TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cần tận dụng thị trường chứng khoán để thúc đẩy cổ phần hóa
7 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp. Ông có cho rằng tiến độ cổ phần hóa đang diễn ra quá chậm?
Trước hết cần phải khẳng định, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng không vì thế mà để cho tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp rơi vào tình trạng chậm trễ kéo dài từ năm 2020 đến nay.
Có ý kiến cho rằng, do bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cổ phần hóa sẽ khó tìm kiếm được nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp, từ đó Nhà nước khó thu được lợi ích tối đa. Ông có đồng tình với góc nhìn này?
Tuy tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam vẫn hoạt động khá tốt, với thanh khoản đang ở mức cả tỷ USD/ngày. Điều đó có nghĩa là sức cầu của thị trường, cũng như dòng tiền lỏng rất khả quan. Do đó, nhà nước nên tranh thủ diễn biến này để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cũng như thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp. Với sức cầu trên thị trường chứng khoán dồi dào như hiện nay, nếu Nhà nước đưa ra thị trường những mặt hàng mới, có chất lượng bằng con đường cổ phần hóa, bán đấu giá cổ phiếu trên các sàn chứng khoán, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm tham gia.
Theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, thúc đẩy cổ phần hóa sẽ góp phần nắn dòng tiền trên thị trường chứng khoán tìm đến doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh |
Tuy thanh khoản trên thị trường chứng khoán khả quan, nhưng có ý kiến quan ngại một lượng lớn dòng tiền hình thành từ cho vay giao dịch ký quỹ, vay ngân hàng. Thêm vào đó, dòng tiền này chủ yếu chảy trên thị trường thứ cấp, chứ không đến được túi doanh nghiệp. Theo ông, cần kiểm soát hiện trạng này ra sao và việc thúc đẩy cổ phần hóa hiệu quả có góp phần khắc phục tình trạng này không?
Qua sát thị trường cho thấy, hiện dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán đa phần chạy lòng vòng trên thị trường thứ cấp, nghĩa là không chảy đến doanh nghiệp cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, dòng tiền này hình thành từ nguồn khá lớn là các công ty chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ (margin) nhiều, cũng như vay ngân hàng. Do đó, nhà quản lý cần có giải pháp giám sát, kiểm soát chặt chẽ, tránh để dòng tiền này ngày một thêm “to”, dẫn đến nguy cơ xuất hiện “bong bóng” chứng khoán, gây rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính nhà đầu tư. Một khi nguy cơ này lộ diện trong bối cảnh xuất hiện các yếu tố khó khăn bất ngờ, khó lường tính cả trong nước và trên thế giới do tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, thì sẽ ẩn họa những rủi ro khó lường cho nền kinh tế.
Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lúc này là một giải pháp đáng làm, để đưa ra thị trường những hàng hóa mới, đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế có thêm những công ty hoạt động minh bạch, hiệu quả. Khi cái gốc là chất lượng hàng hóa, chất lượng doanh nghiệp khả quan hơn, sẽ thu hút được dòng tiền trên thị trường thứ cấp dịch chuyển một phần sang thị trường sơ cấp. Qua đó, sẽ nắn dòng tiền chảy đến doanh nghiệp cần vốn cho mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần khắc phục tình trạng phần nhiều dòng tiền chạy loanh quanh trên thị trường thứ cấp như hiện nay, mà chảy không đáng kể vào khu vực sản xuất, kinh doanh đang cần vốn./.
Bình luận