Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện |
Chương trình với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP, Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex.
Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nêu rõ: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại doanh nghiệp Nhà nước đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của Hội thảo là nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp Nhà nước; cung cấp, trao đổi các luận cứ khoa học và thực tiễn về việc thực hiện các chủ trương, chính sách quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, trọng tâm là việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp Nhà nước; kiến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2030.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sức phát triển, khiến các doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy được hết tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính đó là công tác cán bộ còn nhiều bất cập. Cụ thể, trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp của một số cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế do việc bố trí công chức quản lý Nhà nước chuyển sang quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa phù hợp; quy trình tuyển chọn và bố trí cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, còn nặng về quy trình tuyển chọn có tính hành chính. Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước yếu kém về năng lực quản lý, điều hành; sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để trục lợi cho cá nhân, gây thất thoát vốn tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
Hội thảo ghi nhận một số kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 |
Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, Đề án được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp” theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Hội thảo đã phân tích nhiều vấn đề về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tuyển dụng; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, quản trị tại doanh nghiệp nhà nước; Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, lãnh đạo, điều hành, phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống,…; Thực trạng công tác quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước; Kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách và quy định về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, theo dõi, đánh giá cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030./.
Bình luận