Bởi lẽ, năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng lên tới hơn 100%, dẫn dến thiếu thanh khoản. Nay tình hình này đã cải thiện được, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 - 96%, tuy nhiên là chưa chắc chắn. Trong khi đó, thông lệ quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 30 - 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng.

“Trong số hơn 100 tổ chức tín dụng thì có đến 50 tổ chức tín dụng thường xuyên (hàng ngày) có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động, dẫn đến lãi suất bị đẩy lên cao” - Thống đốc Bình nói.

Bênh cạnh đó, lạm phát luôn rình rập tăng trở lại cũng gây áp lực lên lãi suất. Chính vì thế, lãi suất vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, song thời gian tới sẽ có giải pháp giảm lãi suất thêm nữa, trong đó có việc phải kiểm soát được lạm phát.

Nhấn mạnh rằng, đã lường trước được tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng Thống đốc cũng thẳng thắn rằng, trước đây Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng quá dễ dãi và hậu quả phải trả là nợ xấu tăng cao như hiện nay và rủi ro nhiều ngân hàng phải đổ vỡ.

Chính vì thế, Thống đốc khẳng định, không nhất thiết tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là phải “chảy” trực tiếp vào các doanh nghiệp.

Để làm rõ vấn đề này, Thống đốc Bình cho hay, sau rất nhiều năm phát hành trái phiếu không thành công năm nay đã phát hành thành công với khối lượng lớn. Riêng hệ thống ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh phát hành, tương đương với khoảng 6-7% của tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu mới nhất đến ngày 30/6/2012 của NHNN, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là khoảng 3,36%, từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ đạt được 5%.

Vì thế, “nếu xét cả 2 góc độ này, hệ thống NH đầu tư cho nền kinh tế khoảng 5% từ tăng trưởng tín dụng và 5% từ đầu tư gián tiếp thông qua trái phiếu và tổng cộng vẫn đạt xấp xỉ 10%”, người đứng đầu ngân hàng cho biết.

Phương Anh