Giá trị xuất khẩu đang giảm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng khá nhanh. Nếu năm 2008, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt kim ngạch 188,694 triệu USD, thì đến năm 2012 đã đạt tới 569,406 triệu USD, chiếm đến 9,28% kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ bắt đầu giảm do có nhiều yếu tố khó khăn về nguồn nguyên liệu, thuế nhập khẩu và thị trường. Năm 2013, dù đạt kim ngạch đạt hơn 526 triệu USD, đứng thứ ba (sau cá tra và tôm) trong số các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính, nhưng lại sụt giảm hơn 7% so với năm 2012. Ngay trong 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 203,8 triệu USD, giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013.

Từ cuối năm 2012 tới nay, thị trường xuất khẩu cá ngừ chính, như: Mỹ, Nhật Bản… liên tục giảm. Tại Nhật Bản, giá trị xuất khẩu những tháng đầu năm 2014 đã tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm những tháng tiếp theo, nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm vẫn giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện cả nước có khoảng 3.500 tàu khai thác cá ngừ, chiếm 14% số tàu cá xa bờ, với hơn 35.000 ngư dân tham gia. Trữ lượng khai thác khoảng 600.000 tấn/năm, trong đó cá ngừ vằn chiếm ưu thế, với khả năng khai thác khoảng 200.000 tấn/năm. Mặc dù trữ lượng cá ngừ rất lớn, nhưng chất lượng sản phẩm kém, giá trị còn thấp, chủ yếu là do Việt Nam lâu nay vẫn đánh bắt theo kiểu truyền thống khiến giá bán không được cao hoặc không xuất khẩu được qua các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, châu Âu… Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Việc khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ ở Việt Nam còn đang ở diện tự phát. Hiện nay, tình trạng mua xô, ép giá sản phẩm cá ngừ đã không khuyến khích và nâng cao trách nhiệm cho ngư dân trong việc bảo quản sản phẩm, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn cả về chất lượng cũng như giá trị. Nếu như từ năm 2011 trở về trước, cá ngừ câu vàng có giá 200.000 đồng/kg, nhưng từ năm 2012 đến nay chỉ còn 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỷ lệ cá ngừ tổn thất sau thu hoạch lại rất cao, từ 30-40% đối với nghề câu vàng và từ 60-70% với nghề câu tay.

Trong sản xuất cá ngừ chưa tạo được sự liên kết trong chuỗi, từ khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và chia sẻ lợi ích. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống hậu cần, dịch vụ, khuyến ngư còn thiếu...

Phải đổi mới công nghệ

Để tạo hướng đi tốt hơn cho ngư dân đánh bắt cá ngừ, cần đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới phương tiện đánh bắt. Địa phương cần hỗ trợ kinh phí cho ngư dân để mua sắm các thiết bị đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn. Trong đó, đầu tư tu sửa, nâng cấp hầm ướp cá, đồng thời hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ như đầu tư một số thiết bị đánh bắt mới của Nhật để bảo quản, xử lý cá ngừ sau khi câu được, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một chính sách ưu đãi lãi suất 5% dành cho ngư dân chuyển sang tàu vỏ sắt, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất và người dân phải trả lãi suất 3%. Tuy nhiên, niên hạn trả nợ vay (khoảng 10 năm), như vậy trung bình một năm ngư dân phải bỏ ra gần 1 tỷ cho các chi phí duy trì, bảo dưỡng tàu và trả nợ cho Chính phủ. Vì vậy, Nhà nước nên giãn niên hạn trả nợ cho ngư dân.

Từ nguồn vốn bố trí đầu tư cho hạ tầng ngành thủy sản, các tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cảng cá, chợ cá, kho lạnh chuyên dụng cho cá ngừ. Việc đầu tư cho hầm bảo quản, trong đó có hầm hạ nhiệt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sẽ làm cho chất lượng cá nâng cao, giá cá từ đó cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, cần tổ chức đào tạo, nâng cao nâng cao kỹ thuật và tay nghề cho ngư dân; nhân viên, lao động các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến. Đội ngũ cán bộ khoa học cần nghiêu cứu, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật đánh bắt, chế biến và bảo quản của Nhật để hướng dẫn lại cho bà con ngư dân, giúp họ có thể sử dụng phương tiện đánh cá hiện đại.

Nguồn:

http://baodientu.chinhphu.vn/thi-truong/chat-luong-ca-ngu-se-hut-nha-nhap-khau/204227.vgp

http://baotintuc.vn/kinh-te/san-xuat-ca-ngu-theo-chuoi-gia-tri-20140714223402998.htm