Như vậy, sau thời gian áp thuế tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ nay tới hết tháng 03/2020.

Cụ thể, mặt hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Mức thuế suất nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng một năm, từ 22/03/2017 đến 21/03/2018. Mức thuế này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/03/2020 trở đi, thuế suất sẽ là 0%.

Đối với mặt hàng thép dài, thuế tự vệ chính thức năm đầu tiên sẽ là 15,4% kể từ ngày 2/8/2016.

Từ 22/03/2017 đến 21/03/2018 mức thuế giảm về 13,9%; các năm tiếp theo thuế suất lần lượt là 12,4% và 10,9%.

Nếu cơ quan quản lý không gia hạn thì mức thuế suất sẽ giảm về 0% từ 22/03/2020 trở đi.

Cơ sở để áp dụng biện pháp tự vệ được Bộ Công Thương viện dẫn là khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu đã tăng mạnh cả về mặt tuyệt đối và tương đối trong thời gian gần đây. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất 2 mặt hàng này trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường.

“Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước, như giảm thị phần, công suất, doanh thu, lợi nhuận, tăng tồn kho… Cùng với đó, sự dư thừa công suất cũng như sản lượng thực tế kết hợp với lượng tồn kho lớn của các sản phẩm thép Trung Quốc được xem là “những diễn biến khó lường” và là nguyên nhân gây gia tăng đột biến lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam”, Bộ Công Thương đánh giá.

Cơ quan này cũng cho hay, sau khi biện pháp tự vệ chính thức có hiệu lực, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thu thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế.

Có thể nói, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp tự vệ nói riêng luôn mang lại tác động 2 chiều: có lợi cho ngành sản xuất hàng hóa bị áp thuế và cho các ngành sản xuất thượng nguồn của hàng hóa đó; bất lợi cho ngành sản xuất hạ nguồn hoặc cho người tiêu dùng cuối cùng.

Cả 2 hướng tác động này đều đã được luật pháp quốc tế (các quy định của WTO) và pháp luật Việt Nam tính đến dựa trên một số nguyên tắc. Trong đó, coi trọng việc thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước; đồng thời, có biện pháp để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu; Coi trọng sự ổn định của sản xuất và việc làm trong trung hạn và dài hạn, không vì những lợi ích ngắn hạn, trước mắt mà để xảy ra tình trạng đình đốn sản xuất, thậm chí phá sản.

Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vừa được Bộ Công Thương đưa ra

Trước đó, ngày 25/12/2015, theo yêu cầu của 4 doanh nghiệp sản xuất, bao gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý thực thi nghĩa vụ quy định tại Pháp lệnh Tự vệ số 42/2002, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài.

Sản phẩm bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép (dùng để sản xuất thép) và thép dài (bao gồm thép thanh, thép que và thép dây) với các mã HS như sau trong Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; và 9811.00.00.

Ngày 07/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Theo quy định của pháp luật, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Ngày 05/05/2016, Cơ quan điều tra đã tổ chức Phiên tham vấn công khai với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và cơ quan quản lý khác./.