Sáng ngày 18/7, ngành tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) và thống nhất kế hoạch triển khai nhiệm vụ từ nay tới hết năm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Cả nước có tới 20 địa phương thu đạt dưới 50% kế hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu dầu thô đạt 82,4% dự toán, tăng 25,3%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,9% dự toán, tăng 6,9%; thu nội địa đạt 47,6% dự toán, tăng 15,5% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,8% dự toán, tăng 12,9%).

Dù nhận định kết quả thu 6 tháng là tích cực, song Bộ Tài chính vẫn lo ngại về tiến độ thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng đạt thấp so yêu cầu dự toán (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 43,7% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,7% dự toán; tiến độ thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có khá hơn, nhưng cũng mới đạt 47,8% dự toán).

Trong tổng thu NSNN nêu trên, thu ngân sách trung ương ước đạt 46,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 41,5%); thu ngân sách địa phương đạt 54% dự toán. Riêng về thu nội địa, cả nước có 43 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, 20 địa phương thu dưới 50% dự toán, cá biệt một số địa phương thu nội địa - không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết - đạt thấp, dưới 40% dự toán.

Tổng chi NSNN ước đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán. Công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị.

Đánh giá cao kết quả đạt được của ngành tài chính, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rủi ro trong thu ngân sách khi hiện có tới 20 địa phương thu đạt dưới 50% kế hoạch, trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt xấp xỉ 50% (tuy số thu tuyệt đối cao hơn) là những địa phương trọng điểm thu ngân sách.

Yêu cầu thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính phải tăng cường quản lý thu hơn nữa, xây dựng một đề án chống thất thu, chống xói mòn cơ sở thuế nhất là đối với khu vực phi chính thức, bằng các giải pháp đẩy mạnh thực hiện hoá đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giảm bớt việc thu thuế khoán.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thành lập ngay Tổ rà soát, kiểm tra công tác thu của 20 tỉnh đang thu dưới 50% dự toán, làm rõ trách nhiệm của địa phương, Trung ương, không để tới cuối năm các địa phương này hụt thu thì Trung ương phải bù ngân sách hay việc sử dụng nguồn của tỉnh thu ngân sách nhiều hơn bù cho tỉnh thu ngân sách thiếu.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa các luật thuế, trong đó có thuế tài sản phù hợp với tình hình của Việt Nam theo đúng tinh thần cải cách thuế và đúng bản chất chính sách thuế là giảm mức thu thuế mà vẫn tăng được mức đóng góp.

“Áp dụng các biện pháp để năm nay vượt thu ngân sách ít nhất 5% dự toán của Quốc hội giao theo yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh với ngành tài chính, các địa phương.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, kiểm soát nợ công

Về chi ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương chi, nhất là chi thường xuyên như khánh tiết, mua sắm ô tô, đi nước ngoài...

Bên cạnh đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cần phải thúc đẩy hơn nữa, đồng thời Bộ Tài chính tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, kịp thời điều chuyển các nguồn vốn, địa chỉ sử dụng vốn, bám sát hơn việc xây dựng dự án Luật sửa đổi Đầu tư công để trình Chính phủ và Quốc hội vào cuối năm.

Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các tỉnh, thành phố để xây dựng tốt hơn dự toán thu chi ngân sách năm 2019, khắc phục tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu còn ngân sách địa phương tăng thu và bảo đảm mức thu sát với tình hình của từng địa phương.
Trên cơ sở chỉ tiêu thu chi ngân sách được giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị ngành tài chính quyết tâm giữ được bội chi và kiểm soát nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.

Về kế hoạch tài chính trung hạn và đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành sớm sơ kết 3 năm thực hiện, tham mưu cho Thủ tướng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kịp thời, nhất là tiêu chí sử dụng 10% dự phòng đầu tư công trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng tới bội chi ngân sách và trần nợ công.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính sớm có giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán, đánh giá đúng thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm của thị trường chứng khoán phái sinh. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận, làm giá, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Bộ Tài chính sớm triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo quyết định của Thủ tướng để giảm chi phí giao dịch cho các nhà đầu tư.

Về cổ phần hoá DNNN, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính có phương án thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60 của Quốc hội về giám sát tối cao trong lĩnh vực này, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong cổ phần hoá, bảo đảm tiến độ và hiệu quả bán vốn Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, bắt đầu từ việc dùng số vượt thu ngân sách của năm 2018 để phục vụ cho cải cách lương từ năm 2021./.