NCS. ThS. Nguyễn Phúc Khoa

Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)

Email: np.khoa@hutech.edu.vn

Tóm tắt

Bài viết tổng quan lược khảo các lý thuyết và mô hình đánh giá sự chấp nhận sử dụng công nghệ, đồng thời chỉ ra những khoảng trống trong các mô hình này và tổng hợp các mô hình kết hợp để xây dựng khung lý thuyết toàn diện hơn có thể áp dụng trong ứng dụng công nghệ vào hệ thống bán lẻ và các lĩnh vực có liên quan. Trên cơ sở lược khảo và kế thừa các mô hình kết hợp này, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam, với các nhân tố tác động bao gồm: Bối cảnh công nghệ; Bối cảnh tổ chức; Bối cảnh môi trường và Nhân tố cản trở, cùng nhân tố tác động kết hợp là Đặc điểm doanh nghiệp. Mô hình đề xuất này có thể là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ, để có thể đưa ra những khuyến nghị chính sách hiệu quả hơn cho doanh nghiệp bán lẻ trong việc áp dụng công nghệ một cách hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Từ khóa: lý thuyết ứng dụng công nghệ, TAM, TPB, UTAUT, TOE, DOI, bán lẻ

Summary

The article briefly reviews theories and models for assessing technology adoption, points out gaps in these models, and synthesizes combined models to build a more comprehensive theoretical framework that can be applied in applying technology to retail systems and related fields. Based on the review and inheritance of these combined models, the author proposes a research model of factors influencing the decision to apply breakthrough technology in the Vietnamese retail system, with the influencing factors: Technological context, Organizational context, Environmental context, and Inhibiting factors, and the combined influencing factor is Enterprise characteristics. This proposed model can be a premise for further studies on factors influencing the decision to apply technology to provide more effective policy recommendations for retail businesses in effectively using technology in the context of increasingly fierce competition.

Keywords: technology application theory, TAM, TPB, UTAUT, TOE, DOI, retail

GIỚI THIỆU

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức kinh doanh và tương tác của mọi người trong doanh nghiệp theo hướng tích cực. Sự phổ biến của các công nghệ mới đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tìm cách cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách số hóa các quy trình kinh doanh và tăng cường trao đổi thông tin nội bộ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ, như: sự kháng cự từ phía người dùng, lo ngại về rủi ro và sự phức tạp của các hệ thống mới là những trở ngại thường gặp.

Việc nghiên cứu hành vi ứng dụng công nghệ trong các tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Các mô hình, như: TAM, TPB, UTAUT, TOE và DOI đã được sử dụng rộng rãi để giải thích các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, mỗi mô hình chỉ tập trung vào một số khía cạnh nhất định và không thể giải thích đầy đủ sự phức tạp của quá trình này. Do đó, các nghiên cứu gần đây đã hướng tới việc kết hợp nhiều mô hình để xây dựng một khung lý thuyết toàn diện hơn. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các nhân tố, như: đặc điểm của công nghệ (RFID, AI, IoT, Big Data, AR, VR, Blockchain…), văn hóa tổ chức và thái độ của người dùng đối với việc áp dụng công nghệ mới. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng giúp xác định các thuận lợi và rào cản trong quá trình ứng dụng công nghệ, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp giúp các tổ chức đưa ra những quyết định đúng đắn. Trong bối cảnh này, việc xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam là rất cần thiết và có giá trị thực tiễn cao, giúp các doanh nghiệp bán lẻ nhận diện được các nhân tố ảnh hưởng mang tính quyết định để có chiến lược phù hợp trong việc ứng dụng công nghệcgiúp mang lại thành công mang tính đột phá cho doanh nghiệp.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm Quyết định ứng dụng công nghệ: là một quá trình lựa chọn cụ thể trong việc áp dụng một công nghệ nhất định vào một tình huống hoặc vấn đề cụ thể (Venkatesh và Bala, 2008). Quyết định này thường dựa trên nhiều nhân tố, bao gồm:

- Phân tích lợi ích và rủi ro: Cân nhắc kỹ lưỡng những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của việc ứng dụng công nghệ.

- So sánh các lựa chọn: So sánh các công nghệ khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

- Đánh giá khả năng tài chính: Đảm bảo rằng chi phí đầu tư và vận hành công nghệ nằm trong khả năng tài chính.

- Xây dựng kế hoạch triển khai: Lập kế hoạch chi tiết để triển khai công nghệ một cách có hiệu quả.

Tổng quan các lý thuyết và mô hình ứng dụng công nghệ

Có nhiều lý thuyết được sử dụng trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ. Các lý thuyết được sử dụng nhiều nhất là mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) (Davis, 1989), lý thuyết về hành vi có kế hoạch (TPB) (Ajzen, 1991), lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) (Venkatesh và cộng sự, 2003), lý thuyết khuếch tán đổi mới (DOI) (Rogers,1995) và khung TOE (Tornatzky và Fleischer, 1990)… Hình 1 trình bày đánh giá tổng quát về các lý thuyết và mô hình cho tất cả các loại hình ứng dụng công nghệ phổ biết nhất từ đánh giá tổng quan tài liệu của (Taherdoost, 2018), nó cho thấy, có một số lý thuyết được mở rộng từ các lý thuyết và mô hình khác.

Hình 1: Tổng quan các lý thuyết/mô hình ứng dụng công nghệ

Xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng  công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam

Nguồn: Taherdoost, 2018

Khi nghiên cứu các lý thuyết ứng dụng công nghệ, các nhà khoa học thường chia ra ở 3 cấp độ: cá nhân, nhóm và tổ chức. Trong đó, đối với ứng dụng công nghệ của tổ chức, nhiều nghiên cứu đã sử dụng mô hình, như: TAM, TPB, UTAUT và TOE. Trong đó, TAM được đánh giá cao nhờ khả năng dự đoán hiệu quả việc ứng dụng công nghệ ở cấp độ tổ chức. Đặc biệt, mô hình này tập trung vào 2 nhân tố chính là hiệu quả mong đợi và dễ sử dụng, từ đó giúp giải thích lý do tại sao người dùng chấp nhận hoặc từ chối một công nghệ mới. Nhờ tính đơn giản, trực quan và khả năng dự báo chính xác, TAM đã được ứng dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về hệ thống thông tin.

Cùng với TAM, UTAUT cũng là một mô hình được sử dụng phổ biến. Mặc dù ban đầu được thiết kế để dự đoán hành vi của cá nhân, UTAUT cũng đã được mở rộng để áp dụng ở cấp độ tổ chức (Oliveira và Martins, 2011). Khung TOE, một lý thuyết khác về áp dụng công nghệ, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích hiện tượng này. Theo Oliveira và Martins (2011), TOE được đánh giá cao hơn so với lý thuyết DOI trong bối cảnh tổ chức.

Lý thuyết khuếch tán đổi mới (DOI)

Lý thuyết Khuếch tán Đổi mới, theo Rogers (1995), cung cấp một khung phân tích chi tiết về việc một công nghệ mới có được chấp nhận sử dụng hay không. Theo lý thuyết DOI, việc áp dụng công nghệ mới không chỉ là một hành động nhất thời, mà là quá trình tiếp diễn gồm nhiều hoạt động và quyết định liên tục. Điều này diễn ra khi người dùng tiềm năng trao đổi thông tin và ý kiến về công nghệ mới qua các kênh truyền thông, từ đó khuếch tán rộng rãi công nghệ trong cộng đồng người dùng. Tuy nhiên, Rogers cũng chỉ ra rằng, có nhiều hạn chế cá nhân và rào cản bên ngoài, như: các kênh giao tiếp không hiệu quả, có thể cản trở quá trình khuếch tán này. Theo đó, khả năng đổi mới của một tổ chức phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả các đặc điểm nội tại của tổ chức và các yếu tố bên ngoài tác động lên tổ chức (Hình 2).

Hình 2: Lý thuyết khuếch tán đổi mới (DOI) trong ứng dụng đổi mới của tổ chức

Xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng  công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam

Nguồn: Rogers, 1995

Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)

Mô hình lý thuyết TPB là một công cụ tâm lý học xã hội quan trọng được sử dụng để dự đoán và giải quyết hành động thích hợp của con người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau(Ajzen, 1991) (Hình 3). Mô hình này được Ajzen phát triển như một sự mở rộng của mô hình lý thuyết hành động có kế hoạch (TRA), mà Fishbein và Ajzen (1975) đã đề xuất trước đó.

Hình 3: Mô hình lý thuyết TPB

Xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng  công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam

Nguồn: Ajzen, 1991

Theo Ajzen (1991), dù một cá nhân có thể quyết định thực hiện một hành vi cụ thể, khả năng thực hiện hành vi đó không chỉ phụ thuộc vào ý chí, mà còn bị ảnh hưởng bởi những nhân tố bên ngoài, như: nguồn lực và cơ sở. TPB đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, từ y tế và sức khỏe đến bảo vệ môi trường, giáo dục và tiêu dùng. Các nghiên cứu sử dụng mô hình TPB trong ứng dụng công nghệ đối với hệ thống bán lẻ dưới dạng kết hợp với các mô hình khác như nghiên cứu của nhóm (Nguyễn Hồng Quân và cộng sự, 2023).

Mô hình TPB có một số hạn chế trong việc dự đoán hành vi. Các hạn chế đầu tiên là nhân tố quyết định ý định không giới hạn thái độ, chuẩn chủ quan, kiểm soát hành vi cảm nhận. Ngoài ra, có thể có các nhân tố khác ảnh hưởng đến hành vi. Một số tác giả cho rằng, chỉ có 40% sự biến động của hành vi có thể được giải thích bằng cách sử dụng TPB (Ajzen, 1991).

Lý thuyết chấp nhận công nghệ (TAM)

Lý thuyết Chấp nhận công nghệ (TAM) của Davis, được xuất bản vào năm 1989 là một cơ sở khung trong nghiên cứu về khả năng chấp nhận và sử dụng công nghệ (Hình 4). Mô hình này chủ yếu tập trung vào 2 yếu tố chính: cảm nhận về sự hữu ích và cảm nhận về sự dễ dàng sử dụng mà Davis (1989) cho là những nhân tố chính ảnh hưởng đến ý định sử dụng và hành động sử dụng công nghệ của tổ chức (Davis, 1989).

Mô hình lý thuyết TAM được coi như một khuôn khổ hiệu quả trong việc giải thích cách các công nghệ mới được đón nhận và tích hợp vào hoạt động hàng. Trong TAM, thái độ của cá nhân đối với công nghệ, được hình thành từ nhận thức về tính hữu ích và dễ sử dụng, sẽ quyết định liệu người đó có ý định sử dụng công nghệ mới và tiếp tục sử dụng nó hay không. Dựa trên các nguyên tắc của lý thuyết hành động hợp lý (TRA) và hành vi có kế hoạch (TPB), TAM khẳng định rằng thái độ, niềm tin, và ý định có vai trò quan trọng trong quá trình chấp nhận công nghệ.

Mặc dù TAM được áp dụng rộng rãi và có ảnh hưởng lớn, nhưng mô hình này cũng bị nhiều học giả cho rằng không đủ để giải quyết các yếu tố văn hóa, xã hội và tâm lý có ảnh hưởng đến hành vi chấp nhận công nghệ (Venkatesh và Davis, 2000). Để đạt được cái nhìn sâu sắc hơn và cải thiện tính ứng dụng của TAM, mô hình này đã được đề xuất mở rộng thành mô hình TAM 3.

Mô hình Tổ chức – Công nghệ - Môi trường (TOE)

Mô hình TOE là một thuyết hành vi chấp nhận công nghệ mới từ góc độ của tổ chức được phát triển bởi (Tornatzky và Fleischer, 1990). Theo lý thuyết TOE, 3 nhóm bối cảnh là các biến số động lực của sự chấp nhận công nghệ mới, bao gồm: (1) Công nghệ, (2) Tổ chức và (3) Môi trường. Do đó, lý thuyết TOE mang đến cái nhìn toàn diện về sự sẵn sàng của tổ chức đối với công nghệ đổi mới thông qua xem xét bối cảnh bên trong và bên ngoài.

Khung mô hình TOE đã chứng minh là một mô hình quan trọng để hiểu việc áp dụng nhiều cải tiến công nghệ khác nhau, bao gồm các ứng dụng trong hệ thống bán lẻ cùng với các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT); Phương tiện truyền thông xã hội. Mô hình TOE được sử dụng rộng rãi trong các lý thuyết về ứng dụng công nghệ mới, tuy nhiên theo đánh giá chung, nó chưa là một lý thuyết tích hợp hoàn chỉnh, mà chỉ là một hệ thống phân loại các biến, đòi hỏi một khung lý thuyết mạnh mẽ hơn để nghiên cứu việc áp dụng công nghệ trong tổ chức. Do đó, cần bổ sung các nhân tố, như: xã hội, tâm lý và kỹ thuật để cải thiện khuôn khổ TOE, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia như chiến lược chính phủ và văn hóa.

Lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT)

Mô hình thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT là một công cụ nghiên cứu quan trọng trong đánh giá sự chấp nhận công nghệ trong các tổ chức. UTAUT tích hợp 8 mô hình chấp nhận công nghệ trước đó vào một khung lý thuyết thống nhất, với 4 nhân tố chính ảnh hưởng đến ý thức và hành vi sử dụng công nghệ, đó là: Kỳ vọng Hiệu suất, Kỳ vọng nỗ lực, Ảnh hưởng Xã hội và Điều kiện thuận lợi, cùng với các điều chỉnh biến thể bao gồm tuổi, giới tính, kinh nghiệm và tình nguyện sử dụng (Venkatesh và Davis, 2000).

Trong lĩnh vực bán lẻ, UTAUT đã được ứng dụng để phân tích sự chấp nhận của các công nghệ, như: hệ thống thanh toán điện tử và giải pháp quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Các nghiên cứu đã cho thấy rằng Kỳ vọng Hiệu suất và Điều kiện Thuận lợi là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ của các nhà bán lẻ (Zhou và cộng sự, 2010). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mô hình UTAUT có thể giải quyết được một phần lớn sự biến thiên trong ý định và hành vi sử dụng công nghệ, điều này giúp tăng cường độ tin cậy và giá trị thực tiễn của nó trong môi trường doanh nghiệp (Venkatesh và Davis, 2000). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng UTAUT có thể quá tập trung vào các yếu tố tổng quát mà bỏ qua các yếu tố cụ thể của từng ngành hoặc từng nền văn hóa cụ thể, điều này có thể làm giảm khả năng áp dụng của nó trong hoàn cảnh thực tế (Dwivedi và cộng sự, 2011). Chính vì vậy, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, Venkatesh và cộng sự đã có nghiên cứu mở rộng UTAUT và gọi là UTAUT2 (Venkatesh và cộng sự, 2012).

Kết hợp nhiều mô hình/lý thuyết trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ

Để nâng cao hiểu biết về việc áp dụng công nghệ mới và phức tạp, các nhà nghiên cứu cho rằng việc kết hợp nhiều mô hình lý thuyết là cần thiết để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nghiên cứu ứng dụng công nghệ (Oliveira và Martins, 2011). Tác giả lược khảo tổng hợp một số nghiên cứu kết hợp nhiều lý thuyết/mô hình như tại Bảng.

Bảng: Một số nghiên cứu kết hợp nhiều lý thuyết/mô hình

Mô hình/Lý thuyết

Ứng dụng công nghệ

Các biến được phân tích

Phương pháp

Dữ liệu và ngữ cảnh

Tác giả

TOE và DOI

Công nghệ điện toán đám mây cho các SMEs

6 nhân tố bao gồm: 3 nhân tố thuộc về năng lực tổ chức(Lợi thế tương đối, Chất lượng dịch vụ và Nhận thức); 3 nhân tố thuộc về rủi ro (Bảo mật, Quyền riêng tư và Tính linh hoạt).

CFA, Phân tích hồi quy đa biến

Khảo sát trực tuyến với 149 doanh nghiệp SME tại Australia.

Senarathna và cộng sự (2018)

TOE và TAM

Nghiên cứu chấp nhận mạng xã hội tại các đơn vị bán lẻ Việt Nam

Có 5 biến độc lập trong Tính hữu ích được nhận thức (PU); Nhận thức về mức độ dễ sử dụng (PEOU); Bối cảnh công nghệ; Bối cảnh môi trường; Bối cảnh cá nhân

Phương pháp định lượng

Sử dụng phiếu điều tra các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Đặng Thị Hương và cộng sự (2020)

TOE và TPB

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (VTO Virtual Try-On).

4 nhân tố bao gồm: Tính hữu dụng, Tính dễ sử dụng, Cảm nhận sự thích thú và rủi ro về quyền riêng tư.

Phương pháp định lượng , EFA với SPSS và AMOS hồi quy tuyến tính SEM và phân tích CFA.

Tiến hành khảo sát dữ liệu từ 408 người từ nhiều độ tuổi khác nhau tham gia ở Hà Nội.

Nguyễn Hồng Quân và cộng sự (2023)

TOE và UTAUT

Chấp nhận mạng xã hội tại các doanh nghiệp thương mại bán lẻ Việt Nam.

Tập trung vào 5 nhân tố: Bối cảnh công nghệ, Bối cảnh tổ chức, Bối cảnh môi trường, Hiệu quả kỳ vọng và Nổ lực kỳ vọng -

CFA, Phân tích hồi quy đa biến, mô hình cấu trúc tuyến tính SEM.

Tiến hành khảo sát thông qua mẫu nghiên cứu 7733 người bằng phiếu điều tra, chủ yếu là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Đào Phú Quý (2023)

TOE, TAM và TPB

Ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Bối cảnh công nghệ:

- Tính hữu ích (PU)

- Tính dễ sử dụng (PEOU)

- Nhận thức hành vi (PBC)

- Chất lượng dịch vụ (PSQ)

Bối cảnh tổ chức:

- Phạm vi hoạt động (SBO)

- Quy mô Công ty (FS)

- Nhiệm vụ tổ chức (OM)

- Điều kiện thuận lợi (FC)

- Khác biệt cá nhân (IDF)

- Cảm nhận chủ quan.

Bối cảnh môi trường:

- Sẵn sáng của NTD (CR)

- Áp lực cạnh tranh (CP)

- Sẵn sàng đối tác (TPR)

- Nhận thức tín ngưỡng.

Phương pháp tổng hợp, nghiên cứu tại bàn.

Tác giả đưa ra Khung nghiên cứu tích hợp 18 đề xuất gợi ý cho nghiên cứu trong tương lai về ứng dụng thương mại điện tử tại hệ thống có tổ chức.

Awa và cộng sự (2015)

TOE, TAM và DOI

Ứng dụng di động tại các nhà bán lẻ không có tổ chức Ấn Độ.

Yếu tố công nghệ:

Nhận thức,

Tính khả dụng,

Tính hữu ích(PU),

Tính dễ sử dụng (PEOU),

Khả năng sẵn có của hạ tầng.

Yếu tố tổ chức:

Quy mô công ty,

Hỗ trợ từ nhà quản lý,

Phạm vi hoạt động,

Nguồn tài chính.

Yếu tố môi trường:

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số,

Chính sách của Chính phủ,

Mức độ cạnh tranh ngành.

Thống kê mô tả thực hiện bằng SPSS. Mô hình(SEM) sử dụng AMOS, phân tích CFA.

Bảng câu hỏi mở và đóng đã được sử dụng từ các nhà bán lẻ, và phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng đã được sử dụng. Kích thước mẫu và tỷ lệ phản hồi: 320/ 221, đạt tỷ lệ 69%.

Ram và cộng sự (2023)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Qua lược khảo và đánh giá các lý thuyết/mô hình sử dụng trong các nghiên cứu ứng dụng công nghệ trên, có thể thấy, các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cho tổ chức thường sử dụng các lý thuyết nền theo 3 hướng chính:

- Hướng thứ nhất: Kế thừa và sử dụng các lý thuyết từ các lý thuyết nền chủ yếu tập trung vào các lý thuyết: TPB, TAM, UTAUT, TOE, DOI.

- Hướng thứ hai: Sử dụng các mô hình được xây dựng hoàn toàn mới và được thiết kế chuyên biệt cho ứng dụng công nghệ.

- Hướng thứ ba: Kết hợp nhiều mô hình nghiên cứu. Ví dụ: kết hợp mô hình TOE và UTAUT; kết hợp mô hình TOE và Mô hình TPB; kết hợp mô hình TOE và DOI.

Việc tích hợp các mô hình, với mục đích phát triển một mô hình khác, đã xuất hiện như một xu hướng mới trong các nghiên cứu gần đây liên quan đến ứng dụng công nghệ và đã được chứng minh là có giá trị trong khi xem xét những hạn chế của một số mô hình và lý thuyết áp dụng công nghệ (Dube và cộng sự, 2020). Do độ phức tạp về hành vi công nghệ mới trong thời gian gần đây, nhằm tăng thêm tính toàn diện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhiều nghiên cứu kết hợp các mô hình/ lý thuyết. Các công trình nghiên cứu không chỉ có khả năng giải thích tốt hơn mà còn có thể đưa ra các khuyến nghị chính sách và chiến lược thực tiễn hiệu quả hơn cho các tổ chức và cá nhân trong việc triển khai và sử dụng công nghệ mới (Dwivedi và cộng sự, 2017; Zhou và cộng sự, 2010).

MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT

Kế thừa và phát triển mô hình lý thuyết nền dùng trong ứng dụng công nghệ, trên cơ sở tích hợp 3 mô hình TOE, TAM và TPB và mở rộng từ mô hình TOE, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam cùng các giả thuyết nghiên cứu tương ứng như tại Hình 4.

Hình 4: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng  công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam

Nguồn: Tác giả đề xuất

KẾT LUẬN

Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan lược khảo và kế thừa việc kết hợp các mô hình/lý thuyết ứng dụng công nghệ ở cấp độ tổ chức, bài viết đã xây dựng và đưa ra được mô hình nghiên cứu đề xuất các nhân tố ảnh hưởng quyết định ứng dụng công nghệ đột phá tại hệ thống bán lẻ Việt Nam, với các nhân tố tác động bao gồm: Bối cảnh công nghệ; Bối cảnh tổ chức; Bối cảnh môi trường và Nhân tố cản trở, cùng nhân tố tác động kết hợp là Đặc điểm doanh nghiệp. Mô hình đề xuất này là tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng công nghệ trong tương lai trên cơ sở kết hợp các mô hình lý thuyết, nghiên cứu trường hợp cụ thể và sử dụng các phương pháp định lượng phức tạp hơn để làm rõ về các nhân tố ảnh hưởng và có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này, từ đó, đưa ra các được các khuyến nghị chính sách phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp bán lẻ để có chiến lược thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ, tạo ra một môi trường kinh doanh sáng tạo và bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.

2. Awa, H. O., Ojiabo, O., and Emecheta, B. (2015), Integrating TAM, TPB and TOE frameworks and expanding their characteristic constructs for e-commerce adoption by SMEs, Journal of Science and Technology Policy Management, 6, 76–94.

3. Awa, H. O., Ukoha, O., and Igwe, S. R. (2017), Revisiting technology-organization-environment (T-O-E) theory for enriched applicability, The Bottom Line, 30(01), 2-22.

4. Dang Thi Huong, Luu Thi Minh Ngoc, Nguyen Phuong Mai (2020), Intergrating TAM and TOE Models in Researching Social Media Adoption in Businesses in Vietnam, Journal of Science: Economics and Business, University of Economics and Business, Vietnam National University, 36(1), 86-95.

5. Đào Phú Quý (2023), Các nhân tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận mạng xã hội tại các doanh nghiệp thương mại bán lẻ Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Davis, F. (1989), User acceptance of information systems: The technology acceptance model (TAM), University of Arkansas at Fayetteville

7. Davis, F. D. (1993), User acceptance of information technology: System characteristics, user perceptions and behavioral impacts, International Journal of Man-Machine Studies, 38(3), 475-487.

8. Dube, T., van Eck, R., and Zuva, T. (2020), Review of Technology Adoption Models and Theories to Measure Readiness and Acceptable Use of Technology in a Business Organization, Journal of Information Technology and Digital World, 02, 207–212, https://doi.org/10.36548/jitdw.2020.4.003.

9. Dwivedi, Y., Rana, N., Chen, H., and Williams, M. (2011), A Meta-analysis of the Unified Theory of Acceptance and Use of Technology (UTAUT), In Governance and Sustainability in Information Systems, Managing the Transfer and Diffusion of IT, 366, 170.

10. Fishbein, M., and Ajzen, I. (1975), Belief, attitude, intention and behaviour: An introduction to theory and research, 27.

11. Godin, G., and Kok, G. (1996), The theory of planned behavior: A review of its applications to health-related behaviors, American Journal of Health Promotion: AJHP, 11(2), 87-98.

12. Nguyễn Hồng Quân, Trương Thị Hạnh, Đặng Ngọc Anh, Nghiêm Lê Mỹ Hạnh, Hà Thủy Linh, Nguyễn Dương Lan Nhi (2023), Ảnh hưởng của công nghệ thực tế ảo tăng cường đến ý định mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 132(5C), 19-38, DOI: 10.26459/hueunijed.v132i5C.7149.

13. Oliveira, T., and Martins, M. F. (2011), Literature Review of Information Technology Adoption Models at Firm Level, Electronic Journal of Information Systems Evaluation, 14(1), Article 1.

14. Ram M., Selvabaskar S., Rajarathi K., and Guhan R. (2023), Mobile application adoption in business by the unorganized retailers and expanding the con-structs by using TAM, DOI, TOE theories, Management Science Letters, 13(2), 96-107.

15. Rogers, E.M. (1995), Diffusion of Innovations, 4th Edition, the Free Press, New York.

16. Rogers, E.M. (2003), E. M. Rogers, Diffusion of innovations, 5th Edition, Free Press, New York, NY, 2003. - References—Scientific Research Publishing. https://www.scirp.org/reference/referencespapers?referenceid=361079.

17. Senarathna, I., Wilkin, C., Warren, M., Yeoh, W., and Salzman, S. (2018), Factors That Influence Adoption of Cloud Computing: An Empirical Study of Australian SMEs, Australasian Journal of Information Systems, 22.

18. Taherdoost, H. (2018), A review of technology acceptance and adoption models and theories, Procedia Manufacturing, 22, 960-967.

19. Tornatzky, L. G., and Fleischer, M. (1990), Tornatzky: The processes of technological innovation, Lexington Books, Lexington.

20. Venkatesh, V., & Bala, H. (2008). Technology Acceptance Model 3 and a Research Agenda on Interventions. Decision Sciences, 39(2), 273–315. https://doi.org/10.1111/j.1540-5915.2008.00192.x.

21. Venkatesh, V., and Davis, F. D. (2000), A Theoretical Extension of the Technology Acceptance Model: Four Longitudinal Field Studies, Management Science, 46(2), 186-204.

22. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., and Davis, F. D. (2003), User Acceptance of Information Technology: Toward a Unified View, MIS Quarterly, 27(3), 425–478. https://doi.org/10.2307/30036540

23. Venkatesh, V., Thong, J., and Xu, X. (2012), Consumer Acceptance and Use of Information Technology: Extending the Unified Theory of Acceptance and Use of Technology, MIS Quarterly, 36, 157-178.

24. Zhou, T., Lu, Y., and Wang, B. (2010), Integrating TTF and UTAUT to explain mobile banking user adoption, Computers in Human Behavior, 26(4), 760-767.

Ngày nhận bài: 15/12/2024; Ngày phản biện: 14/01/2025; Ngày duyệt đăng: 12/02/2025