Ứng dụng mô hình tích hợp UTAUT2 với TOE để nghiên cứu hiệu quả bán lẻ trực tuyến
TS. Hà Văn Dương
Viện Kinh tế và Kỹ Thuật Sài Gòn
Email: dhv05@yahoo.com
Tóm tắt
Nghiên cứu áp dụng mô hình tích hợp UTAUT2 (The Unified Theory of Acceptance and Use of Technology 2) và mô hình TOE (Công nghệ - Tổ chức - Môi trường - The Technology – Organization – Environment model) để nghiên cứu về hiệu quả bán lẻ trực tuyến qua ý định hành vi, hành vi sử dụng các nền tảng bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu xác định các nhân tố tác động trong mô hình tích hợp UTAUT2 với TOE để nghiên cứu hiệu quả bán lẻ trực tuyến, giúp các nhà bán lẻ xác định các nhân tố tác động đến ý định hành vi và hành vi sử dụng các nền tảng bán lẻ trực tuyến, nhằm góp phần gia tăng hiệu quả bán lẻ tại Việt Nam.
Từ khóa: Bán lẻ trực tuyến, nền tảng bán lẻ, TOE, UTAUT2
Summary
This study applies an integrated model combining UTAUT2 (The Unified Theory of Acceptance and Use of Technology 2) and the TOE model (Technology – Organization – Environment) to examine the effectiveness of online retail through behavioral intention and usage behavior of online retail platforms in Vietnam. The research results identify influencing factors within the integrated UTAUT2 and TOE models for studying online retail effectiveness. This helps retailers determine the factors affecting behavioral intention and usage behavior of online retail platforms, thereby contributing to enhancing retail performance in Vietnam.
Keywords: Online retail, retail platforms, TOE, UTAUT2
GIỚI THIỆU
Kết quả đánh giá thị phần thương mại điện tử (TMĐT) trong doanh số bán lẻ tại Việt Nam của Statista (2025) cho thấy, thị trường TMĐT bán lẻ hiện chiếm khoảng 9% tổng doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dao động từ 18% đến 25% hàng năm. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đã thúc đẩy thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vượt qua con số 25 tỷ đô la vào năm 2024, đánh dấu mức tăng 20% so với năm trước. Thị trường TMĐT có tốc độ tăng trưởng ổn định, TMĐT và kinh tế số tiếp tục nằm trong top 10 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. TMĐT vẫn là kênh phân phối quan trọng, cho phép các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng tiếp cận nhiều loại hàng hóa.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng mua hàng thiết yếu trực tuyến, với sở thích ngày càng tăng đối với các sản phẩm có thương hiệu khi đặt hàng. Các nền tảng bán lẻ trực tuyến (BLTT) không chỉ là kênh bán hàng, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả BLTT. Doanh số BLTT mạnh mẽ thúc đẩy thành công cho các nhà bán lẻ thông qua việc nâng cao nhận diện thương hiệu. BLTT tại Việt Nam, không chỉ giới hạn ở các nền tảng TMĐT lớn, mà nhiều nhà bán lẻ vẫn tiếp tục dựa vào các cửa hàng cửa hàng điện tử, thương mại xã hội để thúc đẩy bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ trong nước đang đối mặt với cả triển vọng và khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh của lĩnh vực TMĐT ngày càng gay gắt. Việc phát triển TMĐT bền vững cũng được xem là chìa khóa và cần thúc đẩy hệ sinh thái này tiếp tục phát triển, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của những người tiêu dùng ngày càng thông thái. Việc áp dụng các công nghệ mới và các mô hình kinh doanh sáng tạo sẽ đảm bảo rằng thị trường TMĐT của Việt Nam bền vững, giữ được tầm quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng và thiết lập các tiêu chuẩn mới trong nền kinh tế kỹ thuật số. Đồng thời, việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường TMĐT tiếp tục phát triền bền vững vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tạo ra môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và thuận lợi cho các nhà bán lẻ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong lĩnh vực này, cũng như góp phần gia tăng hiệu quả bán lẻ tại Việt Nam là một yêu cầu cần thiết.
Do đó, việc áp dụng mô hình tích hợp UTAUT2 và mô hình TOE để nghiên cứu về hiệu quả BLTT tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy các nhà bán lẻ sử dụng các nền tảng BLTT vào kinh doanh BLTT. Qua đó, giúp các nhà bán lẻ quản lý hoạt động kinh doanh bán lẻ một cách dễ dàng và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Mô hình UTAUT2. Dựa trên mô hình UTAUT, Venkatesh và cộng sự (2012) đã thêm 3 yếu tố là Giá trị giá cả, Động lực khoái lạc và Thói quen vào UTAUT để trở thành mô hình UTAUT2, để dự đoán hành vi sử dụng và áp dụng công nghệ của người dùng. Mô hình này được thiết kế để mở rộng mô hình UTAUT và thể hiện một khuôn khổ bao quát để kiểm tra sự chấp nhận công nghệ. Phần mở rộng được thiết kế để cung cấp độ chính xác cao hơn trong việc giải thích hành vi của người dung.
Mô hình UTAUT 2 đưa ra giả thuyết rằng, việc sử dụng công nghệ của các cá nhân được hỗ trợ bởi tác động của 3 cấu trúc bổ sung như nói trên, đã khắc phục được những điểm không hoàn hảo của các lý thuyết Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) của Davis (1989) và Lý thuyết hành động hợp lý (TRA) của Fishbein và Ajzen (1975) áp dụng vào các mô hình ứng dụng công nghệ mới. Mô hình này được tích hợp với mô hình TOE và kế thừa các yếu tố Kỳ vọng hiệu suất, Kỳ vọng nỗ lực, Ảnh hưởng xã hội, Điều kiện thuận lợi, Động lực thụ hưởng, Giá trị giá cả, Thói quen, Ý định hành vi, Hành vi sử dụng công nghệ, như thể hiện trong Hình 1.
Mô hình TOE là khung lý thuyết được Tornatzky và Fleischer (1990) phát triển để kiểm tra mức độ chấp nhận của công ty đối với các sản phẩm và dịch vụ hệ thống thông tin. Mô hình TOE bao gồm 3 thành phần chính, là: công nghệ, tổ chức và môi trường. Công nghệ đề cập đến các đặc điểm của chính công nghệ, bao gồm: chức năng, tính phức tạp, khả năng tương thích với các hệ thống hiện có và tính dễ sử dụng. Tổ chức đề cập đến bối cảnh nội bộ mà công nghệ được sử dụng, bao gồm các yếu tố, như: quy mô, cấu trúc, văn hóa và nguồn lực của tổ chức. Môi trường đề cập đến bối cảnh bên ngoài mà tổ chức hoạt động, bao gồm các yếu tố, như: điều kiện thị trường, yêu cầu pháp lý, chuẩn mực văn hóa và xã hội.
Mô hình TOE là cung cấp góc nhìn toàn diện về việc áp dụng và triển khai công nghệ, thay vì chỉ tập trung vào bản thân công nghệ hoặc bối cảnh tổ chức, khuôn khổ này thừa nhận rằng cả các yếu tố bên trong và bên ngoài đều quan trọng trong việc định hình việc áp dụng và sử dụng công nghệ. Mô hình TOE có tính linh hoạt, có thể được áp dụng cho nhiều công nghệ và bối cảnh tổ chức khác nhau, khiến nó trở thành một công cụ hữu ích cho các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, khuôn khổ này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các phương pháp nghiên cứu khác nhau, bao gồm các phương pháp định tính và định lượng. Các yếu tố kế thừa từ mô hình này vẫn là công nghệ, tổ chức và môi trường sẽ được tích hợp với mô hình UTAUT2, như trong Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng đã được áp dụng. Các phương pháp nghiên cứu định tính tìm ra các phát hiện của chủ đề và giúp người được phỏng vấn hiểu được nội dung của hành vi để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất thương mại điện tử. Các phương pháp định lượng đo lường số lượng, số lượng và đánh giá mức độ các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả BLTT tại Việt Nam. Phân tích thực nghiệm được thực hiện một cách có hệ thống trên dữ liệu định lượng và mối quan hệ của chúng thông qua: phân tích hệ số tin cậy Cronbach's Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), Phân tích nhân tố khẳng định (CFA) và Mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM).
XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÍCH HỢP UTAUT2 VỚI TOE ĐỂ NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ BLTT
Tác giả kế thừa các yếu tố của mô hình UTAUT2, mô hình TOE, tích hợp các mô hình này và thêm yếu tố Hiệu quả BLTT để thiết lập mô hình nghiên cứu. Bên cạnh đó, dựa trên điều kiện thực tế tại Việt Nam để đề xuất mô hình nghiên cứu về tác động của việc sử dụng nền tảng BLTT đến hiệu quả BLTT tại Việt Nam như Hình 1.
Các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT
Kỳ vọng hiệu suất (PE): Venkatesh và cộng sự (2012) đánh giá mức độ người dùng tin rằng, có lợi ích khi sử dụng một hệ thống công nghệ cho một số hoạt động nhất định thông qua xem xét yếu tố kỳ vọng hiệu suất. Kỳ vọng hiệu suất có tác động đến ý định hành vi của các nhà bán lẻ trong việc chấp nhận và sử dụng các nền tảng TMĐT. Kỳ vọng hiệu suất gia tăng hơn và có liên quan đến ý định hành vi khi áp dụng nền tảng TMĐT và kỳ vọng hiệu suất có tác động tích cực đến việc áp dụng các nền tảng này. Kết quả nghiên cứu của Misra và cộng sự (2022) xác định, kỳ vọng hiệu suất là một trong những yếu tố quyết định quan trọng đến ý định hành vi hướng đến việc giao dịch qua nền tảng trực tiếp của các nhà bán lẻ. Do đó, giả thuyết H1 được đề xuất như sau:
H1: Kỳ vọng hiệu suất tác động tích cực đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Kỳ vọng nỗ lực (EE) là nhân tố liên quan đến mức độ tiện lợi và dễ dàng sử dụng hệ thống công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2012). Tác động của kỳ vọng nỗ lực đến ý định hành vi của các nhà bán lẻ trong chiến lược bán lẻ qua nền tảng trực tuyến nhằm tăng cường sự tham gia của khách hàng và trải nghiệm mua sắm. Các nhà bán lẻ có xu hướng đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ mới và ưu tiên sử dụng các nền tảng BLTT. Kết quả nghiên cứu của Misra và cộng sự (2022) xác định, kỳ vọng nỗ lực là một trong những yếu tố quyết định quan trọng đến ý định hành vi hướng đến việc áp dụng nền tảng giao dịch của các nhà bán lẻ. Nguyen và cộng sự (2024) cho rằng, kỳ vọng nỗ lực có tác động tích cực đến ý định hành vi áp dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ. Do đó, đề xuất giả thuyết H2:
H2: Kỳ vọng nỗ lực tác động tích cực đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Ảnh hưởng xã hội (SI) đề cập đến mức độ mà người dùng áp dụng các nền tảng công nghệ mới chịu ảnh hưởng bởi niềm tin của những người quan trọng trong cuộc sống của họ như gia đình, bạn bè (Venkatesh và cộng sự, 2012). Ảnh hưởng xã hội là một trong những yếu tố quyết định quan trọng đến ý định hành vi hướng đến việc áp dụng nền tảng giao dịch của các nhà bán lẻ (Misra và cộng sự, 2022). Do đó, giả thuyết H3 được đặt ra như sau:
H3: Ảnh hưởng xã hội tác động tích cực đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Điều kiện thuận lợi (FC) là nhận thức của người sử dụng về các nguồn lực, hỗ trợ có sẵn để áp dụng công nghệ và họ sẽ có ý định sử dụng công nghệ khi có sự hỗ trợ và khả năng cần thiết. Các điều kiện thuận lợi có thể làm tăng hành vi và ý định hành vi sử dụng các ứng dụng trực tuyến trong bán hàng. Các điều kiện thuận lợi của các trang web TMĐT được phát hiện là nhân tố tác động mạnh nhất đến ý định hành vi để các doanh nghiệp áp dụng nền tảng TMĐT. Nguyen và cộng sự (2024) cũng cho rằng, các điều kiện thuận lợi có tác động tích cực đến hành vi áp dụng nền tảng TMĐT của các nhà bán lẻ. Do đó, đề xuất 2 giả thuyết:
H4a: Các điều kiện thuận lợi tác động tích cực đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
H4b: Các điều kiện thuận lợi tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Động lực thụ hưởng (HM) là một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự chấp nhận công nghệ. Venkatesh và cộng sự (2012) đề cập đến niềm vui hoặc sự thích thú có được khi người dung sử dụng công nghệ. Theo Ezennia và Marimuthu (2022), động lực thụ hưởng là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến ý định hành vi sử dụng các nền tảng giao dịch hàng hóa. Theo Nguyen và cộng sự (2024), một trong những yếu tố có tác động tích cực đến ý định hành vi của các nhà bán lẻ khi áp dụng các nền tảng TMĐT là động lực thụ hưởng là. Do đó, giả thuyết H5 được nêu như sau:
H5: Động lực thụ hưởng tác động tích cực đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Giá trị (PV) là yếu tố liên quan đến nhận thức về sự đánh đổi giữa chi phí và lợi ích, có ảnh hưởng tích cực đến ý định hành vi của những người áp dụng công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2012). Nền tảng BLTT có thể giúp giảm phí giao dịch, nên giá trị giá có tác động đáng kể đến ý định hành vi của các nhà bán lẻ. Theo Ezennia và Marimuthu (2022), giá trị ảnh hưởng đáng kể đến ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT khi giao dịch bán lẻ hàng hóa. Do đó, giả thuyết H6 được đề xuất:
H6: Giá trị tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Thói quen (HA) là nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ, nhân tố này đề cập đến các hoạt động có tần suất cao thông qua hành vi áp dụng công nghệ một cách tự động của người dùng (Venkatesh và cộng sự, 2012). Kết quả đánh giá qua nghiên cứu thấy rằng thói quen có tác động đáng kể đến ý định hành vi giao dịch bán hàng trên các nền tảng trực tuyến (Özdemir và Sönmezay, 2020). Do đó, 2 giả thuyết được nêu như sau:
H7a: Thói quen tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
H7b: Thói quen tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
![]() |
Nguồn: Đề xuất của tác giả
Các yếu tố ảnh hưởng đến Hành vi sử dụng nền tảng BLTT và hiệu quả BLTT
Ý định hành vi (BI) là một yếu tố liên quan đến sự sẵn sàng sử dụng và tiếp tục áp dụng một công nghệ, quyết định ý định của người áp dụng công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2012). Ý định hành vi là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi được nghiên cứu trong các mô hình áp dụng công nghệ, bao gồm áp dụng nền tảng BLTT. Trong nghiên cứu của Ha và Nguyen (2022) đã cho thấy ý định hành vi sử dụng nền tảng TMĐT để bán hàng có tương quan đáng kể với hành vi sử dụng nền tảng này. Nghiên cứu của Nguyen và cộng sự (2024) cho thấy, ý định hành vi là một yếu tố quan trọng và có tác động tích cực đến hành vi áp dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ. Do đó, giả thuyết H8 được hình thành:
H8a: Ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
H8b: Ý định hành vi sử dụng nền tảng BLTT tác động tích cực đến hiệu quả BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Công nghệ (TH) là một nhân tố trong mô hình TOE, thể hiện sự kết hợp của các công nghệ được sử dụng và các đặc điểm của công nghệ có sẵn để phục vụ cho hoạt động của tổ chức (Baker, 2012). Kết quả nghiên cứu của Tajudeen và cộng sự (2020) qua áp dụng mô hình TOE cho thấy, công nghệ tác động đáng kể đến việc sử dụng nền tảng kinh doanh, bao gồm cà nền tảng BLTT. Tương tự, Putra và cộng sự (2020) cũng xác định, công nghệ là một trong những nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ hành vi áp dụng các nền tảng kinh doanh, bao gồm cả nền tảng BLTT. Qua sử dụng mô hình dựa trên TOE, El-Haddadeh và cộng sự (2021) cũng cho thấy, công nghệ thúc đẩy đáng kể hành vi áp dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm nền tảng BLTT để tạo ra giá trị trong kinh doanh. Nghiên cứu của Alateeg và Alhammadi (2023) cho thấy, công nghệ cũng là công cụ có thể thúc đẩy thái độ và hành vi thuận lợi hơn trong áp dụng mô hình bán lẻ trên nền tảng kỹ thuật số. Giả thuyết H9 được đề xuất như sau:
H9: Công nghệ tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Tổ chức (OZ) thể hiện các yếu tố nội bộ và các nguồn lực sẵn có, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới, thông qua hỗ trợ trong việc phân bổ đủ nguồn lực. Nghiên cứu của Tajudeen và cộng sự (2020) qua việc áp dụng mô hình TOE cũng cho thấy, tổ chức ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng nền tảng kinh doanh, bao gồm nền tảng BLTT. Tương tự, Putra và cộng sự (2020) cũng cho rằng, tổ chức tác động đáng kể đến hành vi áp dụng các nền tảng kinh doanh, bao gồm nền tảng BLTT. Mô hình TOE đã được áp dụng và El-Haddadeh và cộng sự (2021) phát hiện, tổ chức là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hành vi sử dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm nền tảng BLTT. Kết quả nghiên cứu của Alateeg và Alhammadi (2023) thể hiện những thuận lợi về tổ chức có tác động trực tiếp đến thái độ và hành vi áp dụng nền tảng bán lẻ, cho thấy các yếu tố nội bộ và cá nhân đóng vai trò quan trọng hơn trong việc định hình và hành vi áp dụng nền tảng của các nhà bán lẻ. Theo Abdurrahman (2024), các yếu tố như nhận thức trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới và tổ chức có tác động tích cực đến các nền tảng kinh doanh, bao gồm nền tảng BLTT. Do đó, giả thuyết H10 được hình thành như sau:
H10: Tổ chức tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam
Môi trường (Environment, EV) là nhân tố thành phần cuối cùng của mô hình TOE, thể hiện khu vực hoặc không gian cho tổ chức hoạt động và yếu tố này ảnh hưởng đến việc áp dụng công nghệ (Baker, 2012). Tajudeen và cộng sự (2020) áp dụng mô hình TOE và cho thấy, các tổ chức tác động đáng kể đến việc sử dụng nền tảng kinh doanh, bao gồm nền tảng BLTT. Tương tự, Putra và cộng sự (2020) cho rằng, môi trường ảnh hưởng mạnh đến hành vi áp dụng các nền tảng kinh doanh, bao gồm nền tảng BLTT. Khi áp dụng mô hình TOE cho nghiên cứu, El-Haddadeh và cộng sự (2021) cũng cho thấy, môi trường là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến hành vi sử dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm nền tảng BLTT. Theo Alateeg và Alhammadi (2023), khi không có những rào cản về môi trường sẽ có những tác động thuận lợi đến thái độ và hành vi áp dụng nền tảng bán lẻ. Giả thuyết 11 được mô tả như sau:
H11: Môi trường tác động tích cực đến hành vi sử dụng nền tảng BLTT của các nhà bán lẻ tại Việt Nam.
Hành vi sử dụng (UB) được đo bằng tần suất, là yếu tố thể hiện hành động áp dụng một công nghệ cụ thể (Venkatesh và cộng sự, 2012). Việc áp dụng nền tảng công nghệ tác động đến hiệu quả của các nhà bán lẻ, ý định hành vi sử dụng nền tảng công nghệ tác động đến hiệu quả kinh doanh. Hành vi sử dụng nền tảng công nghệ có tác động tích cực đến hiệu quả và tăng trưởng kinh doanh. Do đó, giả thuyết H12 được mô tả như sau:
H12: Hành vi sử dụng nền tảng BLTT của nhà cung cấp dịch vụ TTKTS có tác động tích cực đến hiệu quả TTKTS.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu này hướng đến việc thúc đẩy các nhà bán lẻ liên tục đổi mới, cải tiến sản phẩm và dịch vụ, cũng như xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả thông qua đầu tư hạ tầng công nghệ. Việc áp dụng UTAUT2 tích hợp với mô hình TOE trong nghiên cứu này sẽ giúp các nhà bán lẻ có cơ sở xác định các nhân tố tác động đến ý định hành vi và hành vi sử dụng nền tảng BLTT đến hiệu BLTT.
Mô hình nghiên cứu này có thể vận dụng vào xem xét về hành vi sử dụng nền tảng BLTT, có ý nghĩa trong nghiên cứu và thực tiễn, trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, đóng góp với các cơ quan quản lý phát triển các chình sách phù hợp, cung cấp những kết quả có giá trị cho các nhà bán lẻ để đánh giá ý định và hành vi sử dụng nền tảng BLTT tác động đến hiệu quả BLTT./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alateeg, S. S., and Alhammadi, A. D. (2023). Traditional retailer’s intention to opt e-commerce for digital retail business in Saudi Arabia, Migration Letters, 20(7), 1307-1326.
2. Baker, J. (2011). The technology–organization–environment framework, Information Systems Theory: Explaining and Predicting Our Digital Society, 1, 231-245.
3. Davis, F. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology, MIS Quarterly, 13, 319-340.
4. El-Haddadeh, R., Osmani, M., Hindi, N., and Fadlalla, A. (2021). Value creation for realising the sustainable development goals: Fostering organisational adoption of big data analytics, Journal of Business Research, 131, 402-410.
5. Ezennia, C. S., and Marimuthu, M. (2022). Factors that positively influence e-commerce adoption among professionals in Surulere, Lagos, Nigeria, African Journal of Science, Technology, Innovation and Development, 14(2), 405-417.
6. Fishbein, M., and Ajzen, I. (1975). Belief, attitude, intention and behavior: An introduction to theory and research, Reading, MA: Addison-Wesley.
7. Ha, V. D., and Nguyen, T. T. (2022). Behavioral Assessments of Using Fintech Services and E-Commerce, Eliva Press.
8. Misra, R., Mahajan, R., Singh, N., Khorana, S., and Rana, N. P. (2022). Factors impacting behavioural intentions to adopt the electronic marketplace: findings from small businesses in India, Electronic Markets, 32(3), 1639-1660.
9. Nguyen, T. T., Ha, V. D., and Nguyen, L. T. T. (2024). Retailers’ behavioral intention and behavior in adopting e-commerce platforms, Journal of Infrastructure, Policy and Development, 8(9), 7257, https://doi.org/10.24294/jipd.v8i9.7257.
10. Özdemir, E. and Sönmezay, M. (2020). Factors Affecting Consumers' Technology Acceptance and Use on Behavioural Intention in Omnichannel Retailing, Business & Management Studies: An International Journal, 8(5), 3936-3970.
11. Putra, P. O. H., and Santoso, H. B. (2020). Contextual factors and performance impact of e-business use in Indonesian small and medium enterprises (SMEs), Heliyon, 6(3).
12. Tajudeen, F. P., Jaafar, N. I., and Ainin, S. (2018). Understanding the impact of social media usage among organizations, Information & management, 55(3), 308-321.
13. Tornatzky, L. G. and Fleischer, M. (1990). Processes of technological innovation, New York, NY, Free Press.
14. Venkatesh, V., Thong, J. Y., and Xu, X. (2012). Consumer acceptance and use of information technology: extending the unified theory of acceptance and use of technology, MIS quarterly, 36(1), 157-178.
Ngày nhận bài: 05/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 13/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025 |
Bình luận