Xuất khẩu thủy sản theo hướng phát triển bền vững về môi trường: Kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho Việt Nam
ThS. Lê Quốc Cường
Trường Đại học Thương mại
Tóm tắt
Ngành thủy sản Việt Nam hiện chiếm 28,7% tổng giá trị toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp, song cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường. Bài viết tổng hợp kinh nghiệm phát triển hướng tới xuất khẩu từ ngành thủy sản của Trung Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên tự nhiên, kiểm soát chất thải và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Việc định hướng xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo phát triển dài hạn.
Từ khóa: phát triển ngành thủy sản, Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản
Summary
Vietnam's fisheries industry currently accounts for 28.7% of the total value of the entire agriculture, forestry, and fishery sector, but it is also a manufacturing industry that causes environmental pollution. This article summarizes the experience of developing the fisheries industry towards export from China, thereby drawing lessons for Vietnam in optimizing the use of natural resources, controlling waste, and complying with international environmental standards. Orienting exports towards sustainable development will help Vietnam improve its competitiveness, meet market demands, and ensure long-term development.
Keywords: fisheries development, China, fisheries export
ĐẶT VẤN ĐỀ
Xuất khẩu thủy sản (XKTS) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay. XKTS Việt Nam năm 2024 về đích ấn tượng với con số 10 tỷ USD, giữ vững vị trí XKTS thứ 3 thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Na Uy), thị trường bao phủ cả 5 châu lục với hơn 170 quốc gia (Lê Quân, 2025). Hiện nay, các cam kết môi trường đã trở thành một phần quan trọng trong thương mại quốc tế thông qua các hiệp định môi trường đa biên (MEAs), khuôn khổ WTO, EU và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là những yều cầu mới một mặt nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong hoạt động thủy sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mặt khác cũng đảm bảo cạnh tranh công bằng trong ngành thủy sản toàn cầu. Vì vậy, việc học tập kinh nghiệm phát triển hướng tới xuất khẩu từ ngành thủy sản của Trung Quốc, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên tự nhiên, kiểm soát chất thải và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Việc định hướng xuất khẩu theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo phát triển dài hạn.
KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC
Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn nằm trong số 10 nước XKTS lớn nhất thế giới. Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành thủy sản các quốc gia này luôn quan tâm, chủ động đổi mới phương thức sản xuất, xuất khẩu theo hướng ngày càng bền vững hơn đối với môi trường. Theo số liệu của FAO, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 85.948 nghìn tấn, (trong đó: khai thác 13.143 nghìn tấn; nuôi trồng 72.805 nghìn tấn), chiếm 39% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Trong 10 năm trở lại đây từ 2011-2020, Trung Quốc thường xuyên giữ ví trí là nước xuất khẩu hàng đấu thế giới với giá trị XKTS của tăng nhanh từ 13 tỷ USD năm 2011 lên tới gần 24 tỷ USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 18%/năm (FAO, 2021).
Để đạt được thành công nêu, ngành thủy sản Trung Quốc đã thực sự coi trọng đầu tư, phát triển năng lực sản xuất. Chính phủ Trung Quốc ngày càng chủ động tăng cường hội nhập, hợp tác về thương mại cũng như thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế và quy định thị trường, quản lý tốt hơn trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên và thực hiện kiểm soát chất thải hiệu quả trong sản xuất và XKTS. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Trung Quốc hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều hiệp định quốc tế về môi trường. Việc tham gia tích cực vào các khuôn khổ này có ảnh hưởng quan trọng đến định hướng quản lý ngành thủy sản theo hướng bền vững của nước này. Thời gian qua, Trung Quốc đã tham gia ký kết nhiều hiệp định khu vực về quản lý nguồn lợi thủy sản điển hình, đó là: Hiệp định Hợp tác Khu vực về Quản lý và Bảo vệ Nguồn lợi Cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) năm 1996, Ủy ban Nghề cá Tây Trung và Nam Đại Tây Dương (CCSBT) năm 2001, Hiệp định nghề cá Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương (WCPFC) năm 2004, Hiệp định về Khu bảo tồn Nam Cực (CCAMLR) năm 2007, Ủy ban Nghề cá Trung và Bắc Thái Bình Dương (NPFC) năm 2015, Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng (PSMA) năm 2016, Năm 2019, Trung quốc là một trong số 48 nước trên thế giới ký kết tuyên bố Torremolinos Declaration (Thỏa thuận Cape Town năm 2012 về an toàn tàu cá tại Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức ở Torremolinos, Tây Ban Nha).
Trung Quốc cũng là thành viêc của nhiều công ước môi trường quốc tế có liên quan đến ngành thủy sản như tham gia Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1981, Công ước về Ngăn chặn Ô nhiễm từ Tàu (MARPOL) năm 1983, Công ước về đa dạng sinh học (CBD) năm 1993, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế năm 1992, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1996, và rất nhiều các công ước có liên quan khác.
Việc tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định và công ước quốc tế đã thể hiện rõ nét nỗ lực, cam kết và là động lực quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu môi trường toàn cầu mà nước này đang theo đuổi, đồng thời cũng duy trì phát triển bền vững ngành thủy sản, củng cố vững chắc hơn vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Bằng việc thể chế hóa các cam kết quốc tế được thể hiện trong hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi hiệu quả các quy định pháp luật, Trung Quốc đã và đang là quốc gia tuân thủ rất nghiêm túc các quy định về quản lý nguồn lợi thủy sản của FAO và chống khai thác bất hợp pháp bằng các biện pháp nghiêm ngặt để giám sát và kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản. Kể từ khi tham gia PSMA năm 2016, số vụ khai thác thủy sản bất hợp pháp liên quan đến các tàu cá đến cảng Trung Quốc đã giảm đáng kể, năm 2020 số vụ vi phạm giảm khoảng 40% so với thời điểm nước này tham gia (Cục Quản lý Nghề cá và Đại dương Trung Quốc, (2018, 2020),).
Thứ hai, Trung Quốc luôn chú trọng vào các hoạt động, các chính sách quản lý ngành thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Trong lĩnh vực thủy sản, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan tới Luật Bảo vệ môi trường (2002, 2014 được sửa đổi năm 2020), Luật Ngư nghiệp (1986, sửa đổi 2013) đã quy định rõ ràng hơn về quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, Quy định về quản lý đánh bắt cá xa bờ (năm 2017) với các tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, bao gồm các biện pháp bảo vệ môi trường biển, đảm bảo sự hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bên cạnh đó nhiều hệ thống luật khác cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung... Trong công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch, nước này cũng đã ban hành nhiều quy hoạch mới như quy hoạch không gian biển để tối ưu hóa việc sử dụng các vùng biển cho nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu xung đột với các hoạt động khác và bảo vệ môi trường biển, Quy hoạch bảo vệ môi trường biển và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững ngành thủy sản đến năm 2030.
Đối với các hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên được quản lý chặt chẽ thông qua các quy định và giám sát của chính phủ, nhằm đảm bảo bền vững nguồn lợi và ngăn chặn khai thác quá mức bằng việc quy định về cấp phép và giới hạn khai thác, sử dụng công nghệ định vị và giám sát từ xa để theo dõi các hoạt động đánh bắt và khai thác thủy sản trên biển, thiết lập và quản lý chặt chẽ khu vực quản lý nơi chỉ cho phép khai thác thủy sản trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc theo mùa vụ, thiết lập và quản lý dựa trên các hệ thống loài và mức độ bền vững của từng loài thủy sản.
Một số quy định điển hình như: Chỉ thị về Cấm Đánh bắt Tạm thời (2021), Quy định về xử phạt vi phạm hoạt động thủy sản (2020), Luật Thủy sản (2013, sửa đổi 2021), Luật Bảo vệ môi trường biển (2017), Quy định về quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ tài nguyên biển (2016)… Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ suy giảm nguồn lợi thủy sản trong khai thác thủy sản tự nhiên, vào năm 2018 Trung Quốc đã lên kế hoạch cho việc cắt giảm quy mô đội tàu viễn dương và quyết tâm loại bỏ các công ty khai thác IUU bằng cách cấm khai thác, phạt nặng về tài chính, cắt giảm trợ cấp và có chính sách thưởng tiền cho tàu cá khai thác đúng quy định hoặc hỗ trợ cái hoán chuyển đồi nghề.
Trong nuôi trồng thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc thời gian qua được nhìn nhận trong ao tiêu tốn rất nhiều tài nguyên nước. Ước tính cho thấy rằng cứ 1 kg thủy sản từ nuôi trồng thủy sản trong ao ở Trung Quốc cần khoảng 3–13,4 m3 nước (XingGuo Liu và cộng sự, 2020). Để tiết kiệm nước, Trung Quốc đã tập trung phát triển các chương trình quản lý nguồn nước mạnh mẽ nhằm đảm bảo sự bền vững của hệ thống nước bao gồm việc phân bổ nước cho các vùng nuôi trồng thủy sản, khuyến khích sử dụng các phương pháp nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước và sử dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu lượng nước dư thừa. Điển hình là sáng kiến về "Chuyển đổi xanh" trong sản xuất thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong sản xuất thủy sản. Các biện pháp chính là khuyến khích sử dụng các công nghệ Internet vạn vật (IoT) để giám sát và quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng thức ăn và tài nguyên, tiếp đến là phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ ít gây ô nhiễm và tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên. Trong chế biến thủy sản, Chính phủ nước này đã thúc đẩy hàng loạt các chương trình đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, như: tiêu chuẩn quốc gia GB (Guobiao Standards), chương trình kiểm tra và giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Nhờ các giải pháp nêu, báo cáo của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc năm 2020 cho thấy, có khoảng 1,4 triệu ha diện tích biển đã được phân vùng cho nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng lên 50 triệu tấn vào năm 2020, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thủy sản của quốc gia. Tỷ lệ sản phẩm thủy sản Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và chất lượng một phần lớn do đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, như: Codex Alimentarius, HACCP, chứng nhận MSC, BRC…đã tăng từ khoảng 80% vào năm 2005 lên trên 95% vào năm 2020, nhờ phần lớn các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt được các chứng nhận quốc tế nên tỷ lệ các sản phẩm thủy sản vượt mức dư lượng hóa chất cho phép đã giảm từ 5% năm 2005 xuống còn dưới 1% vào năm 2020. Đối với một số thị trường xuất khẩu chủ lực của nước này, như: EU, Mỹ, Nhật Bản thì lệ sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn cao của Trung Quốc cũng đã đã tăng từ 85% lên 95% trong giai đoạn 2010-2020.
Thứ ba, ngành thủy sản của Trung Quốc luôn chú trọng công tác kiểm soát và hướng tới giảm thiểu chất thải hiệu quả trong các hoạt động sản xuất phát sinh chất thải. Để kiểm soát chất thải trong XKTS, Chính phủ Trung Quốc Chính phủ Trung Quốc đã sớm ban hành Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước, yêu cầu các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về xả thải và quản lý chất lượng nước, nhằm ngăn chặn ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh từ năm 1984. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đã hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho các dự án nuôi trồng thủy sản ít phát thải như hệ thống nuôi trồng tuần hoàn, khuyến khích sử dụng công nghệ cao và chuyển đổi năng lượng tái tạo trong nuôi trồng. Chính phủ Trung Quốc cũng tích cực thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra các giải pháp phát triển ngành bền vững hơn.
Điển hình nhất là các hệ thống nuôi trồng tuần hoàn (Recirculating Aquaculture Systems - RAS) được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc, các hệ thông này giúp giảm thiểu việc sử dụng nước và kiểm soát ô nhiễm trước trong và sau quá trình nuôi trồng. Đến năm 2019, Trung Quốc có khoảng 2000 hệ thống RAS hoạt động, đóng góp vào việc tăng năng suất nuôi trồng từ 30%-50% và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đáng kể. Từ năm 2005 đến 2020, Trung Quốc đã tham gia hơn 100 dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ngành thủy sản điển hình, như: Dự án "Sustainable Fisheries Management" với Ngân hàng Thế giới (World Bank) bắt đầu từ năm 2010 cho đến nay, dự án "Blue Partnership" với Liên minh châu Âu (EU) được khởi động vào năm 2012 và đã có nhiều giai đoạn mở rộng và cập nhật tiếp theo, dự án "Marine Ecosystem Protection" với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) bắt đầu vào năm 2014 và đang tiếp tục triển khai, dự án "Xanh hóa ngành thủy sản" từ năm 2015 đến nay, dự án "Fishery Improvement Project (FIP)" với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) được khởi động từ năm 2016 và đang trong quá trình triển khai mở rộng...
Các cơ quan quản lý nước này cũng đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến nuôi trồng thủy sản để đảm bảo sự tuân thủ theo mục tiêu đã đề ra. Năm 2018, Cục Quản lý Nghề cá và Đại dương của Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra 1500 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trong đó 250 cơ sở bị phạt do vi phạm quy định về môi trường, với tổng số tiền phạt lên đến 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3 triệu USD). Năm 2020, số cơ sở bị kiểm tra tăng lên 2000, trong đó có 300 cơ sở bị xử phạt với tổng tiền phạt là 25 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,75 triệu USD) với các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến việc sử dụng kháng sinh cấm, sở dụng quá mức và xả thải không đúng quy định. Quyết định số 178/2015 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc quy định chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản được ban hành khiến mức sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản của nước này năm 2020 giảm 30% so với thời điểm 2015. Chính sách này giúp giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao uy tín của thủy sản Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Theo thống kê, tỷ lệ thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế tăng từ 85% năm 2015 lên 95% năm 2020 (UNEP, 2020).
THỰC TRẠNG XKTS THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỀ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM
Tại Việt Nam, với lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, thủy sản ngày càng khẳng định vai trò của mình đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay và trong thời gian sắp tới, thủy sản được định hướng là mặt hàng xuất khẩu chính yếu của đất nước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước cán đích với khoảng 10 tỷ USD, tăng khoảng 12,7% so với năm 2023. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra đã đóng góp đến 60% tổng kim ngạch. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng 16,7% còn cá tra đạt 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, về nhóm hải sản, tuy nguồn nguyên liệu hạn hẹp, xuất khẩu cá ngừ vẫn cán đích 1 tỷ USD, tăng trưởng 18%. Các loại cá khác đóng góp 1,9 tỷ USD, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 662 triệu USD, cua, ghẹ và giáp xác khác đạt 335 triệu USD. Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10 nước XKTS hàng đầu thế giới với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch trên 1 tỷ USD, như: tôm, cá tra, cá ngừ. Hơn nữa, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế, thương mại và môi trường một cách toàn diện thông qua trên 16 hiệp định thương mại tự do; là thành viên của 40 cam kết đa phương về môi trường và nhiều cam kết thương mại khác khác có liên quan đến bảo vệ môi trường, như: Hiệp định GATT, SPS, TBT trong khuôn khổ của WTO và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Đây là lợi thế để Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh XKTS hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đạt được, XKTS của Việt Nam được dự báo cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về tính bền vững môi trường trong quá trình phát triển. Các khó khăn, thách thức này đến từ những tồn tại, hạn chế trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên tự nhiên kém hiệu quả, vấn đề kiểm soát tài nguyên và thực hiện các cam kết quốc tế nói chung, yêu cầu từ thị trường nhập khẩu nói riêng về môi trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức mà một phần nguyên nhân quan trọng đến từ sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong hoạt động quản lý của các các quan chức năng. Sự mở rộng nhanh chóng các hoạt động sản xuất, xuất khẩu kéo theo sự suy giảm nguồn lợi thủy sản nhanh chóng, diện tích mặt nước, đất đai bị sử dụng lãng phí, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải không kiểm soát hiệu quả, tình trạng vi phạm các quy định của thị trường nhập khẩu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, dư lượng hóa chất, vi sinh vẫn còn phổ biến... Đây là những trở lực rất lớn đối với mục tiêu đặt ra về phát triển xuất khẩu bền vững được đặt ra trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 493/QĐ-TTg, ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Thực tế cho thấy, việc khai thác, quản lý khai thác thủy sản của Việt Nam thời gian qua chưa được thực hiện một chặt chẽ và khoa học, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết quốc tế khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Theo WB (2023), trong giai đoạn 2005-2019, nếu như năm 2005, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam có khoảng 5,07 triệu tấn; đến giai đoạn 2011-2015 trữ lượng chỉ còn 4,36 triệu tấn (tức giảm 15% so với thời điểm năm 2005); đến giai đoạn 2016-2019 tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 3,95 triệu tấn (giảm 23% so với năm 2005). Một số nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến là do chính sách quản lý, hỗ trợ phát triển thủy sản còn nhiều điểm chưa phù hợp, việc xác định hạn ngạch khai thác (TAC), bên cạnh đó Việt Nam vẫn còn sử dụng một số trợ cấp cả trực tiếp và gián tiếp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản, như: quy định miễn thuế tài nguyên thủy sản khai thác tự nhiên, một số miễn giảm thuế đất đai, nước trong nuôi trồng cùng một số trợ cấp về đóng mới tàu cá, trợ cấp về nhiên liệu
Mặc dù các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã có những chú trọng nhất định đến bảo vệ và phát triển tài nguyên, song các nội dung, công cụ, các phương pháp quản lý được thực hiện thời gian qua ở Việt Nam có nhiều tồn tại, hạn chế, có nhiều biện pháp quản lý được đưa ra xong chưa có tính dự báo và thực sự phù hợp khiến cho các nguồn tài nguyên tự nhiên của quốc gia được sử dụng nhiều nhưng hiệu quả kinh tế thu được trên mỗi một đơn vị tài nguyên khai thác, sử dụng trong XKTS là chưa tương xứng. Thời gian qua, uớc tính mỗi năm Việt Nam phải chịu tổn thất từ 20%-30%, chủ yếu về chất lượng; trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất (từ 35%-48%); các nghề khác tổn thất thấp hơn, lưới vây (17,7%), lưới rê (22,8% ) và câu vàng (23,0%) (VASEP, 2020). Tỷ lệ tổn thất này là rất cao nếu so sánh với các nước có nghề cá phát triển, như: Na Uy, Tây Ban Nha, Mỹ, Úc, Nhật Bản... với tỷ lệ tổn thất chỉ khoảng 2%-5%, thông thường các nước nghèo, kém phát triển với có nghề cá thủ công, thiếu sự bền vững, thì tỷ lệ hao hụt càng cao (FAO, 2012). Tỷ lệ chế biến sâu của thủy sản xuất khẩu cũng được đánh giá là rất thấp khi hiện nay sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khi sản phẩm chủ yếu dạng tươi hoặc đông lạnh thông qua sơ chiếm tới 75,5% tổng giá trị XKTS các loại (VASEP, 2020). Hơn thế nữa, từ năm 2017 đến nay, sản phẩm thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu của Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng cảnh báo “thẻ vàng” do Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý cũng như các biện pháp thực thi, kiểm soát hiệu quả tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp từ đó ảnh hưởng hết sức tiêu cực cho hoạt động XKTS.
Một khía cạnh khác là hoạt động tăng cường khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu đã tạo ra nhiều chất thải gây ra ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam có đặc điểm quy mô nhỏ, chủ yếu là sản xuất hộ gia đình; nhận thức và sự tuân thủ các quy định quản lý, quy hoạch trong nuôi trồng thủy sản của người nuôi còn những hạn chế. Điều này đã dẫn đến thách thức, khó khăn trong việc quản lý ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản. Sản xuất quy mô nhỏ và thiếu liên kết (liên kết ngang và dọc theo chuỗi) dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Với đặc thù quy mô nhỏ, hộ gia đình nên khả năng đầu tư tài chính để nâng cấp công nghệ, quy trình nuôi đồng bộ theo hướng thân thiện môi trường cũng bị hạn chế.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO XKTS THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỀ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
Từ thực tiễn kinh nghiệm của Trung Quốc và những tác động tiêu cực trong sản xuất và XKTS của Việt Nam, để tiếp tục đẩy mạnh XKTS theo hướng bền vững hơn về môi trường, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần tích cực và chủ động tham gia, thực hiện nghiêm túc các cam kết môi trường quốc tế và quy định của thị trường nhập khẩu. Nội luật hóa các nội dung, điều khoản cam kết, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hài hòa và khả thi trong các chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch và hệ thống pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường của quốc gia, của ngành cũng như trong các hoạt động XKTS.
Chủ động tiếp nhận, phản hồi và xử lý các thông tin, khiếu nại, các vi phạm cảnh báo của cộng đồng, các tổ chức quốc tế, thị trường nhập khẩu để điều chỉnh hệ thống quy định pháp luật trong nước, tiếp tục tăng cường hướng dẫn, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường giám sát và xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm soát tốt hơn bằng việc hạn chế hoặc nghiêm cấm sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có không có truy suất được nguồn gốc, các sản phẩm vi phạm quy định IUU, các chỉ tiêu vi sinh, hóa chất, kháng sinh cấm…
Thứ hai, trong quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, Việt Nam cần triển khai hiệu quả hơn nữa công tác điều tra, đánh giá và kiểm kê tổng thể về phân bố, chức năng, giá trị, mức độ cạn kiệt, suy thoái trong mối tương quan chặt chẽ với nhu cầu huy động, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên phục vụ XKTS.
Thường xuyên rà soát, ban hành các chính sách, cơ chế kinh tế, kỹ thuật và xã hộ mới nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát việc khai thác, sử dụng đảm bảo hiệu quả kinh tế do tài nguyên tự nhiên đồng thời bảo vệ hiệu quả nguồn vốn tự nhiên trong XKTS bao gồm một số vấn đề điểm hình như quản lý, kiểm soát hiệu quả vấn đề khai thác IUU, thiết lập giới hạn và hạn ngạch khai thác cho từng đối tượng nguồn lợi thủy sản, cấp phép và quản lý điều kiện cấp phép diện tích đất, mặt nước nuôi trồng theo quy hoạch...
Tăng cường các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản nói riêng, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái thái quan trọng bằng việc xây dựng các chương trình/kế hoạch hành động bảo tồn, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế, các hệ sinh thái cốt lõi như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, các khu vực bảo tồn cửa sông, ven biển, biển đáp ứng yêu cầu XKTS.
Thứ ba, trong kiểm soát và giảm thiểu chất thải, Việt Nam tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện và bổ sung hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản nói chung, XKTS nói riêng trong đó tập trung ban hành ban hành các quy định, hướng dẫn, định mức kinh tế, kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn thải từ hoạt động XKTS. Định kỳ điều tra, kiểm kê và đánh giá tổng thể chất thải, nguồn phát sinh, các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường từ đó tập trung quản lý tại ô nhiễm, suy thoái môi trường tại địa điểm, vùng tập trung các hoạt động sản xuất và XKTS.
Thiết lập hệ thống, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin đảm bảo kiểm soát hiệu quả chất thải công tác thu gom, phân loại, xử lý hiệu quả chất thải và thường xuyên đánh giá tác động, ảnh hưởng của chất thải phát sinh trong xuất khẩu tới môi trường, tiến tới giảm thiểu chất thải trong XKTS có nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khai thác, nuôi trồng, chế biến, thương mại./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công Thương Việt Nam (2020), Xuất khẩu và Phát triển bền vững.
2. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (2019), Quy định và Chiến lược Quản lý nguồn lợi thủy sản.
3. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc (2020), Báo cáo Phát triển ngành thủy sản bền vững.
4. Cục Quản lý Nghề cá và Đại dương Trung Quốc (2018-2020), Báo cáo Giám sát và Kiểm soát Khai thác Thủy sản năm 2018-2020.
5. Đinh Trung Sơn (2017), Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 6(115).
6. Đỗ Đức Bình (2012), Cơ chế, chính sách và giải pháp tham gia và tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam là thành viên, Tạp chí kinh tế & Phát triển, 292(2), tháng 10/2021.
7. Đỗ Thị Bình, Trần Văn Trang (2021), Ảnh hưởng của áp lực thể chế đến chiến lược xuất khẩu thân thiện môi trường, hợp tác trong chuỗi cung ứng và lợi thế cạnh tranh tại các doanh nghiệp dệt may, Tạp chí Kinh tế phát triển, số 288, tháng 6/2021.
8. FAO (2021), Thủy sản Trung Quốc: Thực trạng, Xu hướng và Bài học phát triển bền vững.
9. Hiệp hội Chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP) (2020-2024), Báo cáo XKTS các năm, từ năm 2020 đến năm 2024.
10. Hồng Quang (2022), Môi trường: Nền tảng cốt lõi và yêu cầu tất yếu trong hội nhập kinh tế toàn cầu, Tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội, số 12.
11. Lê Quân (2025), XKTS hướng tới mục tiêu mới, truy cập từ https://nhandan.vn/xuat-khau-thuy-san-huong-toi-muc-tieu-moi-post854592.html.
12. Li, X., Wang, Y. (2020), Công nghệ và Quản lý Nuôi trồng Thủy sản tại Trung Quốc: Mô hình Phát triển Bền vững, Tạp chí Nghiên cứu Thủy sản, 22(3).
13. Liên hợp quốc (1972), Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người, Stockholm, Thụy Điển.
14. United Nations Environment Programme (2020), Seafood Safety and Sustainability: Global Trends 2010-2020.
15. Word Bank (2023), Detox Development: Repurposing Environmentally Harmful Subsidies.
Ngày nhận bài: 05/01/2025; Ngày phản biện: 15/01/2025; Ngày duyệt đăng: 19/02/2025 |
Bình luận