Năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý vi phạm, thu nộp ngân sách 501 tỷ đồng
Báo cáo tổng kết năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, lực lượng quản lý thị tường đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Nhờ đó, lực lượng quản lý thị trường đã thu nộp ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).
Qua hoạt động kiểm tra, kết quả xử lý vi phạm nêu trên, kết hợp với công tác tuyên truyền, truyền thông cho thấy, trong năm 2023, hiện tượng bày bán công khai hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã giảm; ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể kinh doanh đã được nâng cao.
Kết quả này không chỉ có sự phối hợp theo ngành dọc, mà còn có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang” - giữa các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Biên phòng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai khá tốt nhiều đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước; đặc biệt đã duy trì tốt việc giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu (từ doanh nghiệp đầu mối thương nhân phân phối đến hơn 17.000 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc), kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn khá phổ biến.
Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước, nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường, kể cả trên môi trường điện tử và truyền thống. Kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đi vào tính bản chất; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt; sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất ở cấp cơ sở) còn lớn; công chức vi phạm quy định của Ngành (thậm chí vi phạm quy định pháp luật) còn nhiều; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng nhũng nhiễu (thậm chí có dấu hiệu bảo kê) của một số cán bộ ở cấp cơ sở trong lực lượng khi thi hành công vụ vẫn còn thể hiện đâu đó…
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn |
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn sẽ dẫn tới hệ lụy là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn.
Trong khi đó, kinh tế nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ (vừa qua, hầu hết địa phương mới quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt, không đủ sức răn đe, chưa đi vào nội dung có tính bản chất).
Tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh... Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông (trên tất cả các kênh) nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội với lực lượng quản lý thị trường; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng./.
Bình luận