“Muôn hình vạn trạng” thủ đoạn buôn hàng lậu

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến hết tháng 10/2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý gần 169.000 vụ vi phạm (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2014), thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 10.120 tỷ 598 triệu đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014), khởi tố 1.066 vụ án hình sự.

Đặc biệt, nóng nhất vẫn là buôn lậu tại các cửa khẩu, nhất là cửa khẩu lớn, như: Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Bước vào tháng 11/2015, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã phát hiện, xử lý 55 vụ hàng hóa nhập lậu; bắt giữ 27 vụ, 29 đối tượng vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo từ bên kia biên giới qua địa bàn. Chi cục Hải quan Tân Thanh đã phát hiện, xử lý 8 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.

Theo các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu những tháng cuối năm có diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường tập trung vào các mặt hàng với lợi nhuận cao, như: thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, bánh, kẹo, bia, nước giải khát, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra, còn có các mặt hàng tiêu dùng, như: đường, sữa, mỹ phẩm; nhóm ngành hàng vật tư nông nghiệp, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng...

Thực tế cho thấy, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn vận chuyển hàng hóa trái phép, như: chèn hàng lậu vào vách dưới gầm xe, thiết kế thùng hai đáy để giấu các loại hàng hóa ở đáy dưới, sau đó để hàng chính ngạch lên trên; hợp lý hóa hồ sơ bằng nhiều hóa đơn giá trị gia tăng, vận chuyển hàng trái phép… Vì vậy lực lượng chức năng rất khó phát hiện và phải có sự hỗ trợ đắc lực từ mạng lưới thông tin cơ sở mới tìm ra đầu mối và xử lý triệt để.

Dẫn lời ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội trên Báo An ninh thủ đô cho biết, hiện nay thị trường hàng lậu, hàng giả đã xuất hiện hiện tượng “nội địa hóa” bằng phương thức nhập lậu linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước bằng nhiều đường khác nhau, cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt là với các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, có thương hiệu sẽ được các đối tượng buôn lậu đặt hàng y hệt từ Trung Quốc rồi nhập khẩu vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã xuất hiện những đối tượng đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để đưa vào tiêu thụ trong nước, như: bánh kẹo Trung Quốc nhưng ghi sản xuất tại Hà Nội, bóng đèn Trung Quốc ghi là bóng đèn Rạng Đông…

“Trường kỳ” trong cuộc chiến hàng lậu

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, dù đã thu được một số kết quả đáng chú ý, tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại chưa tạo được những chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Để đối phó với nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, mới đây, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục triển khai, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết nguyên đán Bính Thân 2016.

Đặc biệt, việc triển khai đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban chỉ đạo 389 tại các bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp nhận thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại phản ánh những tiêu cực, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng đã đem lại những hiệu quả ban đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không thể không nhắc đến vai trò của người dân trong “cuộc chiến” này. Theo đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trả lời báo giới, ông Phạm Bá Dục (Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội) cho biết, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng cũng đang gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng lậu. Vì vậy, để chống hàng lậu, ông Dục cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên nâng cao nhận thức để biết được những hàng hoá như thế nào là đảm bảo chất lượng, không nên có tâm lý sử dụng hàng hoá có tên tuổi nhưng giá rẻ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng lậu, đồng thời tuyên truyền đến người tiêu dùng về vấn đề này./.

Tham khảo từ các nguồn

http://www.vietnamplus.vn/phu-phep-gan-30-tan-hang-lau-chuan-bi-dua-ra-thi-truong-tieu-thu/358229.vnp

http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/hang-lau-bat-dau-nong/646007.antd

http://doanhnghiepvathuonghieu.vn/buon-lau-vang-ngoai-te-se-nong-dip-cuoi-nam-15207.html