nigeria, JORIND, 10(3), 417 – 432.

Ngày nhận bài: 20/02/2025; Ngày phản biện: 28/02/2025; Ngày duyệt đăng: 06/03/2025