Còn yếu kém trong quản trị, điều hành

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua, môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, thị trường tài chính - ngân hàng phát triển nhanh chóng với nhiều hoạt động mới, sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới, đồng thời chịu tác động lớn từ bên ngoài do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh đó, những yếu kém, tồn tại về quản trị, điều hành và vi phạm pháp luật trong hoạt động bộc lộ tại nhiều tổ chức tín dụng chưa được kịp thời khắc phục, xử lý. Vấn đề này đặt công tác cảnh báo, nhận diện, đo lường và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam trước nhiều khó khăn và thách thức.

Đánh giá cụ thể trong tờ trình thuyết minh định hướng chính sách tăng cường yêu cầu kiểm soát nội bộ tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhấn mạnh, vai trò của quản lý rủi ro tại nhiều tổ chức tín dụng chưa được coi trọng; nguồn nhân lực quản lý rủi ro còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế; cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn đầu tư cho quản lý rủi ro chưa đầy đủ; quy trình nhận dạng, đo lường, kiểm soát rủi ro chưa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hoạt động thấp; nguồn nhân lực cho công tác quản lý rủi ro còn thiếu.

Đối với kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ của một số tổ chức tín dụng thậm chí còn chưa có đủ thành viên, yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quy trình kiểm toán nội bộ chưa được xây dựng; phương pháp kiểm toán nội bộ không định hướng theo rủi ro (risk-focused); hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ chưa đảm bảo tính khách quan, độc lập, từ đó dẫn đến hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ thấp.

Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo thông lệ quốc tế là yêu cầu bức thiết hiện nay

Sẽ xây dựng 3 tuyến phòng thủ

Để giải quyết những hạn chế trên, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành một thông tư quy định chi tiết về các yêu cầu, điều kiện đối với hệ thống kiểm soát nội bộ của những tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nhiều quốc gia (Úc, Anh, Canada, Mỹ, Malaysia…) đã áp dụng các chuẩn mực mới về quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro, trong đó nêu bật vai trò, trách nhiệm giám sát của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành trong kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro như theo hướng dẫn của Ủy ban Basel.

Đặc biệt, theo thông lệ quốc tế mới nhất về quản trị ngân hàng và quản trị rủi ro hiệu quả của Ủy ban Basel, hội đồng quản trị, ban điều hành của tổ chức tín dụng có vai trò và trách nhiệm trong chỉ đạo, xây dựng, vận hành, quản lý, giám sát hệ thống quản trị. Theo đó, tùy đặc điểm và quy mô hoạt động, hệ thống quản trị của tổ chức tín dụng được xây dựng theo ba tuyến bảo vệ độc lập và có tính chất hỗ trợ cho nhau, gồm:

Tuyến phòng thủ thứ nhất - bộ phận kinh doanh đảm bảo mọi hoạt động của tổ chức tín dụng đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy định; kiểm soát, ngăn ngừa, báo cáo, xử lý các sai phạm, hành vi gian lận trong tất cả các hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tuyến phòng thủ thứ hai - quản lý rủi ro đảm bảo nhận diện, đo lường, giám sát trạng thái rủi ro và báo cáo về rủi ro đối với từng mảng hoạt động; đảm bảo tổ chức tín dụng tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; và chịu trách nhiệm xây dựng, sửa đổi chính sách, hạn mức, quy trình quản lý rủi ro của tổ chức tín dụng.

Tuyến phòng thủ thứ ba - kiểm toán nội bộ, là tuyến kiểm soát cuối cùng, thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro và kiểm toán chung; chịu trách nhiệm đánh giá độc lập, khách quan đối với hiệu quả hoạt động của hai tuyến đầu; đưa ra kiến nghị đối với ban kiểm soát, hội đồng quản trị nhằm khắc phục, sửa đổi những bất cập trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng thông tư dự kiến ban hành này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng nhằm giảm bớt các sai phạm, khả năng tổn thất, nguy cơ mất khả năng thanh toán, đổ vỡ của hệ thống ngân hàng./.