Xây dựng nông thôn mới tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp: Thành tựu và thách thức giai đoạn 2021-2025
Phạm Thị Tuyết An
Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp
Tóm tắt
Trong những năm qua, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 với nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, 8/8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Mục tiêu đến năm 2025, huyện đạt chuẩn NTM với thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,59%. Bài viết phân tích những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tại huyện Tân Hồng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế; từ đó đề xuất giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra.
Từ khóa: nông thôn mới, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp
Summary
In recent years, Tan Hong District, Dong Thap Province, has implemented the National Target Program on New-Style Rural Construction for 2021-2025 with many outstanding results. Up to now, 8/8 communes have met the new-style rural standards, of which 2 communes have met the advanced new-style rural standards. The goal by 2025 is that the district will meet the new-style rural standards with an average income per capita of 68 million VND/year, reducing the poverty rate to 0.59%. The article analyzes the results of implementing the National Target Program on New-Style Rural Construction in Tan Hong District, pointing out the shortcomings and limitations, thereby proposing solutions to complete the set goals.
Keywords: new-style rural, Tan Hong District, Dong Thap Province
GIỚI THIỆU
Huyện Tân Hồng là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp, được tách ra từ huyện Hồng Ngự vào ngày 01/6/1989 và có 2 cửa khẩu (Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà và Cửa khẩu biên giới Thông Bình). Phía Đông giáp huyện Tân Hưng, tỉnh Long An; phía Tây giáp TP. Hồng Ngự; phía Nam giáp huyện Tam Nông và phía Bắc giáp với Camphuchia. Đơn vị hành chính của Huyện gồm 8 xã (Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình, Tân Thành A, Tân Thành B, Tân Phước, An Phước, Tân Công Chí) và 1 thị trấn Sa Rài, với tổng diện tích 311 km2. Kinh tế của Huyện chủ yếu là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; thương mai dịch vụ còn khiêm tốn, phát triển chưa cao. Việc triển khai chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 263/QĐ-TTg, ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM và các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp và huyện Tân Hồng, như: Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND Tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh Đồng Tháp về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 161/KH-UBND, ngày 12/5/2022 của UBND huyện Tân Hồng về xây dựng huyện Tân Hồng đạt chuẩn NTM năm 2025… Với sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân, Huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NTM CỦA HUYỆN TÂN HỒNG
Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Tân Hồng, ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 1.487 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương: 61,860 tỷ đồng (bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 41,860 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 20 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương: 1.425,14 tỷ đồng (ngân sách Tỉnh hỗ trợ là 474,444 tỷ đồng); vốn tín dụng dự kiến 20 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã dự kiến 5 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến 50 tỷ đồng. Hệ thống chính trị huyện Tân Hồng chỉ đạo sát sao tiếp tục cân đối ngân sách huyện và tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực để ưu tiên bố trí thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện (Bảng 1).
Bảng 1: Nguồn tăng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 đầu tư thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của huyện Tân Hồng
Đơn vị: Triệu đồng
STT |
Năm |
Nội dung |
Số tiền |
1 |
2021 |
Tăng thu tiền sử dụng đất |
11.356,129 |
Tăng thu ngân sách |
22.390,215 |
||
2 |
2022 |
Tăng thu tiền sử dụng đất |
17.807,91 |
Tăng thu ngân sách |
17.841,02 |
||
3 |
2023 |
Tăng thu tiền sử dụng đất |
17.286,512 |
Tăng thu ngân sách |
13.165,556 |
||
Tổng |
89.847,344 |
Nguồn: Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X (2024)
Trong giai đoạn 2021-2024, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM của huyện Tân Hồng như sau: Huyện có 8/8 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%) với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 các xã đạt từ 59 triệu đồng trở lên, trong đó có 2/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt tỷ lệ 25%) với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 các xã đạt từ 72 triệu đồng trở lên; có 1/1 thị trấn (thị trấn Sa Rài) đạt chuẩn đô thị văn minh (đạt tỷ lệ 100%) với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 73,015 triệu đồng, cao hơn thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh (mức thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh sơ bộ năm 2024 là 65,108 triệu đồng) (Bảng 2).
Nguồn lực huy động giai đoạn 2021-2024 của Huyện là 1.357,223 tỷ đồng. Theo đó, ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình là 992,334 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương: 55,643 tỷ đồng (bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 32,923 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 22,720 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương: 936,691 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ là 474,444 tỷ đồng); vốn tín dụng: 315,077 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng: 49,812 tỷ đồng.
Bảng 2: Kết quả điều tra thu nhập trên địa bàn huyện Tân Hồng năm 2024
STT |
Đơn vị hành chính |
Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 (triệu đồng/người/năm) |
I |
Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh |
73,015 |
1 |
Thị trấn Sa Rài |
73,015 |
II |
Xã đạt chuẩn NTM |
360,161 |
1 |
Xã Tân Hộ Cơ |
62,212 |
2 |
Xã Thông Bình |
59,428 |
3 |
Xã Bình Phú |
59,595 |
4 |
Xã Tân Thành A |
59,646 |
5 |
Xã Tân Thành B |
59,44 |
6 |
Xã Tân Công Chí |
59,84 |
III |
Xã đạt chuẩn NTM nâng cao |
144,422 |
1 |
Xã Tân Phước |
72,140 |
2 |
Xã An Phước |
72,282 |
Nguồn: Cục Thống kê Đồng Tháp (2024)
Có thể thấy, Chương trình xây dựng NTM huyện Tân Hồng giai đoạn 2021-2025 đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể:
- Đội ngũ cán bộ giúp việc vừa thiếu lại vừa làm việc kiêm nhiệm đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo còn có lúc, có đơn vị phụ trách tiêu chí chưa thực sự kiên quyết chủ động tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi còn thiếu kịp thời, chặt chẽ. Chế độ thông tin, báo cáo nhiều lúc thiếu kịp thời, ảnh hưởng tới việc nắm bắt những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các xã để kịp thời tháo gỡ.
- Nguồn vốn huy động cho Chương trình còn đạt thấp so với yêu cầu, chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn nhân dân đóng góp. Chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa có bước đột phá; số lượng doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn Huyện chưa nhiều, phần lớn doanh nghiệp nhỏ, nên chưa đủ sức thực hiện vai trò tiên phong trong định hướng thị trường, liên kết hợp tác với nông dân sản xuất.
- Các đơn vị ngành Huyện phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí Huyện NTM chưa quan tâm nhiều đến việc lập hồ sơ minh chứng đối với các chỉ tiêu đã đạt, ảnh hưởng đến thời gian lập hồ sơ chung của Huyện.
- Tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của doanh nghiệp còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không bền vững và thường xảy ra hiện tượng đổ vỡ niềm tin, phá vỡ mối liên kết, hợp đồng sản xuất và tiêu thụ chưa thực sự đảm bảo do nhiều nguyên nhân.
- Một bộ phận nhỏ ý thức người dân còn hạn chế trong xây dựng NTM, như: chưa đồng thuận trong xây dựng cơ sở hạ tầng; vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định, làm ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị..., làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM trên địa bàn Huyện trong thời gian qua.
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THÀNH HUYỆN NTM NĂM 2025
Mục tiêu
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024 và kế hoạch thực hiện năm 2025 của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 đặt ra mục tiêu của huyện Tân Hồng trong năm 2025 như sau:
Duy trì xã đạt chuẩn NTM: 8/8 xã. Duy trì xã đạt chuẩn NTM nâng cao: 2/8 xã. Phấn đấu có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tân Hộ Cơ). Hoàn thành và duy trì huyện đạt chuẩn NTM. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn:
+ Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm.
+ Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,59%.
+ Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế phấn đấu đạt 100%.
+ Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.
+ Tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88%.
Giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình xây dựng NTM trong năm 2025, huyện Tân Hồng cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng NTM; Nâng cao vai trò, nhận thức của Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Quản lý xã; tăng cường công tác tham mưu chỉ đạo của Văn phòng Điều phối Huyện, các thành viên Ban Chỉ đạo Huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các xã được phụ trách thực hiện. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; thường xuyên nâng cao năng lực tổ chức điều hành quản lý Chương trình; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhất là chính quyền cấp xã đối với công tác xây dựng NTM.
- Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng NTM, nhất là ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” nhằm huy động và phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng NTM. Mỗi xã, mỗi ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Qua đó, giới thiệu các mô hình dân tự làm, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng NTM ở cơ sở để nhân rộng.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh, nguồn ngân sách của Huyện; lồng ghép với các Chương trình MTQG, các dự án trên địa bàn Huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhân dân tham gia đầu tư, đóng góp xây dựng NTM; thành lập các tổ giám sát tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công các công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình, giải ngân, thanh quyết toán vốn theo kế hoạch.
- Thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Thực hiện các mô hình trình diễn, các dự án phát triển sản xuất nhằm mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
- Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp huyện, xã.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thường xuyên duy trì các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cấp sửa chữa các nhà văn hóa, nhà thể thao xã. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểu y tế đến nhân dân trên địa bàn. Củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trạm y tế xã nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả.
- Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Thu hút, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn, hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 bằng việc tạo điều kiện hỗ trợ liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong việc dồn đổi tích tụ tập trung đất đai đầu tư sản xuất hoặc liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thủy sản, các sản phẩm đã qua chế biến; đảm bảo các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp ở các xã đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua các trang thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang…); đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thành viên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP; tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc; đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 (2025), Báo cáo số 23/BC-BCĐ.NTM, ngày 10/01/2025 về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2024 và kế hoạch thực hiện năm 2025.
2. Cục Thống kê Đồng Tháp (2024), Báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí NTM huyện Tân Hồng năm 2024 về thu nhập bình quân đầu người số 785/BC-CTK, ngày 16/12/2024.
3. Đoàn giám sát HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X (2024), Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ năm 2021-2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” số 681/BC-HĐND, ngày 16/11/2024.
4. UBND huyện Tân Hồng (2024), Báo cáo công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực đề thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ năm 2021-2023 số 593/BC-UBND, ngày 16/10/2024.
Ngày nhận bài: 22/01/2025; Ngày phản biện: 03/02/2025; Ngày duyệt đăng: 10/02/2025 |
Bình luận