Tóm tắt

Bài viết tập trung làm rõ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo. “Chuẩn” của người thầy chân chính - theo Hồ Chí Minh - không chỉ về phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, mà còn cần đặt lý tưởng sư phạm, khát vọng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân lên trên hết, trước hết. Bài viết đề xuất một số giải pháp chính nhằm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Từ khóa: chuẩn hóa, nhà giáo, sự vận dụng, tư tưởng Hồ Chí Minh

Summary

The article focuses on clarifying the content of thought on the “standards” of teachers. The “standard” of a true teacher - according to Ho Chi Minh - is not only about qualities and abilities, diligence and expertise, virtue and talent, but also needs to include pedagogical ideals, aspirations to serve the Fatherland and serve the people. first of all, first of all. The article proposes a number of main solutions to apply thought to standardize the teaching staff to meet the requirements of fundamental and comprehensive innovation in education and training create now.

Keywords: standardized, teachers, manipulation, Ho Chi Minh thought

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nội dung quan trọng, thể hiện lý tưởng sâu xa về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng của Người về nhà giáo bao gồm một hệ thống luận điểm toàn diện về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của người giáo viên trong nền giáo dục mới. Đặc biệt, tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo khẳng định triết lý giáo dục sâu sắc, là cơ sở định hướng cho hoạt động thực tiễn xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo

Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết về giáo dục, Người dùng nhiều khái niệm để chỉ nhà giáo, đó là: “cô giáo”, “thầy giáo”, “người thầy”, “giáo viên”, “nghề thầy giáo”, “nhà văn hóa”, “thầy dạy học”, “chiến sĩ ngành giáo dục”... Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm rất lớn đối với các thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo, thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa[1]. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh “chuẩn” của mỗi thầy giáo, cô giáo để hoàn thành sự nghiệp giáo dục vẻ vang của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo được hình thành trên cơ sở kế thừa giá trị “tôn sư” tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tư tưởng đề cao vai trò người thầy trong Nho giáo, tinh hoa văn hóa phương Tây, chủ nghĩa Mác - Lênin và trực tiếp là những hoạt động của chính Người - thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng và dạy học cho nhân dân. Có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo trên một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, có mục tiêu, lý tưởng cao đẹp và bản lĩnh, khát vọng cống hiến.

Theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp giáo dục của nước nhà đòi hỏi người giáo viên không chỉ vững vàng về chuyên môn, mô phạm về đạo đức, mà trước hết, đầu tiên phải có mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh và khát vọng. Người thầy giáo cũng là người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, gắn bó mật thiết và nằm trong sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Lý tưởng sư phạm của người thầy gắn với lý tưởng của cả dân tộc: “Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”[2]. Mỗi thầy cô giáo phải lấy lợi ích tổ quốc, nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, phụng sự: “Giáo dục phải phục vụ cho đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống nhân dân”[3]. Đồng thời, mỗi nhà giáo phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng làm kim chỉ nam cho sự nghiệp “trồng người” cao quý: “Muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa… Các thầy, các cô giáo, các cháu cần luôn luôn bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh tiêu diệt cá nhân chủ nghĩa”[4]. Bên cạnh đó, theo Người, mỗi thầy cô giáo phải lấy hạnh phúc của người học, của nhân dân làm động lực nuôi dưỡng động cơ lao động sư phạm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ tổ quốc, nhân dân, ngành giao phó: “Chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc… Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”[5]. Như vậy, một người thầy giáo tốt, vẻ vang - theo Hồ Chí Minh - trước hết và đầu tiên phải là người có lý tưởng sư phạm gắn với lý tưởng yêu nước, đặt phụng sự tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thứ hai, giỏi về chuyên môn, không ngại sáng tạo, đổi mới trong lao động sư phạm.

Theo Hồ Chí Minh, muốn tham gia mặt trận giáo dục, người thầy cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ, phải có năng lực sư phạm. Đó chính là những tri thức, học vấn chuyên môn và quan niệm chân chính về lao động sư phạm: “Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác”[6]. Người nhắc nhở mỗi nhà giáo, mỗi người dân phải có tri thức, quan niệm đúng đắn về nghề nghiệp và hoạt động sư phạm: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”[7]. Cái mới, cái khác trong năng lực dạy học của người thầy theo quan niệm của Hồ Chí Minh là hướng tới chất lượng: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn nhiều. Việc cốt yếu phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề… Chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc… Phải luôn dùng lời lẽ thí dụ đơn giản, thiết thực, dễ hiểu”[8]. Về phương pháp, Người khuyên: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”[9], để khơi nguồn sáng tạo cho học trò. Để nâng cao trình độ chuyên môn và học vấn, theo Hồ Chí Minh, tự học, tự nghiên cứu là quan trọng nhất: “Phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi, thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”[10]. Bản thân người thầy giáo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là biểu tượng, tấm gương sáng ngời của tinh thần hiếu học, tự học.

Thứ ba, là một nhà giáo dục mẫu mực, một tấm gương sáng về đạo đức.

Đạo đức người thầy, theo Hồ Chí Minh, có sức mạnh thức tỉnh, cảm hoá vô cùng to lớn. Chỉ khi có lòng trắc ẩn sâu sắc, có đức dày - trí sáng - lòng trong, thì nhà giáo mới vượt qua được những thử thách của nghề, không bị sa ngã bởi lợi ích vật chất tầm thường: “Không những phải có tri thức phổ thông, mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”[11]. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức chung, theo quan niệm của Người, mỗi thầy cô giáo còn cần có chí khí cao thượng, gương mẫu tiên phong, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để đem cái chữ đến cho đồng bào: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”[12]. Đồng thời, mỗi thầy cô giáo phải yêu nghề, yêu trò, đoàn kết và gương mẫu: “Thầy thi đua dạy, trò thi đua học. Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”[13]. Bên cạnh đó, theo Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô giáo phải luôn quán triệt tinh thần nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức sư phạm, là tấm gương cho người học noi theo: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt”[14]. Người thầy phải là hiện thân của tri thức, học vấn và đạo đức.

Thứ tư, khéo tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân, không ngại học thêm ngoại ngữ và tiếp thu khoa học, kỹ thuật.

Theo Hồ Chí Minh, một thầy giáo không chỉ sáng về lý tưởng, giỏi về chuyên môn, mẫu mực về đạo đức, mà còn phải hiểu rộng, biết nhiều, giỏi thích ứng: “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[15]. Bởi vì: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà”[16]. Người đặt ra yêu cầu phải tranh thủ thời gian xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế đông đảo, vững mạnh, ngày càng hoàn chỉnh về trình độ và ngành, nghề. Vừa có phẩm chất chính trị tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, liên hệ chặt chẽ với công nông. Vừa có trình độ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ giỏi, nắm vững được những quy luật của tự nhiên và quy luật xã hội, có năng lực tổ chức và động viên quần chúng, đủ sức giải quyết những vấn đề khoa học, kỹ thuật và quản lý kinh tế do thực tiễn nước ta đề ra và có khả năng tiến kịp trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Theo Hồ Chí Minh, người thầy cũng phải tự rèn luyện, tự học tập để nâng cao trình độ, tu dưỡng bản thân, sửa đổi lối làm việc để hoàn thiện mình, như vậy mới dạy dỗ, hướng dẫn được người khác.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay

Những triết lý, quan điểm của Hồ Chí Minh về “chuẩn” của nhà giáo là sự định hướng về tư tưởng, kim chỉ nam cho nền giáo dục đã thực sự góp phần đào tạo một thế hệ nhà giáo mẫu mực, gạo cội cho ngành giáo dục nước nhà thế kỷ XX, như: Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn... Từ đó, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của người thầy và yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo trong xây dựng và phát triển đất nước: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”[17]. Tiêu chuẩn của nhà giáo được định hình và không ngừng bổ sung, hoàn thiện phù hợp thực tiễn phát triển giáo dục và đào tạo trong nước và quốc tế: “Nhà giáo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây: 1. Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; 2. Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; 3. Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; 4. Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp”[18]. Từ đó, Đảng ta tiếp tục nhất quán và khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người… Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”[19]. Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng gắn với tổ chức thực hiện chặt chẽ, khoa học quy trình, phương thức tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ nhà giáo.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi tổ chức, lực lượng trong các trường đại học nắm vững quan điểm, chủ trương, phương châm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện thực chất, có hiệu quả quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Quyết định của Đảng và Nhà nước[20]. Kịp thời điều chỉnh, chuẩn hóa nội dung, chương trình đào tạo trường đại học theo hướng phù hợp với từng đối tượng sinh viên, sát thực tiễn: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”[21].

Xác định rõ chủ trương, giải pháp thực hiện quy hoạch đội ngũ nhà giáo gắn với các khâu đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, quản lý cán bộ. Xây dựng kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tuyển chọn đội ngũ nhà giáo; thực hiện công khai, dân chủ trong đào tạo, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Về nguồn tuyển chọn, chú trọng xét tuyển chọn số sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, sức khỏe và nguyện vọng. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những nhà giáo không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Về số lượng, chú trọng phân bổ đủ theo yêu cầu tổ chức, biên chế, bảo đảm vừa có lực lượng cơ bản, chủ yếu, vừa có lực lượng dự bị. Về chất lượng, tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức toàn diện về chuyên môn, năng lực sư phạm, tác phong, phương pháp công tác, khả năng vận dụng lý luận với thực tiễn gắn với tự học, tự rèn của đội ngũ nhà giáo. Về cơ cấu, tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ nhà giáo theo hướng “chuẩn hóa”, “trẻ hóa”, bảo đảm có sự kế thừa và kết hợp vững chắc giữa các độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn.

Hai là, tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo vững vàng về lý luận, phong phú về thực tiễn, chuẩn mực về phương pháp, tác phong công tác.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cho đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo lĩnh vực, môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm tốt; khả năng tư duy khoa học, sáng tạo, biết gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn. Đặc biệt chú trọng khơi dậy, phát huy lòng yêu nghề, vinh dự, trách nhiệm, luôn là một tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, tích cực, sáng tạo; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn. Nâng cao kiến thức thực tiễn, nắm chắc đối tượng người học, giảng dạy sát với trình độ, năng lực và yêu cầu nghề nghiệp, chức trách của người học. Duy trì nghiêm các quy chế, quy định trong giáo dục và đào tạo, xây dựng bầu không khí dân chủ, kỷ cương, văn hóa, đoàn kết, thống nhất, yêu thương, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các lực lượng sư phạm, nhất là mối quan hệ giữa nhà giáo và học sinh.

Tổ chức chặt chẽ các lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm, nhất là các phương pháp dạy học tích cực; cập nhật các thông tin về tình hình thế giới và trong nước. Xây dựng kế hoạch và tổ chức nghiêm túc, có chất lượng các hội thi, các hoạt động phương pháp gắn với tăng cường mở các lớp học ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo. Chú trọng bồi dưỡng khả năng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, đồng thời, coi trọng hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng thực hành cho sinh viên, nhất là khả năng tự nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo khi thực tiễn có sự thay đổi, phát triển. “Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục”[22]. Tăng cường hoạt động khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng về chất lượng làm việc của người học sau khi tốt nghiệp; kịp thời điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo phù hợp và sát thực tiễn.

Ba là, chú trọng tạo lập môi trường sư phạm thuận lợi, nhất là môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo.

Quan tâm xây dựng môi trường sư phạm ở các trường học lành mạnh, tạo lập không gian sáng, xanh, sạch, đẹp, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại cần thiết phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học: “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng”[23]. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng, nhân rộng tập thể, cá nhân nhà giáo xuất sắc, mô hình, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến trong công tác giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.

“Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đột ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”[24]. Tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến và tăng cường giao lưu, học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế. Thường xuyên quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; quan tâm đúng mức, hài hòa, hợp lý đến các vấn đề thiết cho đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, tốt đẹp, giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân”[25]. Xây dựng các trường học thực sự là môi trường văn hóa sư phạm trong sạch, lành mạnh; là môi trường giáo dục văn hóa, rèn luyện toàn diện về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, thể chất, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng cho người học.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về “chuẩn” nhà giáo đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Quan niệm của Người đã đưa vị trí của người thầy lên tột cùng của sự tôn vinh, trở thành bài học quý giá cho các thế hệ nhà giáo. Đây là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đồng thời, là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay./.

Thiếu tá, ThS. Nguyễn Quang Bình

Trung tá, ThS. Phạm Văn Long

Nghiên cứu sinh, Hệ Đào tạo Sau đại học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.647.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.595.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.556.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.389.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.403.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.346.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.291.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.274.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.345.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.403.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.400.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.269.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.377.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.120.

[17] Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội.

[18] Quốc hội, Luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về “Luật Giáo dục”, Hà Nội.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.136-139.

[20] Nghị quyết số 29-NQ/TW; Chỉ thị số 40/2004/CT-TW; Kết luận số 50-KL/TW; Luật Giáo dục năm 2019; Quyết định số 33/QĐ-TTg; Quyết định số 732/QĐ-TTg; Quyết định số 89/QĐ-TTg; Chỉ thị số 24/CT-TTg; Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Nghị quyết số 102/NQ-CP.

[21] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.232-233.

[22] Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Hà Nội.

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.139.

[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144.