Xếp hạng các trường đại học Việt Nam và quốc tế hướng đến phát triển bền vững

Trường Đại học Trà Vinh là một trong hai trường đại học của Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng các trường đại học xanh phát triển bền vững do Tổ chức UI Greenmetric World University Rankings vừa công bố năm 2022.

Xếp hạng các trường đại học rất cần thiết và rất quan trọng

Hiện nay, có một cách được các nhà quản lý sử dụng trong đánh giá chất lượng của các trường đại học, đó là kiểm định chất lượng đào tạo (Quality assurance). Đây là cách là đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, xem trường đại học đã đủ các điều kiện tổ chức đào tạo để đảm bảo chất lượng đã cam kết hay chưa, kiểm định không phải là chất lượng. Cùng điều kiện và kết quả kiểm định như nhau, nhưng chất lượng 1 đại học còn phụ thuộc vào các kết quả khác và sản phẩm đầu ra. Nghĩa là, một trường đại học có kết quả kiểm định cao, nhưng rất có thể lại được xếp hạng chất lượng bình thường”.

Xếp hạng các trường đại học rất cần thiết và rất quan trọng giúp cho các trường đại học đánh giá được năng lực hiện tại của trường; để có thể giúp trường có những căn cứ phấn đấu phát triển nhanh. Căn cứ các tiêu chí xếp hạng được đề ra từ các tổ chức xếp hạng các trường đại học quốc tế; các trường phấn đấu nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà trường.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cần thiết phải có xếp hạng đại học lý do chính: “là tạo ra sự cạnh tranh dẫn đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu tốt hơn, kết quả xếp hạng là một cách để các đại học tự nhìn lại mình, đối chiếu và so sánh, tìm ra những khía cạnh chưa tốt để cải tiến cho tốt hơn. Do đó, tôi nghĩ bảng xếp hạng đại học có giá trị kích thích sự cạnh tranh, kết quả là sinh viên và xã hội sẽ được hưởng lợi”[1].

GS, TS. Trần Đức Viên - Chủ tịch hội đồng khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Xếp hạng (Ranking) là cách để đánh giá các trường đại học một cách định lượng, hoặc phối hợp giữa định lượng và định tính, do một tổ chức bên ngoài nhà trường thực hiện nhằm phân loại mức độ cao thấp của từng trường (hoặc từng ngành hay Chương trình đào tạo) tham gia xếp hạng, nhằm cung cấp thông tin tham khảo khả tín cho xã hội (người học, gia đình, chính phủ, xã hội). Xếp hạng hay phân hạng (Rating) là xếp các trường đại học cùng mức (cùng “đẳng cấp”) thành các nhóm (trường) cao thấp khác nhau, như cách người ta phân loại và công nhận khách sạn 3 sao, 4 sao hay 5 sao như cách tiếp cận của QS Stars".

2 bảng xếp hạng đang được quan tâm tại Việt Nam

Thứ nhất là Bảng xếp hạng Đại học Việt Nam (VNUR)

Bảng xếp hạng này được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Công ty TNHH phi lợi nhuận Vietnam Education Index, gồm 6 tiêu chuẩn, 17 tiêu chí tập trung vào 3 tiêu chí quan trọng: Nghiên cứu khoa học; Giáo dục - đào tạo và Cơ sở vật chất và quản trị.

Xếp hạng các trường đại học Việt Nam và quốc tế hướng đến phát triển bền vững
"Từ thực tiễn các năm qua, đồng thời xuất phát từ nhu cầu của các trường đại học, xu thế hiện nay của các trường đại học tại Việt Nam và trên thế giới là trở thành trường đại học Khởi nghiệp. Trường đại học Khởi nghiệp là trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia", CEO Đặng Đức Thành

Tháng 02/2023, VNUR công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023. Tuy nhiên bảng xếp hạng này chỉ gói gọn trong các trường đại học trong nước.

Thứ hai là Bảng xếp hạng đối sánh Đại học Việt Nam (University performan Metrics, UPM)

Đây là mô hình xếp hạng, theo hình thức gắn sa0 (Star Rating), đứng đầu là GS.TS Nguyễn Hữu Đức chủ trì, gồm 8 tiêu chuẩn, 54 tiêu chí, nhằm đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục Đại học từ góc độ đổi mới sáng tạo và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Xếp hạng UPM hiện có sự tham gia của gần 100 cơ sở giáo dục Đại học và chương trình đào tạo từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: (Việt Nam, Brunei, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…) với các tiêu chí: Quản trị chất lượng; quản trị sự thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; Quản trị thương hiệu và Công khai chất lượng; Thực hiện trách nhiệm xã hội.

Theo GS, TS. Nguyễn Hữu Đức (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) chuyên gia về lĩnh vực xếp hạng đại học cho biết: “Năm 2023 UPM sẽ công bố kết quả xếp hạng đối sánh, gắn sao cho các cơ sở giáo dục đại học tự nguyện tham gia, tự nguyện sử dụng Bộ tiêu chí UPM để nhận diện và quản trị chiến lược phát triển của trường mình (công bố kết quả vào dịp tuyển sinh đại học hàng năm)".

Ông Đức cũng cho rằng, các kết quả xếp hạng bước đầu này của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các trường đại học và cả cộng đồng; hỗ trợ các trường đại học nhận diện hiệu quả hoạt động của mình, nhất là các trường đại học được tự chủ và các trường đại học ngoài công lập để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo qua nghiên cứu…[2].

Cần thêm tiêu chí trong các bảng xếp hạng đại học của Việt Nam

Nhìn toàn cảnh các bảng xếp hạng của Việt Nam và quốc tế còn nhiều thiếu sót. Để bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam và quốc tế hướng đến phát triển bền vững cần gắn kết các tiêu chí xếp hạng với 3 xu thế lớn của thế giới hiện nay: Xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; Thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và Xu thế các trường đại học hiện nay phát triển trở thành trường đại học Khởi nghiệp.

Trường đại học có vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng. Trường đại học giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng một quốc gia khởi nghiệp.

Từ thực tiễn các năm qua, đồng thời xuất phát từ nhu cầu của các trường đại học, xu thế hiện nay của các trường đại học tại Việt Nam và trên thế giới là trở thành trường đại học Khởi nghiệp. Trường đại học Khởi nghiệp là trụ cột của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Có thể đưa ra định nghĩa “đại học Khởi nghiệp”: là trường đại học có khả năng tạo ra các loại hình doanh nghiệp Spin off, Spin out và Startup nhiều nhất có thể trên cơ sở xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mục đích nhằm tạo ra sự khác biệt giữa các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế hướng đến phát triển bền vững; nhằm thúc đẩy các trường đại học không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tác giả đề xuất đưa vào bảng xếp hạng đại học Việt Nam, quốc tế cần có thêm các tiêu chí:

+ Tiêu chí giáo dục bền vững thuộc lĩnh vực tác động môi trường (sustainable education).

+ Số lượng công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới được công nhận (tổ chức sở hữu trí tuệ - được cấp bằng sáng chế/Thông qua thương mại hóa và chuyển giao công nghệ từ trường đại học).

+ Số lượng doanh nghiệp được hình thành từ trường đại học (số lượng doanh nghiệp hình thành trong và sau trường Đại học (đồng thời)).

+ Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp (Employment and opportunities)./.


[1] Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học kỹ thuật Sydney (Úc)

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc/xep-hang-dai-hoc-viet-nam-tren-the-gioi-tai-sao-chi-quan-quanh-may-truong-20200720083754454.htm,

CEO ĐẶNG ĐỨC THÀNH

Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế (VEC)

UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)