Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả là một trong những giải pháp đuợc đề ra trong Nghị quyết 01/NQ – CP. Kết quả thực hiện trong nửa năm qua ra sao và đặt ra những vấn đề gì?

Về thu ngân sách, biểu hiện truớc hết là tổng thu so với GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 27,6%. Đó là một tỷ lệ cao so với định huớng (25%), một mặt do công tác hành thu đã bám sát dự toán đuợc duyệt, bám sát yêu cầu chi ngân sách; mặt khác có một phần do quy mô GDP tính theo giá thực tế trong 6 tháng đầu năm nay không tăng cao như cùng kỳ năm truớc cũng như khi lập dự toán của năm nay. GDP tính theo giá thực tế tăng thấp, do hai yếu tố.

Yếu tố thứ nhất, do tốc độ tăng GDP theo giá so sánh 6 tháng năm nay tăng thấp hơn cùng kỳ hai năm trước (của năm 2012 tăng 4,38%, trong khi của năm 2011 tăng 5,63%, của năm 2010 tăng 6,18% ).

Yếu tố thứ hai, do giá thực tế 6 tháng năm nay tăng thấp hơn (giá tiêu dùng bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm truớc tăng 12,2% so với 16,03% ; giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp – thuỷ sản tăng 14,03% so với 27,57%; giá bán sản phẩm của người sản xuất công nghiệp tăng 13,41% so với 16,71%; giá xuất khẩu tăng 0,48% so với 13,6%), các thông tin trên đặt ra vấn đề là cần phải làm cho “chiếc bánh” GDP to ra hơn nữa thì tỷ lệ phân chia giữa doanh nghiệp, nguời lao động và Nhà nước về giá trị tuyệt đối sẽ nhiều hơn, mặc dù tỷ lệ thu ngân sách/GDP vẫn đảm bảo theo định hướng.

Do vậy tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho thị truờng cần phải được thực hiện với liều lượng cao hơn (tập trung vào giảm, hoãn thuế VAT để giảm giá, giảm tồn kho, giảm nợ xấu, hạ lãi suất vay, giảm lãi suất vay cũ), khẩn cấp hơn, để vừa tăng trưởng kinh tế, vừa tăng hiệu quả, trên cơ sở đó tăng thu ngân sách.

Một biểu hiện khác là công tác quản lý thu ngân sách nhà nước có chuyển biến tích cực hơn. Việc chống thất thu, thu hồi số tiền nợ trong thuế, nhất là khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên, hàng hoá nhập khẩu, chuyển giá được tăng cường một bước. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho nguời dân được đẩy mạnh và đa dạng hoá về hình thức. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc kê khai nộp thuế được tăng cường. Công tác kiểm tra, thanh tra thuế được đẩy mạnh. Đây là một trong những “dư địa” cần được sử dụng và cũng lý giải một trong những yếu tố quan trọng để thu ngân sách trong hàng chục năm qua đều vượt xa so với dự đoán, tăng khá cao so với năm trước và tỷ lệ tổng thu ngân sách so với GDP đều ở mức cao. Cụ thể :

Năm 2006 tăng 22,4% và đạt 28,7% cao hơn tỷ lệ 27,2% của năm 2005;Năm 2007 tăng 13% và đạt 27,6 %;Năm 2008 tăng 31,9% và đạt 28,1%;Năm 2009 tăng 6,1% và đạt 26,7%;Năm 2010 tăng 26,4% và đạt 28,2%;Năm 2011 ước tăng 20,6% và ước đạt 26,6%;Sáu tháng 2012 ước giảm 1,7% và ước đạt 27,6%;

Như vậy, trong điều kiện thu ngân sách của năm nay gặp khó khăn hơn các năm trước, nên vấn đề chống thất thu càng đặt ra một cách quyết liệt hơn, để bù cho việc giảm thu ngân sách do tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, do một số khoản thu lớn từ xuất nhập khẩu, từ đất đai bị giảm sút ...

Tuy nhiên, thất thu từ các nguồn thu về đất đai, về khai thác tài nguyên khoáng sản, từ khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, do gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế còn khá phổ biến. Nợ đọng thuế còn lớn và tăng mạnh (tính đến cuối tháng 4 đã lên đến trên 41 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11 nghìn tỷ đồng ). Nói cách khác, có 3 vấn đề đặt ra cho vấn đề thu ngân sách hiện nay, đó là tăng trưởng kinh tế (trước hết là ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng); hiệu quả của đầu tư, sản xuất kinh doanh để tăng giá trị gia tăng, tăng GDP; chống thất thu, nợ đọng.

Chi bám sát thu

Về chi ngân sách, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ so với dự toán cả năm của chi ngân sách thấp hơn của thu ngân sách (45,8% so với 46,7%). Điều đó chứng tỏ việc chi ngân sách đã bám sát tiến độ thực hiện thu ngân sách, bám sát dự toán đã được duyệt và bám sát nhu cầu chi. Tỷ lệ thực hiện so với dự toán của chi ngân sách năm nay cũng thuộc loại thấp so với nhiều năm trước. Điều đó chứng tỏ việc phối hợp chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát. Đến khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì Nghị quyết 13/NQ – CP đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, thể hiện tính chủ động trong điều kiện thu ngân sách đạt thấp so với dự toán năm, giảm so với cùng kỳ năm trước. Một kết quả tích cực là tỷ lệ so với dự toán của khoản chi trả nợ, viện trợ đạt cao hơn tỷ lệ của tổng chi (50,7% so với 45,8%) và tăng so với cùng kỳ năm trước (8,1%). Đây là một cố gắng để bảo đảm trả nợ các khoản vay nước ngoài đến hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

Việc quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, bảo đảm nợ trong giới hạn an toàn, giảm thiểu nghĩa vụ nợ, được tăng cường một bước. Một kết quả tích cực khác là đã bảo đảm kinh phí để thực hiện việc tăng lương tối thiểu, thực hiện chính sách xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia.

Để kiềm chế lạm phát, tỷ lệ chi đầu tư phát triển so với dự toán năm đạt thấp hơn tỷ lệ của tổng chi (45,2% so với 45,8%) và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước cũng thấp hơn (0,8% so với 12%). Gần đây, khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thì Chính phủ đã cho tạm ứng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ của năm sau cho những công trình, dự án phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh cấp bách và những công trình dự án có thể hoàn thành trong năm 2012.

Không thể lơ là chuyện “tay hòm chìa khóa”

Tuy nhiên, hiện có một số vấn đề đặt ra trong chi ngân sách. So với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu giảm 1,7%, thì tổng chi lại tăng 12%. Tiến độ này làm cho bội chi ngân sách cả năm 2012 có thể không cao hơn so với dự toán (do tỷ lệ so với dự toán của tổng chi thấp hơn của tổng thu), nhưng sẽ tăng cao so với năm trước. Mục tiêu bội chi ngân sách/GDP của năm nay là dưới 4,8%, nhưng nếu quy mô bội chi tăng cao, trong khi GDP lại tăng thấp hơn mục tiêu, thì khả năng bội chi/GDP thực tế sẽ cao hơn mục tiêu. Đây là cảnh báo đáng chú ý. Trong chi ngân sách, tình trạng lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả vẫn còn xảy ra một cách phổ biến, tinh vi.

Để thực hiện mục tiêu kiềm chế bội chi/GDP ở dưới mức 4,8%, để giải quyết xử lý những vấn đề đặt ra về ngân sách, cần phải có những giải pháp tác động đến các bộ phận cấu thành của các công thức bội chi/GDP; bội chi = tổng thu – tổng chi....

Trước hết là chiếc bánh GDP phải to ra, bởi thu ngân sách là một phần của GDP. Muốn chiếc bánh GDP to ra thì phải giải quyết hai điểm nghẽn lớn nhất là nợ xấu và tồn kho, để bảo đảm tính thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế. Nền kinh tế nếu tính thanh khoản thấp sẽ sinh ra trì trệ, mà khắc phục sự trì trệ khó hơn, tốn kém kinh phí, tốn kém thời gian hơn.

Cùng với việc làm cho chiếc bánh GDP to ra, phải tăng hiệu quả của nền kinh tế trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, bao gồm chi phí nguyên nhiên vật liệu, điện , nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước... Trong các chi phí hiện nay, có hai khoản đang chiếm tỷ trọng lớn và vượt quá so với các nước, đó là lãi trả tiền vay ngân hàng và chi phí thuê văn phòng, nhà xưởng, cửa hàng...

Công tác hành thu một mặt phải thực hiện các biện pháp cắt giảm, hoãn theo Nghị quyết 13/NQ – CP; mặt khác phải thực hiện quyết liệt, phối hợp đồng bộ hơn, để chống thất thoát, nợ đọng thuế. Đây là dư địa để tăng thu trong điều kiện hiện nay.

Phải chấp hành nghiêm kỷ luật ngân sách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp...

chinhphu.vn