MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI

Khái niệm tỷ giá hối đoái có thể tìm thấy dễ dàng trong các giáo trình kinh tế học vĩ mô, kinh tế quốc tế và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Wikipedia thì, “Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex, tỷ giá FX hoặc Agio) giữa hai tiền tệ là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Nó cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được biểu hiện bởi một tiền tệ khác”.

Tỷ giá và thông tin về tỷ giá
Giá của một đồng tiền tính theo một đồng tiền khác được gọi là tỷ giá hối đoái

Theo N. Gregory Mankiw (1997), “Tỷ giá hối đoái danh nghĩa là giá tương đối giữa đồng tiền của hai nước”, “tỷ giá hối đoái thực tế là giá tương đối của hàng hóa ở hai nước”. Để tránh hiểu lầm, N. Gregory Mankiw còn nhấn mạnh: “Trong cuốn sách này, chúng ta luôn quan niệm tỷ giá hối đoái là số đồng ngoại tệ tính trên 1 đô la”.

Theo F. Mishkin (1994), “Giá của một đồng tiền tính theo một đồng tiền khác được gọi là tỷ giá hối đoái”.

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010), “Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam”.

Từ các khái niệm trên, có thể thấy, tỷ giá hối đoái, một mặt, là một khái niệm chung, được hiểu là tỷ lệ trao đổi giữa các đồng tiền của các nước, là tỷ lệ, mà tại đó đồng tiền của một quốc gia này đổi lấy đồng tiền của quốc gia khác. Tỷ giá hối đoái là giá tương đối giữa đồng tiền của hai nước. Mặt khác có thể thấy ít nhất 2 vấn đề cần trao đổi: (i) Có phải tỷ giá hối đoái ở nhiều nước được hiểu là “số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ”, còn ở Anh, Mỹ thì hiểu ngược lại?; (ii) Có phải cách niêm yết tỷ giá hối đoái gián tiếp dẫn đến “tỷ giá tăng đồng nội tệ lên giá và ngược lại”, còn cách niêm yết tỷ giá hối đoái trực tiếp dẫn đến “tỷ giá tăng đồng ngoại tệ lên giá và ngược lại”?

Liệu có phải khái niệm về tỷ giá không đủ rõ, dẫn đến các cách hiểu khác nhau, trái ngược nhau ở hai nhóm nước? Tỷ giá hối đoái có thể hiểu một cách chung nhất là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai nước. Khái niệm này phản ánh một thực tế là trên thị trường ngoại hối, đồng tiền của các nước được trao đổi theo một tỷ lệ nhất định, phản ánh điểm cốt lõi trong trao đổi trên thị trường ngoại hối.

Khi tham gia vào trao đổi, trở thành hàng hóa, đồng tiền của mỗi nước được xác định một mức giá cụ thể. Trên thực tế, tỷ giá hối đoái, thông tin về tỷ giá được phản ánh cụ thể hơn, thường thể hiện dưới dạng giá của một đồng tiền cụ thể.

Trong trao đổi, giá của mỗi đồng tiền được hình thành. Khi nói về tỷ giá hối đoái, điều được hướng tới là giá của một đồng tiền cụ thể. Tỷ giá hối đoái được cụ thể hóa dưới hình thức giá của một đồng tiền được tính bằng một đồng tiền khác.

Hãy quan sát thị trường hàng hóa, giữa tiền và hàng hóa cũng hình thành tỷ lệ trao đổi, tương tự trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền. Nhưng khác với thị trường ngoại hối, trên thị trường hàng hóa, tiền luôn đóng vai trò định giá cho hàng hóa. Trên thị trường ngoại hối, vai trò của các đồng tiền là tương đương; bất cứ đồng tiền nào đều có thể được sử dụng để định giá cho đồng tiền khác. Do đó, cần phải xác định cụ thể, trong trường hợp cụ thể, tỷ giá là giá của đồng tiền nào được tính bằng đồng tiền nào.

Tỷ giá hối đoái được định nghĩa cụ thể hơn là giá cả đồng tiền của một nước được tính bằng đồng tiền của nước khác. Ví dụ, tỷ giá của đồng đô la Mỹ là giá của đô la Mỹ được tính bằng đồng tiền khác. Tương tự 1kg gạo = 20 nghìn đồng là giá của gạo, 1 USD= 0,7234 GBP hàm ý là tỷ giá của đồng đô la Mỹ tính bằng đồng bảng Anh; ngược lại, 1 GBP = 1,3823 USD là tỷ giá của đồng bảng Anh tính bằng đồng đô la Mỹ.

Tỷ giá không thể niêm yết một cách chung chung. Khi niêm yết tỷ giá, mỗi đồng tiền đóng một vai trò cụ thể. Một cặp ngoại tệ trao đổi được chia thành đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá (được sử dụng để định giá cho đồng tiền yết giá). Khi viết 1 USD= 0.7234 GBP, thì USD là đồng tiền yết giá, còn đồng bảng Anh là đồng tiền định giá.

Định nghĩa tỷ giá hối đoái là giá cả đồng tiền của một quốc gia được tính bằng một đồng tiền khác khẳng định một điều là cần phải thông tin rõ tỷ giá của đồng tiền nào.

Tóm lại, tỷ giá hối đoái được hiểu chung là tỷ lệ trao đổi giữa các đồng tiền và có hình thức biểu hiện cụ thể là tỷ giá hối đoái của một đồng tiền, là giá của đồng tiền đó được tính bằng một đồng tiền khác.

NIÊM YẾT TỶ GIÁ, TRÌNH BÀY VĂN BẢN VÀ NÓI TẮT

Đồng tiền yết giá và nói tắt

Tỷ giá hối đoái được niêm yết theo hai phương pháp chính:

- Phương pháp yết giá gián tiếp: trong phương pháp này, đồng nội tệ sẽ đóng vai trò là đồng yết giá và có đơn vị cố định là một đơn vị, còn đồng ngoại tệ đóng vai trò là đồng định giá có số đơn vị thay đổi dựa theo thay đổi trên thị trường ngoại hối. Ví dụ tại Đức sẽ yết giá như sau, 1 Euro = 1,3472 USD, 1Euro = 0,85 GBP.

- Phương pháp yết giá trực tiếp: đây là cách yết giá tại các quốc gia sở hữu đồng tiền yếu. Khi đó đồng ngoại tệ sẽ đóng vai trò đồng yết giá, còn đồng nội tệ của quốc giá đó sẽ là đồng định giá. Ví dụ Việt Nam sẽ yết giá là 1 USD = 20.895 VND, 1 Euro = 28.485 VND.

Khi yết tỷ giá của một cặp tiền tệ, người ta luôn phân biệt rõ đồng tiền yết giá và đồng tiền định giá. Đồng tiền yết giá là đồng tiền được báo giá, đồng tiền định giá là đồng tiền được sử dụng để định giá cho đồng tiền yết giá. Ví dụ, khi viết 1 USD = 22.000 VND, thì đồng đô la Mỹ là đồng tiền được báo giá: giá 1 đô la Mỹ là 22.000 đồng Việt Nam. Như vậy, khi viết 1 USD = 22.000 VND, thì đó là tỷ giá đồng đô la.

Trên thị trường ngoại hối, theo truyền thống, mỗi nước thường niêm yết tỷ giá thông dụng nhất theo phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở Mỹ và Anh, phương pháp niêm yết truyền thống là gián tiếp, niêm yết tỷ giá đồng nội tệ. Ở nhiều nước khác, phương pháp niêm yết là trực tiếp, yết giá đồng ngoại tệ. Từ đó, tồn tại một thực tế là ở Mỹ và Anh, khi nói tỷ giá, người ta thường hiểu là tỷ giá đồng nội tệ, còn ở Việt Nam, khi nói tỷ giá, thường được hiểu là tỷ giá đồng ngoại tệ.

Tỷ giá hối đoái chỉ là khái niệm chung, cần được phản ánh dưới hình thức cụ thể là giá của đồng tiền nào. Khi đã nói đến tỷ giá của một đồng tiền cụ thể, thì sẽ không xảy ra chuyện “riêng ở Mỹ và Anh thì thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa ngược lại”. Không phải một thuật ngữ được hiểu theo hai cách trái ngược nhau. Vấn đề là tỷ giá hối đoái khi nói tắt, viết tắt, quá ngắn, ở mỗi nước có thể có hàm ý khác nhau. Khi nói tắt, cả ở Việt Nam và Mỹ đều nói “tỷ giá”, nhưng thực chất, đó là về hai tỷ giá khác nhau, trái ngược nhau; nói đầy đủ, thì ở Việt Nam đó là tỷ giá đồng ngoại tệ, còn ở Mỹ đó là về tỷ giá đồng nội tệ. Do nói, viết tắt như vậy, cho nên, khi nói tỷ giá tăng, ở Mỹ, đó là tỷ giá đồng nội tệ tăng, giá đồng nội tệ tăng; ở Việt Nam khi nói tỷ giá tăng, đó là tỷ giá ngoại tệ tăng, giá đồng nội tệ giảm. Nếu nói đầy đủ: ở Mỹ, khi tỷ giá đô la tăng, giá đồng nội tệ (đô la) tăng; ở Việt Nam khi tỷ giá đồng ngoại tệ tăng, giá đồng nội tệ (đồng Việt Nam) giảm. Khi nói, viết đầy đủ như vậy, sẽ không có vấn đề tỷ giá ở các nước có thể hiểu trái ngược nhau.

Tỷ giá, ở các nước, có thể hiểu trái ngược nhau là do nói, viết tắt, chứ không phải mỗi nước có một khái niệm tỷ giá riêng.

Hình thức yết giá và trình bày văn bản

Một vấn đề khác cũng gây rắc rối cho người đọc, liên quan đến cách trình bày, quy ước niêm yết tỷ giá. Tỷ giá hối đoái có thể được niêm yết đơn giản, từng đồng ngoại tệ có giá mua, giá bán bằng đồng Việt Nam là bao nhiêu. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 19/06/2021 [5] như sau:

Tỷ giá và thông tin về tỷ giá


Bảng 1: Tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam vào ngày 18/06/2021 trên website HSBC HSBC trình bày tỷ giá ngoại tệ so với đồng Việt Nam vào ngày 18/06/2021 [6] như Bảng 1.

Tỷ giá và thông tin về tỷ giá

Trên website vn.investing.com, tỷ giá hối đoái được trình bày theo nhiều cách khác nhau [7], trong đó có cách trình bày như Bảng 2.

Tỷ giá và thông tin về tỷ giá

Trong bảng niêm yết tỷ giá chuyên nghiệp, “USD/VND” theo quy tắc, cần phải hiểu, phải đọc là giá USD được tính bằng đồng Việt Nam. Nhưng trong văn bản thông thường, “USD/VND” vẫn phải đọc theo quy tắc niêm yết tỷ giá hay đọc theo quy tắc trình bày văn bản tiếng Việt là USD trên (hoặc chia cho) VND?

Tỷ giá của đồng đô la Mỹ tính bằng đồng Việt Nam được trình bày như thế nào?

Vấn đề ở chỗ là khi sử dụng dấu gạch chéo trong văn bản, ví dụ, giá gạo là “20 nghìn đồng/kg”, thường được đọc là 20 nghìn đồng “trên” 1 kg gạo và hiểu là giá 1 kg gạo bằng 20 nghìn đồng. Do đó, khi đưa quy tắc niêm yết chuyên nghiệp vào thông tin đại chúng, trình bày dưới dạng văn bản, dẫn đến khó hiểu, rối loạn thông tin. Ví dụ, khi đọc “USD/VND = 22.000”, người đọc có thể hiểu, ít nhất, theo hai cách khác nhau: a) Giá 1 USD = 22.000VND (theo quy tắc yết giá); b) Tỷ giá, tỷ lệ so sánh USD trên 1 VND là 22.000; có nghĩa là 1 VND = 22.000 USD (hiểu theo quy tắc trình bày văn bản). Vậy khi gặp thông tin “USD/VND = 22.000”, người đọc buộc phải hiểu “USD/VND” là quy ước niêm yết tỷ giá USD được tính bằng đồng Việt Nam, hay hiểu theo cách trình bày văn bản thông thường?

Trong các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, để chỉ tỷ giá của đồng đô la Mỹ tính bằng đồng Việt Nam, có thể thấy, các tác giả trình bày theo nhiều cách khác nhau: có bài viết ghi “tỷ giá USD/VND” (theo quy tắc niêm yết), có bài ghi ngược lại “tỷ giá VND/USD” (theo quy tắc văn bản) và có cả trường hợp, trong cùng một bài viết, có chỗ ghi “tỷ giá USD/VND”, có chỗ lại ghi “tỷ giá VND/USD”.

Trong bài viết “Bắt mạch tỷ giá USD/VND cuối năm 2020”, tác giả đã trình bày “tỷ giá USD/VND” là tỷ giá đồng đô la được tính bằng đồng Việt Nam (theo quy tắc yết giá) [8]. Trong bài viết “Bắt mạch tỷ giá VND/USD năm 2021”, tác giả lại trình bày “tỷ giá VND/USD” là số lượng đồng Việt Nam trên 1 đô la Mỹ, cũng có nghĩa là tỷ giá đồng đô la (theo quy tắc văn bản) [9]. Như vậy, phải chăng tỷ giá đồng đô la Mỹ được tính bằng đồng Việt Nam, có thể trình bày là “tỷ giá USD/VND” hoặc tỷ giá “VND/USD”?

Để chỉ tỷ giá của đồng đô la Mỹ tính bằng đồng Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu thường sử dụng quy tắc trình bày văn bản: tỷ giá VND/USD. Theo trình bày của Hoàng Công Tuấn, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Đức Anh (2020), thì “Tỷ giá VND/USD có sự biến động mạnh trong hai tuần trở lại đây trong khi khá ổn định trong 2 tháng đầu năm. Nguyên nhân gây ra sự biến động mạnh của tỷ giá VND/USD bao gồm cả các nguyên nhân bên ngoài từ thị trường tài chính thế giới và nguyên nhân nội tại của Việt Nam… Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ giá VND/USD sẽ chỉ tăng khoảng 2%, phù hợp với mục tiêu điều hành của NHNN” [10].

Trong bài viết “Vì sao tỷ giá ổn định?”, tỷ giá đồng đô la Mỹ được tính bằng đồng Việt Nam cũng được trình bày khá tự do theo nhiều cách khác nhau: “Dịch Covid-19 đã khiến tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong 2 tuần cuối của tháng 3/2020… Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP)…, trong suốt quý III/2020, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều ổn định, kết thúc quý lần lượt ở mức 23.215 VND/USD và 23.270 VND/USD” [11]. Trong một đoạn văn không dài, câu đầu có tỷ giá USD/VND, câu cuối lại là VND/USD.

Những ví dụ như trên có thể kể ra rất nhiều, cùng là trình bày tỷ giá đồng đô la Mỹ được tính bằng đồng Việt Nam, các tác giả có thể viết USD/VND hoặc ngược lại VND/USD. Ai cũng đúng? Thật là phức tạp cho người đọc!

TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI Ở VIỆT NAM, TỶ GIÁ CỦA ĐỒNG VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Tỷ giá hối đoái ở Việt Nam được niêm yết trực tiếp (giá mua ngoại tệ). Ví dụ: 1 USD = 22.000 VND. Ở đây, đồng đô la Mỹ là đồng tiền yết giá và đồng Việt Nam là đồng tiền định giá. Như vậy, về bản chất, tỷ giá niêm yết ở Việt Nam là tỷ giá ngoại tệ, tỷ giá đồng đô la Mỹ. Tỷ giá đồng đô la Mỹ được tính bằng đồng Việt Nam có thể được gọi tắt là tỷ giá đồng đô la hoặc tỷ giá. Tuy nhiên, đó không phải là tỷ giá đồng Việt Nam; gọi đó là tỷ giá đồng Việt Nam là không chính xác và gây hiểu lầm.

Có một thực tế là tỷ giá hối đoái ở Việt Nam được công bố là giá ngoại tệ, giá đô la Mỹ, giá đồng bảng Anh… là giá ngoại tệ được tính bằng đồng Việt Nam. Từ thực tế này, bằng cách nào có thể khái quát thành “tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam”?

Cần chú ý, tỷ giá ở Việt Nam và tỷ giá của đồng Việt Nam là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong mối quan hệ trao đổi giữa đồng đô la Mỹ và đồng Việt Nam, tỷ giá của đồng đô la Mỹ là giá của đồng đô la Mỹ được tính bằng đồng Việt Nam; ngược lại tỷ giá của đồng Việt Nam là giá của đồng Việt Nam được tính bằng đồng đô la Mỹ. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam phải là giá của đồng Việt Nam, chứ không thể là giá của đồng tiền nước ngoài. Do đó, cần xem xét lại khái niệm tỷ giá hối đoái đồng Việt Nam được trình bày trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (năm 2010): “Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam”. Vì vậy, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (năm 2010) cần phản ánh chính xác một thực tế: tỷ giá hối đoái ở Việt Nam (được niêm yết trực tiếp) là tỷ giá đồng ngoại tệ, là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái là vấn đề phức tạp. Trên thực tế, hiểu các thông tin về tỷ giá trở nên phức tạp hơn do cách diễn đạt, nói tắt, viết tắt không đủ rõ ràng, gây hiểu lầm. Vì vậy, Để hiểu được chính xác các thông tin về tỷ giá, cần phân biệt khái niệm tỷ giá hối đoái chung, tỷ giá hối đoái của một đồng tiền, giá của một đồng tiền cụ thể; cần hiểu rõ khi tỷ giá của một đồng tiền được nói, viết tắt, thì cụ thể ở từng nước, nó được hiểu đầy đủ là tỷ giá của đồng nội tệ hay ngoại tệ.

Khi đưa thông tin về tỷ giá, người viết không nên sử dụng những khái niệm không rõ ràng, cần hình dung người đọc có hiểu đúng quy tắc trình bày mình đang sử dụng hay không. Trong những trường hợp cần thiết, cần giải thích rõ khái niệm tỷ giá trong bài viết được hiểu như thế nào./.

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2010). Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 46/2010/QH12, ngày 16/6/2010

2. N. Gregory Mankiw (1997). Kinh tế vĩ mô, Nxb Thống kê

3. F. S. Mishkin (1994). Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính, Nxb Khoa học và Kỹ thuật

4. https://vi.wikipedia.org/ wiki/Tỷ_giá_hối_đoái

5. https://sbv.gov.vn/TyGia/faces/TyGiaTrungTam

6. https://www.hsbc.com.vn/foreign-exchange/rate

7. https://vn.investing.com/currencies/exchange-rates-table (21/6/2021)

8. Nguyễn Long (2020). "Bắt mạch" tỷ giá USD/VND cuối năm 2020, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/bat-mach-ty-gia-usd-vnd-cuoi-nam-2020-183342.html

9. Nguyễn Đức Độ (2021). “Bắt mạch” tỷ giá VND/USD năm 2021, truy cập từ http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-02-07/bat-mach-ty-gia-vnd-usd-nam-2021-99537.aspx

10. Hoàng Công Tuấn, Nguyễn Phi Long, Nguyễn Đức Anh (2020). Báo cáo phân tích xu hướng biến động của tỷ giá VND/USD đến hết năm 2020, truy cập từ https://mbs.com.vn/media/3g2jkut4/b-c3-a1o-c-c3-a1o-chuy-c3-aan-c4-91-e1-bb-81-t-e1-bb-b7-gi-c3-a1-vnd-usd-2020-final.pdf

11. Thành Đức (2020). Vì sao tỷ giá ổn định?, truy cập từ http://baokiemtoannhanuoc.vn/van-de-hom-nay/vi-sao-ty-gia-on-dinh-146040

PGS, TS. Nguyễn Ái Đoàn

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)