Theo Quyết định này, có 4 bộ và cơ quan ngang bộ được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Cùng được giao vốn lần này có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thành phố Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) giao các bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) được giao thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 4) cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/10/2018.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáng 24/9 với các địa phương lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bản thân và Bộ Kế hoạch cũng chịu nhiều áp lực, sức ép từ cấp có thẩm quyền và nhận được nhiều câu hỏi "vì sao giao vốn chậm, giao nhiều lần, vốn giao rồi không giải ngân được"...

Số liệu của Bộ Kế hoạch cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn trong nước 48,63%, vốn nước ngoài hơn 27%.

Lý giải chuyện giao vốn chậm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, nguyên nhân phần lớn do các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành đủ thủ tục theo quy định của luật, nên không thể giao được vốn. Còn giải ngân vốn chậm cũng do khâu thực hiện chưa trơn tru, điển hình là thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, còn nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...

Bộ trưởng đã đề nghị các địa phương tập trung gỡ khó, ách tắc, chỉ ra điểm nào ách tắc, cái nào thuộc Luật Đầu tư, cái nào do Nghị định, do tổ chức thực hiện địa phương... phải phân định rõ. Với kế hoạch đầu tư vốn năm 2018 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết trong năm nay, trưởng ngành kế hoạch đề nghị các bộ, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chuyển cho dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn.

"Nhiều công đoạn nếu không quyết liệt, mỗi thứ chậm một chút thì không thể khắc phục được thực trạng hiện nay là dồn toa giải ngân vào cuối năm", Bộ trưởng nói./.