“Luật Đất đai sửa đổi là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến toàn dân. Trong quá trình xây dựng Luật, nếu làm không khéo, thì sẽ nhìn thấy ngay những phản của ứng xã hội. Do đó, mặc dù dự án được trình theo quy trình 3 kỳ họp, nhưng các cơ quan cần có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng ngay từ đầu để bảo đảm chất lượng tốt nhất, tạo đồng thuận cao trong xã hội…”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu đề xuất, tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, theo Văn phòng Quốc hội.

Xây dựng Luật Đất đai sửa đổi không thể bị động
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có báo cáo lãnh đạo Quốc hội về các vấn đề trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Đất đai sửa đổi (ảnh: Quốc hội)

Ông Hiếu cũng đề nghị, dù chưa có tờ trình, dự thảo chính thức dự án Luật, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có báo cáo lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và làm việc với các cơ quan của Quốc hội về tình hình triển khai, các vấn đề trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, một trong những trọng tâm công tác của Ủy ban Kinh tế để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội là việc chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi. Đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật Đất đai sửa đổi vào phiên họp tháng 9 tới đây trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Tuy nhiên, đến nay, Ủy ban Kinh tế vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản, tài liệu nào liên quan đến dự án Luật này.

Để chuẩn bị thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết 19). Ủy ban Kinh tế sẽ tiến hành xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 19 của Đảng đoàn Quốc hội; dự thảo các văn bản góp ý của Đảng đoàn Quốc hội; tham gia các hoạt động tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và lấy ý kiến về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong luật cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Để triển khai nhiệm vụ này, Ủy ban Kinh tế đã xây dựng kế hoạch chi tiết thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Đặc biệt lưu ý Ủy ban Kinh tế trong việc triển khai nhiệm vụ công tác lập pháp những tháng cuối năm, nhất là dự án Luật Đất đai sửa đổi, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Luật Đất đai là luật rất khó, có ảnh hưởng và tác động lớn tới nền kinh tế. Do đó, trong quá trình xây dựng Luật không thể bị động, mà cần đặt ra kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể.

Xây dựng Luật Đất đai sửa đổi không thể bị động
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện kế hoạch thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi (ảnh: Quốc hội)

Ông Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện kế hoạch thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi, sớm gửi văn bản đôn đốc các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chương trình lập pháp bảo đảm tiến độ. Cần phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, không bị động chờ Chính phủ trình văn bản, mà chủ động làm việc với các bên liên quan, các cơ quan, hiệp hội, chuyên gia, để có đánh giá hiện trạng, tổng hợp những vấn đề bất cập, hạn chế cần khắc phục…

“Ngay trước kỳ họp tới của Quốc hội, cần sớm tổ chức các hội nghị, hội thảo về đất đai ở cả 3 miền, để lắng nghe ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri tham gia góp ý về các vấn đề liên quan đến đất đai…”, ông Hải lưu ý.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, thời gian tới Ủy ban Kinh tế sẽ kịp thời ban hành các văn bản, đưa ra các mốc thời gian cụ thể đối với tất cả các dự án luật thuộc phạm vi phụ trách của Ủy ban, đôn đốc các cơ quan liên quan vào cuộc từ sớm, từ xa, để công tác xây dựng luật đạt chất lượng cao nhất./.