Điều này được nêu tại báo cáo mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đầu tư đường bộ của vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều vấn đề

Giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2019 của Vùng đạt 38,59%

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thực hiện giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2019 của Vùng đạt 38,59%, cao hơn bình quân chung cả nước (36,16%).

Số vốn kế hoạch 2019 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 46.075,366 tỷ đồng. Trong đó: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 30.921,619 tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình là 15.153 tỷ đồng.

Số vốn kế hoạch 2019 của Vùng đã được Thủ tướng Chính phủ giao so với số vốn đã được Quốc hội thông qua (47.037,138 tỷ đồng) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo tại Văn bản 7446/BKHĐT-TH đạt tỷ lệ 97,7%. Số vốn ngân sách trung ương còn lại chưa giao là 961,772 tỷ đồng.

Trong đó, số vốn chưa giao đối với các dự án chưa phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh theo văn bản 102/UBTVQH14-TCNS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 173,396 tỷ đồng của tỉnh Cà Mau.

Số vốn chưa giao đối với các dự án có ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước do phải điều chỉnh mục tiêu, đối tượng của Chương trình mục tiêu phát triển KTXH vùng là 164,463 tỷ đồng của 06 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành đánh giá Chương trình và xây dựng Báo cáo đề xuất điều chỉnh Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh Chương trình làm cơ sở tiếp tục giao các dự án nêu trên.

Số vốn ngoài nước ODA chưa giao 486,481 tỷ đồng gồm 5 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong Vùng không có địa phương nào có mức giải ngân đạt 50% kế hoạch đã giao.

Cụ thể, có 07 địa phương có mức giải ngân thấp dưới 40% kế hoạch đã giao, gồm: Tiền Giang (38,16%), Vĩnh Long (34,34%), Cần Thơ (31,29%), Đồng Tháp (26,74%), Cà Mau (26,8 %).

Các địa phương còn lại có mức giải ngân từ 40% đến 50%.

6 nguyên nhân khiến vùng giải ngân thấp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 6 nguyên nhân chính khiến giải ngân chưa đạt so với kế hoạch đã đề ra.

Thứ nhất, công các bồi thường hỗ trợ và tái định cư còn vướng mắc, chủ yếu người dân bị ảnh hưởng bởi dự án còn khiếu nại về giá đất và chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Thứ hai, nhiều địa phương chưa phân cấp triệt để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã (Chương trình Mục tiêu Quốc gia nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững).

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 6 Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG thì “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã và hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã”.

Thực tế, tại nhiều địa phương, hàng năm HĐND cấp tỉnh vẫn thông qua kế hoạch vốn đầu tư từng dự án, công trình của từng xã, dẫn tới chậm giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2019.

Một số địa phương năm 2019 chưa chuẩn bị kịp kế hoạch chi tiết vốn chương trình mục tiêu quốc gia trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2018 nên phải tổ chức họp bất thường hoặc chờ tới kỳ họp đầu năm 2019 mới báo cáo HĐND tỉnh thông qua.

Ngoài ra, đa số công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia được huy động từ nhiều nguồn vốn (trung ương - tỉnh - huyện - xã - dân đóng góp) nên nhiều công trình gặp khó khăn khi huy động sự tham gia của người dân.

Các công trình này thường có quy mô đầu tư nhỏ nên không giải ngân từng phần mà dồn vào cuối năm.

Một số địa phương áp dụng hỗ trợ sau đầu tư nên việc nghiệm thu để giải ngân hỗ trợ chỉ thực hiện sau khi công trình hoàn thành (không giải ngân theo hạng mục). Do đó tiến độ giải ngân đầu năm đạt thấp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thứ ba, nhiều dự án đầu tư nguồn vốn ODA kế hoạch 2019 gặp vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn ODA, thuế nhập khẩu, kiểm soát chi tại Kho bạc nhà nước, thủ tục ghi thu - ghi chi với Bộ Tài chính, thực hiện kế hoạch đấu thầu mua sắm tập trung.

Ngoài ra, các nguyên nhân chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu và đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ cũng làm giải ngân chậm đối với vốn ODA.

Thứ tư, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm do một số địa phương đang tập trung giải ngân số vốn được phép kéo dài thủ tục từ năm 2018. Cụ thể, 6 địa phương là: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp.

Thứ năm, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện quy định về phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư trước 31/10 áp dụng đối với kế hoạch 2019. Khoản 3, Điều 1 Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ quy định “Đối với vốn chuẩn bị đầu tư hoặc dự án chuẩn bị đầu tư phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền quyết định đến ngày 31 tháng 10 của năm trước năm kế hoạch”.

Do thời gian ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP (giữa tháng 9/2018) sát với thời hạn phê quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư, dự toán (31/10/2018) nên một số địa phương không kịp triển khai thực hiện trong kế hoạch 2019, đặc biệt các dự án chuẩn bị đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Thứ sáu, một số chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các thủ tục đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ bản; chậm trễ trong công tác chuẩn bị hồ sơ mời thầu, đấu thầu; chưa sâu sát, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công kịp thời; chậm triển khai các thủ tục và các vấn đề liên quan đến công tác giải ngân của các dự án; tâm lý được kéo dài thời gian thực hiện giải ngân trong 2 năm, một số nhà thầu năng lực hạn chế, chưa tập trung thi công ngay sau khi trúng thầu.

3 giải pháp cần thực hiện

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương:

Một là, khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết đối với kế hoạch vốn năm 2019 mới được giao đợt 2.

Hai là, rà soát kết quả giải ngân chi tiết của từng dự án đến hết tháng 7 năm 2019 để có những chỉ đạo quyết liệt, cắt giảm vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ và có nhu cầu bổ sung vốn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 179/TB-VPCP ngày 08/5/2019 và văn bản số 6480/VPCP-KTTH ngày 22/7/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Ba là, đối với kế hoạch vốn của các CTMTQG: Khẩn trương phân bổ chi tiết đối với số vốn chưa phân bổ của các dự án. Thực hiện các Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc chỉ đạo từ nguồn 10% vốn dự phòng CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các dự án khởi công mới được thực hiện theo cơ chế đặc thù không phải thực hiện quy định có quyết định phê duyệt dự án trước ngày 31/10/2018.

Dự kiến đến hết năm 2019 thực hiện giải ngân vốn trung ương giao để đầu tư xây dựng cơ bản của toàn Vùng đạt tỷ lệ 95%. Một số tỉnh có tỷ lệ ước giải ngân đạt thấp như Bến Tre 85%, Trà Vinh 91%, Đồng Tháp 86%, nên đề nghị UBND 03 tỉnh nêu trên tập trung chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân hết số vốn đã được giao trong kế hoạch 2019 đảm bảo các công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ./.