Số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2015 đạt 529.000 lượt, giảm 1,9 % so với cùng kỳ tháng 6/2014 và giảm 8,2% so với tháng 5/2015.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 6/2015, du lịch Việt Nam đã sụt giảm lượng khách quốc tế liên tiếp trong 13 tháng. Trong đó khách đến qua đường hàng không giảm 8,6%, đường bộ giảm 8,9%, bằng đường biển tăng hơn 2,5 lần.

Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 5/2015, khách đến từ châu Âu có mức giảm nhiều nhất với 14,7%, từ châu Á giảm 10,6% trong khi khách đến từ châu Đại Dương tăng 1,6%.

Những nước có số lượng khách giảm nhiều gồm Trung Quốc giảm 30,2%; Hàn Quốc giảm 10,6%; Thái Lan giảm 5,1%; Nhật Bản giảm 5,3%. Khách từ các nước châu Âu giảm gồm Pháp giảm gần 50%; từ Đức, Hà Lan và Bỉ giảm từ 25-30%.

Chỉ có ba nước Bắc Âu là Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Nga có số lượng khách tăng so với tháng trước. Khách đến từ Mỹ tăng 31,1% trong khi từ Canada lại giảm 12,1%.

Đánh giá về thực trạng này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định, thời điểm này tiếp tục là giai đoạn thách thức của du lịch Việt Nam với những khó khăn “kép”. Trong đó, nguyên nhân chính là do yếu tố khách quan như sự sụt giảm của các thị trường chiếm tỷ trọng cao (khách Trung Quốc chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam) và các thị trường nói tiếng Hoa vẫn chưa phục hồi. Những căng thẳng trên Biển Đông diễn ra giữa năm ngoái đến nay vẫn chưa lấy lại cân bằng. Thị trường khách quốc tế vào Việt Nam lớn thứ hai là Nga (tăng trung bình hàng năm 25-30%) vẫn đang gặp khó khăn do xứ sở Bạch dương đang đứng trước những thách thức rất lớn về kinh tế chính trị.

Thêm vào đó, tình hình dịch MERS tại các thị trường đưa khách ra nước ngoài trọng điểm của Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc khiến nhiều doanh nghiệp phải hủy các đoàn đã đăng ký tour và không dám nhận khách mới. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ghi nhận được khoảng 7.000 du khách hủy tour do lo ngại lây nhiễm, khiến nước này phải đưa nhiều hành động đối phó. Một trong số đó là việc áp dụng mức bồi thường cho du khách nhiễm MERS khi đến đây là gần 5.000 USD.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ lạc quan: “Sự sụt giảm là thời điểm và có thể tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng từ 1-2 năm. Nhưng, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng những chính sách gần đây Chính phủ ban hành sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam”.

Trước đó, ngày 18/6, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết chính thức miễn visa đơn phương cho du khách các nước Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Với quyết định này, công dân các nước này khi nhập cảnh Việt Nam không phải xin thị thực với thời hạn tạm trú 15 ngày, áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2016. Đức, Anh, Pháp… đều là các thị trường truyền thống, lượng khách lớn và chi tiêu du lịch cao. Việc miễn visa chắc chắn sẽ giúp nguồn khách từ các thị trường này tăng mạnh hơn.

Tổng cục trưởng đánh giá visa thông thoáng sẽ là cú hích hút khách châu Âu, những người chưa tới Việt Nam bao giờ và là sự khuyến khích những người từng đến đây quay trở lại. Châu Âu vốn là thị trường truyền thống, lượng khách đến Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định (tuy không cao) trong thời gian qua. "Chúng ta sẽ tận dụng được lượng khách không nhỏ tranh thủ đi du lịch Đông Nam Á đến Việt Nam”, ông Tuấn cho hay.

Cũng theo ông, cần có thời gian để tuyên truyền chính sách mới tới khách hàng, đối tác. Khách châu Âu không đi du lịch ngẫu hứng mà theo lịch nghỉ đông, giáng sinh. Thêm nữa, hè của Việt Nam là mùa thấp điểm du lịch quốc tế. Cao điểm khách châu Âu và quốc tế phải vào mùa đông và xuân. Do đó, kết quả từ hiệu ứng tích cực của chính sách này phải đến cuối năm nay, đầu năm sau mới thấy được.

"Chúng ta không nên kỳ vọng một sự bùng nổ hay tăng vọt khách châu Âu như các thị trường mới. Song, đây cũng là một điểm sáng trong bối cảnh du lịch Việt Nam đụng đâu cũng thấy khó", ông Tuấn nói./.