Chỉ số T&D của Standard and Poor’s

Năm 2001, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard and Poor’s (S&P) lần đầu tiên đưa ra một cách thức xếp hạng tính minh bạch và công bố thông tin (Transparency and Disclosure - T&D) cho hơn 300 công ty lớn ở các thị trường đang phát triển. S&P đánh giá tính minh bạch của công ty dựa trên các báo cáo tài chính thường niên bằng 98 câu hỏi được chia thành 3 nhóm:

Một là, 28 câu hỏi câu hỏi liên quan đến minh bạch thông tin về cấu trúc sở hữu và quyền của nhà đầu tư. Cụ thể, các câu hỏi đề cập đến vấn đề minh bạch trong quyền sở hữu, mức độ tập trung quyền sở hữu, quy trình biểu quyết và họp cổ đông.

Hai là, 35 câu hỏi liên quan đến minh bạch thông tin tài chính và tình hình kinh doanh. Những câu hỏi này tập trung vào vấn đề mục tiêu kinh doanh, xem xét chính sách kế toán, chi tiết chính sách kế toán và thông tin đối với kiểm toán viên.

Ba là, 35 câu hỏi liên quan đến minh bạch thông tin về cơ cấu và hoạt động quản trị của hội đồng quản trị và ban giám đốc, bao gồm các câu hỏi liên quan đến cấu trúc của ban giám đốc, vai trò của ban giám đốc, đào tạo và khen thưởng giám đốc, phương pháp đánh giá nhà quản trị…

Việc xếp hạng chỉ số T&D của S&P đối với TTCK Mỹ còn căn cứ vào cả các báo cáo gửi cơ quan nhà nước như mẫu báo cáo 10-K, báo cáo gửi tới các cổ đông do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) yêu cầu. Các công ty được điều tra trả lời các câu hỏi dưới dạng “Yes/No” và được xếp hạng trên thang điểm 10. Xếp hạng chung là tỷ lệ giữa số lượng các yếu tố mà công ty đạt được trên tổng số 98 tiêu chí đã đặt ra.

Bên cạnh nhiều ưu điểm trong việc xếp hạng của S&P bấy lâu nay, thì nghiên cứu của Churchwell (2003) và Schnackenberg (2003) đều đưa ra nhận định rằng, xếp hạng T&D của S&P chỉ đánh giá được mức độ công bố thông tin của các công ty mà không thể xem xét được chất lượng thông tin đi kèm với những công bố này. Điều này dẫn đến việc đo lường tính minh bạch thông tin của các công ty có thể có sai sót. Bên cạnh đó, về nguồn thông tin sử dụng để đánh giá, việc chỉ căn cứ vào các báo cáo chính công bố thông tin ra đại chúng, mà bỏ qua một số các loại thông tin khác về công ty cũng là thiếu sót của phương pháp này. Ví dụ, S&P không sử dụng các nguồn thông tin trên website của công ty để đưa ra xếp hạng.

Chỉ số GTI của Singapore

Tại Singapore, từ năm 2009, các chỉ số minh bạch thông tin công ty (CTI) được thay thế bằng Chỉ số quản trị và minh bạch thông tin (Governance and Transparency Index - GTI). Nhóm các chỉ số này được tờ Business Times, Trung tâm quản trị công ty (CGIO), các học viện và các tổ chức thuộc Trường Kinh doanh - Đại học Quốc gia Singapore phối hợp cùng xây dựng. Bên cạnh đó, còn có sự tài trợ của CPA Australia và sự hỗ trợ của Hiệp hội Đầu tư và Quản lý Singapore.

Chỉ số này được chia thành 2 nhóm chính: quản trị công ty và minh bạch thông tin với số điểm đánh giá cao nhất cho mỗi nhóm lần lượt là 75 và 25. Các điểm cơ bản đánh giá công ty dựa trên:

- Vấn đề về hội đồng quản trị và ban giám đốc (Điểm cao nhất = 35 điểm)

- Vấn đề về chính sách lương thưởng (Điểm cao nhất = 20 điểm)

- Vấn đề về kế toán và kiểm toán (Điểm cao nhất = 20 điểm)

- Vấn đề về minh bạch và mối quan hệ với nhà đầu tư (Điểm cao nhất = 25 điểm)

Bên cạnh đó, các điểm điều chỉnh bao gồm: đánh giá “chế độ đãi ngộ và hệ thống thưởng phạt”; trong đó, các công ty có thể được cộng thêm điểm hoặc bị trừ điểm trên tổng điểm GTI.

Để đánh giá được tổng điểm GTI của các công ty niêm yết trên TTCK Singapore, các nguồn thông tin sơ cấp được sử dụng, như: các báo cáo thường niên của năm trước đó, các thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGXNet) hoặc website của công ty.

Điểm nổi bật của phương pháp này là trên website của báo Business Times, Trung tâm Quản trị doanh nghiệp và Báo cáo tài chính Singapore (CGFR) và CPA Australia có cung cấp các hình thức mẫu để các công ty có thể điền thông tin và tự đánh giá điểm GTI của mình. Sau đó, các công ty có thể gửi bản tự đánh giá này cho CGFR hoặc CPA Australia chi nhánh tại Singapore và họ sẽ đưa ra những nhận xét giúp cho công ty có thể cải thiện được chỉ số này. Đây thực sự là điểm mới so với các phương pháp đánh giá minh bạch thông tin khác, bởi nó cho phép các công ty có thể chủ động hơn trong việc cải thiện niềm tin đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, GTI là chỉ số tổng hợp đánh giá cả tình hình quản trị công ty và minh bạch thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK Singapore, mà chưa có chỉ số đánh giá riêng tính minh bạch thông tin của các công ty niêm yết. Chỉ số này vẫn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa về mặt nội dung, như: chú trọng hơn đến vấn đề công bố chính sách mua - bán cổ phiếu của công ty, thâm niên của giám đốc độc lập, công bố thông tin về việc bầu lại CEO hay công bố các thông tin về rủi ro phi tài chính…

Chỉ số IDTRS tại TTCK Đài Loan

Năm 2003, Viện nghiên cứu Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (Securities and Futures Institute - SFI) dưới sự chỉ đạo của Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan (TWSE) và Sàn Giao dịch chứng khoán phi tập trung (GTSM) đã công bố Hệ thống xếp hạng mức độ công bố và minh bạch hóa thông tin, viết tắt là IDTRS (Information Disclosure and Transparency Ranking System) để đo lường mức độ minh bạch hóa thông tin của tất cả các công ty niêm yết trên TTCK Đài Loan.

SFI đã thành lập một Ủy ban Đo lường mức độ minh bạch hóa thông tin (Information Disclosure Evaluation Committee - IDE) để xây dựng hệ thống chỉ số IDTRS. Tất cả các công ty niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán TWSE và GTSM đều được chấm điểm, chỉ loại trừ một số công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Các công ty được đánh giá dựa trên một hệ thống các tiêu chí về công bố thông tin. Năm 2003, khi bắt đầu tiến hành đánh giá, bộ tiêu chí này gồm 62 câu hỏi, năm 2004 là 88 câu hỏi và đến năm 2012 đã tăng lên 113 câu hỏi. Bộ tiêu chí gồm 5 nội dung chính, cụ thể:

Nội dung 1 - tuân thủ công bố thông tin bắt buộc: Bao gồm các câu hỏi liên quan đến việc tuân thủ quy trình công bố thông tin cho các công ty niêm yết, về tổ chức họp báo, báo cáo thông tin quản lý, thông báo thay đổi về giao dịch cổ phiếu nội bộ, mua sắm thanh lý tài sản, kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính…

Nội dung 2 - thời hạn báo cáo: Gồm các câu hỏi liên quan đến việc công bố thông tin đúng thời hạn các báo cáo tài chính năm, quý, các báo cáo thường niên; lãi - lỗ từ việc đầu tư vào Trung Quốc lục địa hay các chi nhánh nước ngoài khác; về ban giám đốc, ban kiểm soát trong doanh nghiệp; về cổ phiếu quỹ…

Nội dung 3 - công bố thông tin về dự báo tài chính: Gồm các câu hỏi, như: công ty có tự nguyện thông tin về dự báo tài chính hay không? Công bố các yếu tố có thể làm thay đổi kết quả sản xuất, kinh doanh thực tế so với kế hoạch không? Có cập nhật thông tin dự báo theo đúng quy định không?...

Nội dung 4 - công bố thông tin trong các báo cáo thường niên nhằm đánh giá tính minh bạch về tình hình tài chính, khả năng hoạt động, chất lượng nhân viên, cơ cấu hội đồng quản trị và cơ cấu sở hữu.

Nội dung 5 - công bố về website hoạt động: Gồm các câu hỏi đánh giá các thông tin trên website về tính dễ dàng tiếp cận thông tin; về tính kịp thời của thông tin và các câu hỏi khác. Cụ thể như: Website có cho biết quy trình mua bán, thanh lý tài sản cố định? Mối quan hệ với nhà đầu tư? Có cung cấp ghi âm hoặc video cuộc họp đại hội đồng cổ đông? Có công bố thành phần ban giám đốc, bộ máy kiểm soát nội bộ và chức năng nhiệm vụ của họ?

Nghiên cứu “Ảnh hưởng của hệ thống xếp hạng công bố và minh bạch thông tin đến các nhà đầu tư tại Đài Loan” của Huang, Chang, Fu (2007) đã khẳng định, những ảnh hưởng nhất định của chỉ số IDTRS. Cụ thể, nghiên cứu đưa ra những bằng chứng cho thấy, tầm quan trọng của việc ban hành chỉ số IDTRS trong việc góp phần cải thiện tình trạng minh bạch thông tin trên thị trường. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo lập và giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư, cũng như cảnh báo sớm những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Về nội dung chỉ số:

Thứ nhất, chỉ số minh bạch thông tin đối với các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam cũng cần được xây dựng dựa trên tính đầy đủ của nội dung thông tin cần minh bạch trên thị trường, bao gồm cả thông tin bắt buộc, thong tin điều tra khảo sát và thông tin tự nguyện. Các nội dung cơ bản đó là minh bạch thông tin về cơ cấu sở hữu, hội đồng quản trị, quyền và nghĩa vụ của cổ đông; hoạt động tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ với hội đồng quản trị và ban điều hành…

Thứ hai, chỉ số minh bạch thông tin phải đáp ứng được các tiêu chí khác của minh bạch thông tin bên cạnh tính đầy đủ, như: tính kịp thời, chính xác, dễ dàng tiếp cận… Vì vậy, các câu hỏi phải được thiết kế để có thể đánh giá được các tiêu chí trên và có thể kiểm tra, đánh giá được.

Thứ ba, tỷ trọng nhóm thông tin về tài chính và hội đồng quản trị, ban giám đốc cần được xây dựng cao hơn các nhóm thông tin khác.

Về phương pháp xây dựng chỉ số:

Việc xây dựng chỉ số dựa trên câu hỏi không chỉ bao gồm cả các câu hỏi có/không, mà nên có các phương án khác để phân biệt mức độ minh bạch thông tin của từng nội dung của chỉ số (như: thực hiện đúng quy định, thực hiện tốt…). Đồng thời, đối với các nội dung chưa thực hiện, có thể trừ điểm của công ty niêm yết.

Về cách thức triển khai:

Một là, nguồn thông tin được sử dụng để đánh giá mức độ minh bạch hóa thông tin cần đảm bảo tính chính xác, toàn diện của chỉ số. Các nguồn thông tin chính sẽ là báo cáo thường niên của doanh nghiệp, báo cáo tài chính năm, quý, website, quy chế công ty, biên bản họp hội đồng thường niên... Tuy nhiên, nếu tập hợp thông tin từ các nguồn này sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian, do vậy, có thể áp dụng kinh nghiệm của Mỹ trong xây dựng mẫu báo cáo chung cho các công ty niêm yết gửi tới các cổ đông. Mẫu này có thể do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng dựa trên những tiêu chí đánh giá tình hình minh bạch hóa thông tin.

Ngoài ra, cũng có thể áp dụng kinh nghiệm của Đài Loan trong việc phối hợp giữa các sàn giao dịch chứng khoán xây dựng một website cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá.

Hai là, đánh giá việc thực hiện chấm điểm của từng công ty nên thực hiện bởi một ủy ban độc lập, bao gồm: các thành viên độc lập từ các tổ chức uy tín, như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán và các hiệp hội chứng khoán, hiệp hội kiểm toán…

Ba là, quy trình chấm điểm nên chia làm 2 bước: (1) Doanh nghiệp có thể tự nguyện và định kỳ tính điểm của mình; (2) Ủy ban đánh giá thực hiện dựa trên việc ghi nhận từng tiêu chí để đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Bốn là, nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng, cũng như lợi ích của việc công bố thông tin minh bạch, đầy đủ, cần có các biện pháp khuyến khích hợp lý, như: trao giải thưởng, chứng chỉ hàng năm vinh danh các công ty có chỉ số minh bạch hóa thông tin cao. Các doanh nghiệp có thể tự chấm điểm mức độ minh bạch hóa thông tin của mình dựa trên form mẫu được công bố và tìm được những giải pháp nhằm tăng cường tính minh bạch, tính dự báo và góp phần nâng cao, hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro.

Năm là, quy trình đánh giá cũng nên công bố rộng rãi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nắm rõ. Qua đó, một mặt, nâng cao hiệu quả hoạt động tại doanh nghiệp. Mặt khác, nhà đầu tư sẽ có một kênh thông tin hữu ích, tổng hợp và dễ dàng so sánh hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Sáu là, việc xây dựng chỉ số minh bạch hóa thông tin đối với TTCK Việt Nam đã tròn 15 năm đã là quá muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không! Đây là bộ chỉ số rất cần thiết không chỉ đối với các nhà đầu tư mà còn đối với cả quản lý nhà nước. Việc triển khai thực hiện cần sự phối hợp cả về tài chính, cũng như kỹ thuật của các cơ quan ban, ngành, như: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, các hiệp hội nhà đầu tư... Ngoài ra, cũng cần sự phối hợp của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích mà chỉ số minh bạch hóa thông tin mang lại./.

Tài liệu tham khảo

1. Business School, National University of Singapore (2011). Governance&Transparency Index, access tohttp://bschool.nus.edu/Portals/0/images/CGFRC/docs/GTIMethodology_11July2011.pdf

2. Churchwell. C. (2003). Corporate Transparency Improves for Foreign Firms in US Markets,Harvard Business School Working Knowledge Series, access to www.hbswk.hbs.edu/item/3489.html

3. Schnackenberg, A. (2003). Measuring transparency: toward a greater understanding of systemic transparence and accountability, Weatherhead School of Management, Case Western Reserve University

4. Securities and Futures Institute (SFI) (2004 - 2012). Information Transparency and Disclosure Ranking Results in Taiwan (from 2003 to 2012), access to www.sfi.org.tw/top/Ranking_System/2011RankingResults.pdf‎

5. S&P (2002). Transparency and Disclosure: Overview of Methodology and Study Results—United States, access to www.repository.binus.ac.id/content/F0024/F002455955.pdf

6. Su-Hui Huang, Fu-Hsing Chang, Chung-Jen Fu (2007). Impact of Information Disclosure and Transparency Rankings System (IDTRS) on Investors in Taiwan, International Research Journal of Applied Finance

TS. Nguyễn Thúy Anh, ThS. Trần Thị Phương Thảo, ThS. Bùi Thu Hiền

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 14/2013