Từ khóa: thu hút, đầu tư, nông nghiệp, kinh tế trọng điểm, phía Nam

Summary

Foreign direct investment (FDI) is considered to be one of the important driving forces promoting the growth of the agricultural sector in the Southern Key Economic Region. By studying the situation of FDI investment in the agricultural sector in the Southern Key Economic Region in terms of quantity, scale and quality and the impact of these projects on the region's agricultural sector, the author proposes some solutions to more effectively attract FDI into agriculture in the coming time.

Keywords: attraction, investment, agriculture, key economy, the South

GIỚI THIỆU

Thời gian qua, vùng KTTĐ phía Nam là khu vực nhận nhiều FDI vào ngành nông nghiệp nhất trên cả nước. FDI không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân, mức lương được cải thiện, năng lực chuyên môn được nâng cao, mà còn “được đánh giá là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam. FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những tác động tích cực, tạo nguồn vốn, kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. FDI trong nông nghiệp giúp nền nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp” (Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt, Nguyễn Hoàng Việt, 2021).

Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI vào ngành nông nghiệp còn chưa xứng với tiềm năng của Vùng. Mặt khác, các dự án FDI trong Vùng chủ yếu là các dự án mở rộng từ các doanh nghiệp đã hiện hữu, hầu như rất ít dự án từ các nhà đầu tư mới. Vì thế, việc phân tích thực trạng thu hút FDI vào ngành nông nghiệp của Vùng, từ đó đề xuất những giải pháp trong thời gian tới là cần thiết.

CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Về số lượng và quy mô dự án FDI

Trong giai đoạn 2010-2021, vùng KTTĐ phía Nam luôn dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút FDI vào ngành nông nghiệp. Theo Cục đầu tư nước ngoài (2022), tính lũy kế các dự án FDI vào ngành nông nghiệp còn hiệu lực đến ngày 31/12/2022, vùng KTTĐ phía Nam có 284 dự án với tổng vốn là 2,27 tỷ USD, chiếm 39,01% về số lượng dự án và 47,35% về quy mô vốn FDI ngành nông nghiệp của cả nước.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu vốn FDI các ngành kinh tế, tỷ trọng vốn FDI vào ngành nông nghiệp của Vùng cao hơn so với mức bình quân của cả nước. FDI vào ngành nông nghiệp của Vùng chiếm tỷ trọng là 1,23%; trong khi cả nước là 1,14%. Không thể phủ nhận, mặc dù tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngành nông nghiệp vùng KTTĐ phía Nam còn khiêm tốn, nhưng vốn FDI đã thực sự là một nguồn quan trọng bổ sung vào nguồn vốn phát triển ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê (2023) cho thấy, năm 2021, cả nước có 11/15 dự án FDI thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thì cả 11 dự án đều thuộc vùng KTTĐ phía Nam. Tất cả các dự án này là dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI hiện hữu. Điều này cho thấy ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hiện hữu, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi còn tiềm năng.

Về chất lượng dự án FDI

Ngành nông nghiệp của Vùng đã thu hút được những doanh nghiệp FDI có quy mô vốn ngày càng lớn

Cục Đầu tư nước ngoài (2022) và tính toán của tác giả, quy mô vốn bình quân một dự án ngành nông nghiệp của Vùng đạt 9,52 triệu USD/dự án, mặc dù còn thấp so với các ngành kinh tế khác (quy mô trung bình khoảng 15 triệu USD/dự án), nhưng là cao nhất so với các dự án FDI trong ngành nông nghiệp của cả nước. Đặc biệt, đã có những dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chăn nuôi của Vùng với quy mô vốn bình quân vào khoảng 16-17 triệu USD/dự án, cùng với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy mô từng dự án ở mức trung bình, nhưng đáng kể về số lượng, là dấu hiệu cho thấy sự thành công của các doanh nghiệp khi hoạt động tại Vùng.

Ngành nông nghiệp của Vùng đã thu hút được những doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ cao

Ngành nông nghiệp của Vùng đã thu hút được những doanh nghiệp FDI có trình độ công nghệ cao, so với doanh nghiệp cùng ngành trong nước; chiếm khoảng 14% tổng các doanh nghiệp FDI chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, có các dự án từ các quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển, như: Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc.

Các doanh nghiệp FDI ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến về chọn lọc, lai tạo giống, công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong lĩnh vực trồng trọt và thuốc thú ý trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, có 4 doanh nghiệp về hạt giống hàng đầu thế giới, như: East-West Seed (Pháp), Syngenta (Thụy Sĩ), HM.CLAUSE (Pháp) và khu vực châu Á như Bioseed (Ấn Độ); 2 doanh nghiệp hàng đầu về thuốc thú (Vibrac và Promivi) và 1 doanh nghiệp về thuốc bảo vệ thực vật (Syngenta).

Đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản đã thu hút các doanh nghiệp FDI với công nghệ hiện đại, vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp xây dựng một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, trang trại chăn nuôi, công nghệ giết mổ và chế biến. Với quy trình khép kín, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải và cải tạo môi trường chăn nuôi. Lĩnh vực chăn nuôi có các doanh nghiệp nổi bật gồm: C.P, Japfa, New Hope, Emivest, De Hause, Thái Việt; đối với lĩnh vực thủy sản nổi bật là Simmy Food, C.P và Havico Công nghệ chế biến sâu nông sản; đối với chăn nuôi gia cầm là GRIMAUD (Pháp) sản xuất giống vịt.

Lĩnh vực trồng trọt bước đầu có một số doanh nghiệp sản xuất và chế biến rau, quả với công nghệ hiện đại từ Nhật Bản. Điển hình là Công ty Rrfarn Green Farm và Goodlife, sử dụng hệ thống ánh sáng nhân tạo trong môi trường vô trùng để trồng các loại rau màu, sử dụng các công nghệ cao để điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, lượng nước, các dung dịch dinh dưỡng cùng các chất khoáng cần thiết cho từng loại rau trồng thích hợp sử dụng công nghệ khép kín, cách ly tuyệt đối với các mầm bệnh; do đó, không sử dụng hóa chất và phân bón trong quá trình nuôi trồng. Cùng với đó là công nghệ xử lý nhiệt bằng hơi nước trong chế biến trái cây. Các doanh nghiệp cũng hoạt động theo mô hình chuỗi sản xuất - thu gom, đóng gói - xuất khẩu.

Tác động của FDI đến ngành nông nghiệp ở vùng KTTĐ phía Nam

Bổ sung nguồn vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp

FDI đã góp phần quan trọng vào bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm cho phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách dành cho nông nghiệp ngày càng hạn chế.

Trong những năm qua, khu vực FDI ngành nông nghiệp cũng đã góp phần tích cực trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của vùng KTTĐ phía Nam. FDI giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Vùng nói riêng và cả nước nói chung, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (2022), giai đoạn 2019-2022, vùng KTTĐ phía Nam có 119/218 dự án (chiếm 54,58%) chuyên sản xuất để xuất khẩu về quốc gia đầu tư và sang các nước thứ ba. Trong đó, có 108 dự án là dự án FDI thành lập mới và 11 dự án nhận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI theo các lĩnh vực của ngành nông nghiệp

vùng KTTĐ phía Nam năm 2022

TT

Lĩnh vực

Kim ngạch (USD)

Tỷ trọng (%)

1

Trồng trọt

111.637.082,59

18,39

2

Chăn nuôi

82.766.044,98

13,63

3

Lâm nghiệp

149.578.862,60

24,63

4

Thủy sản

263.214.949,42

43,35

Tổng

607.196.939,58

100,00

Nguồn: Tổng cục Hải quan (năm 2022) và tính toán của tác giả

Trong năm 2022, khu vực FDI đã xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 607.196.939,6 USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực thủy sản có tỷ trọng lớn nhất, đạt 263.214.949,42 USD, chiếm 43,35% tổng kim ngạch. Thấp nhất là lĩnh vực chăn nuôi với kim ngạch xuất khẩu đạt 82.766.044,98 USD, chiếm 13,63% (Bảng 1). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi là động vật sống (heo, bò); phế thải, phế liệu từ ngành công nghiệp thực phẩm; thức ăn gia súc đã chế biến; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng chim và trứng gia cầm; mật ong tự nhiên; thực phẩm gốc động vật. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt là hạt giống, trái cây, rau và một số loại củ, ngũ cốc, bột mì, cây sống, hoa cắt rời. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong lĩnh vực lâm nghiệp là gỗ và các mặt hàng bằng gỗ.

Bảng 2: Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp của khu vực FDI

vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2019-2022

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Thực trạng và giải pháp

Nguồn: Tổng cục Hải quan và tính toán của tác giả

Từ năm 2019-2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, giá trị xuất khẩu nông sản của khu vực FDI đạt lần lượt là 744,54 triệu USD và 838,021 triệu USD. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt bùng nổ trong năm 2021 tại vùng KTTĐ phía Nam nói riêng và cả nước nói chung đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 67,4% còn 273,16 triệu USD vào năm 2021. Sau đó, tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi kinh tế cả nước dần hồi phục sau đại dịch Covid-19, đạt 686,98 triệu USD năm 2022, tăng 151,5% so với năm 2021, mặc dù chưa bằng những năm trước đại dịch (Bảng 2).

Do số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu nông sản của các địa phương trong vùng KTTĐ phía Nam còn chưa đồng bộ, để đánh giá mức độ đóng góp của khu vực FDI trong kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn Vùng, tác giả so sánh dựa trên kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu theo báo cáo Hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương trong Vùng. Theo đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu của Vùng gồm có: thủy sản; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; cà phê, cao su, điều ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; và gạo ở 2 tỉnh: Tiền Giang và Long An. Ở khu vực FDI, các dự án sản xuất cà phê, cao su, điều có số lượng ít và không có dự án sản xuất gạo; do đó, tác giả quan sát 2 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp (gỗ và các sản phẩm từ gỗ) để phân tích, đánh giá. Đây cũng là 2 lĩnh vực có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất từ khu vực FDI ngành nông nghiệp. Kết quả cho thấy, nếu như không tính đến năm 2021, kinh tế - xã hội của Vùng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khu vực FDI chiếm gần 1/5 kim ngạch mặt hàng thủy sản của Vùng và chiếm khoảng 2,5% đối với nhóm hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Điều này có phần ngược lại so với thống kê chung của cả nước khi kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 40%-50% về nhóm hàng gỗ; còn thủy sản xuất khẩu chủ yếu được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam (Bảng 3).

Bảng 3: Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp của khu vực FDI so với tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2019-2021

Đơn vị: Ngàn USD

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: Thực trạng và giải pháp

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Hệ thống chỉ tiêu nông nghiệp các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam các năm 2019, 2020, 2021 và tính toán của tác giả

Như vậy, nhìn chung đối với ngành nông nghiệp, có thể thấy khu vực FDI giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Vùng, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực FDI còn khá khiêm tốn trong bức tranh chung của toàn Vùng.

Cần lưu ý, đóng góp của thu nhập từ xuất khẩu vào cán cân thanh toán có thể bị giảm đi do hàm lượng nhập khẩu trong sản xuất của các doanh nghiệp FDI, trong một số trường hợp, hàm lượng nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản phẩm xuất khẩu. Do đó, cần có các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, do thiếu dữ liệu về nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành nông nghiệp của Vùng, nên tác giả chưa phân tích đầy đủ ở khía cạnh này.

Tác động đến lao động và việc làm

Tạo việc làm cho người dân. Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2021 của Tổng cục Thống kê, khu vực FDI ngành nông nghiệp đã tạo việc làm cho 65.547 lao động.

Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI, trong đó có số lượng lớn các lao động thời vụ cũng như lao động khác trong khu vực nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp sản phẩm cho ngành chế biến thực phẩm (tiêu thụ trong nước và xuất khẩu), chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống cho người nông dân.

Cải thiện mức lương. Theo Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (từ năm 2015 đến năm 2020) và tính toán của tác giả, mức lương trung bình của lao động trong các doanh nghiệp FDI ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam luôn cao hơn mức lương trung bình của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, ngoại trừ năm 2016, mức lương trung bình của lao động trong các doanh nghiệp FDI ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam cũng cao hơn mức trung bình của khu vực có vốn FDI của cả nước.

Góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống trong nông nghiệp bằng các phương thức sản xuất mới với quy mô lớn hơn

Trong thời gian qua, khu vực FDI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng góp phần cải thiện tập quán canh tác, thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống bằng các phương thức sản xuất mới với quy mô lớn hơn, đặc biệt là thông qua các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Vùng. Trong lĩnh vực trồng trọt, doanh nghiệp FDI tập huấn cho người nông dân xây dựng và thực hiện quy trình Global GAP cho vùng nguyên liệu để cung cấp sản xuất đủ tiêu chuẩn cho nhà máy chế biến và đóng gói. Ngoài ra, doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật và quy trình gieo trồng hạt giống, cây giống đạt hiệu quả cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thông qua nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI, các nông hộ tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm, đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật thú y với thời hạn hợp đồng trung bình là 5 năm.

Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Việc hình thành các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, thu hút FDI vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản, hải sản và thực phẩm đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Việc hình thành các khu công nghiệp mới không chỉ tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động ở nông thôn, mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.

Đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, với sự gia tăng các dự án FDI trong lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao đã khiến cho chăn nuôi nông hộ kém khả năng cạnh tranh về vốn, công nghệ và giá thành, quy mô chăn nuôi nông hộ giảm. Theo Tổng cục Thống kê (2021), từ năm 2019 đến năm 2021, số nông hộ chăn nuôi lợn vùng KTTĐ phía Nam giảm 29,11%, từ 100.496 hộ còn 71.244 hộ. Tuy nhiên, tổng đàn lợn của Vùng đã tăng 15,61%, từ 4106,8 lên 4.748 ngàn con trong giai đoạn 2019-2021.

Góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận thị trường nước ngoài

Hiện nay, toàn Vùng có gần 90% doanh nghiệp FDI ngành nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản nhằm mục đích xuất khẩu. Điều này góp phần đáng kể vào việc giới thiệu nông sản của vùng nói riêng và của Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua các kênh phân phối của doanh nghiệp FDI, nâng cao kim ngạch xuất khẩu chung của ngành.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI bảo mật các kênh phân phối của mình, nên không thể kỳ vọng doanh nghiệp nội địa thông qua mối liên hệ liên doanh hoặc hợp tác có thể dễ dàng tiếp cận các kênh phân phối này. Dù vậy, khi nông sản của Vùng được thị trường quốc tế đón nhận và trở nên quen thuộc, ngoài việc góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu chung của ngành, còn giúp doanh nghiệp nội địa nắm bắt được thị hiếu của người tiêu nước ngoài, phân khúc thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp FDI đang phục vụ và hưởng lợi từ sự hiện diện của nông sản Việt Nam trên thế giới thông qua FDI. Từ đây là bàn đạp quan trọng góp phần giúp các doanh nghiệp nội địa tiếp cận thị trường quốc tế.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, xây dựng chiến lược dài hạn thu hút FDI vào ngành nông nghiệp

Vùng KTTĐ phía Nam cần dựa vào thế mạnh của Vùng, của từng địa phương trong Vùng và sự phối hợp theo liên kết dọc từ Trung ương đến địa phương và liên kết ngang giữa các địa phương trong Vùng để xây dựng chiến lược dài hạn thu hút FDI vào ngành nông nghiệp. Trong đó, cần xác định các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp cần chú trọng thu hút FDI, như: (1) Chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu và xuất khẩu; (2) Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; (3) Sản xuất thuốc thú y và bảo vệ thực vật; (4) Phát triển công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai

Rà soát quy hoạch sử dụng đất và đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các địa phương; thu hồi đất bỏ hoang để tập trung ruộng đất và sử dụng có hiệu quả ruộng đất. Chính quyền địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch trong khả năng cho các dự án đầu tư, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu.

Thành lập ngân hàng đất nông nghiệp nhằm tạo lập quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế.

Cần đẩy mạnh phát triển thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp dựa trên điều chỉnh của thị trường, sự tự nguyện của bên cung và bên cầu quyền sử dụng đất là hướng đi ổn định, lâu dài để tạo quỹ đất tập trung phục vụ các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, xây dựng tiêu chí thu hút dự án FDI ngành nông nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI nhưng có chọn lọc. Trong đó, khuyến khích đầu tư vào các ngành chế biến nông sản có giá trị gia tăng cao; ưu tiên chọn lọc nhà đầu tư về có cam kết chuyển giao công nghệ, có lộ trình nội địa hóa cụ thể, có khả năng liên kết với khu vực doanh nghiệp nội địa, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Tăng cường quy định về đầu tư có trách nhiệm của doanh nghiệp FDI, cân đối lợi ích, chia sẻ rủi ro, thúc đẩy bền vững với môi trường.

Thứ tư, cải thiện môi trường đầu tư

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và cho các doanh nghiệp FDI nói riêng.

Rà soát việc thực thi chính sách để không bị chồng chéo giữa văn bản ra sau với văn bản ra trước nhưng vẫn còn hiệu lực; đề xuất các kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để xây dựng và hoàn thiện chính sách đầu tư đồng bộ, thống nhất.

Đảm bảo tính minh bạch của hệ thống chính sách, như: thông tin về định hướng, quy hoạch phát triển và thu hút vốn FDI vào nông nghiệp của Vùng, kế hoạch sử dụng đất… để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận.

Thứ năm, phát triển hạ tầng và logistics ngành nông nghiệp của Vùng

Xây dựng chiến lược phát triển cụm ngành và logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp, dành ưu tiên cao về hạ tầng khi phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình thu hút FDI vào nông nghiệp nói riêng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung.

Đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng số để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án nông nghiệp trong kỷ nguyên số.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư

Các địa phương trong Vùng cần chủ động và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào ngành nông nghiệp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, thống nhất với nhau. Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về môi trường đầu tư, chủ trương và chính sách khuyến khích FDI.

Tìm hiểu được nhu cầu, mục đích tìm kiếm địa điểm đầu tư và bản thân ngành nông nghiệp của Vùng có những gì để thu hút nhà đầu tư.

Tư vấn thủ tục chính sách cho nhà đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ trong việc làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh. Trường hợp, dự án cần có ý kiến đánh giá của các bộ, ngành, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đẩy nhanh thời gian tiến hành các thủ tục làm cơ sở cho việc cấp phép đầu tư và kinh doanh.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết thắc mắc của nhà đầu tư giúp nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng tiếp cận và hoàn thành thủ tục đầu tư với các dự án.

Công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp của Vùng cần tập trung vào tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư theo chuyên ngành cũng như đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu đề xuất chính sách./.

ThS. Nguyễn Trần Yên Hạ - Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh

NCS. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp các vùng kinh tế và cả nước (lũy kế các dự án đến 31/12/2022.

2. Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt, Nguyễn Hoàng Việt (2021), Đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng ngành nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 287, 24-34.

3. Nguyễn Thị Thanh Tâm (2020), Giải pháp thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Khoa học -Trường Đại học Mở Hà Nội, 71, 6-10.

4. Tổng cục Hải quan (2022), Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp của khu vực FDI vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2019-2022.

5. Tổng cục Thống kê (2019), Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011-2017, Nxb Thống kê.

6. Tổng cục Thống kê (2015-2021), Kết quả điều tra doanh nghiệp các năm, từ năm 2015 đến năm 2021, Nxb Thống kê.

7. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám Thống kê 2021, Nxb Thống kê.

8. Tổng cục Thống kê (2023), Số dự án FDI cấp mới vào nông nghiệp của sáu vùng kinh tế và cả nước giai đoạn 2010-2023, Nxb Thống kê.