Bên cạnh đó, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức “B+” lên mức “BB-”. Mức tín nhiệm này được cho là ổn định và thể hiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định và điều này sẽ là yếu tố tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Theo Fitch, tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên mức BB- là do: Việt Nam đã duy trì ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan, trung bình khoảng 5,6% trong 3 năm so với mức trung bình 3,7% của hạng ‘BB’. Lạm phát tính đến tháng 10/2014 là 3,2%, giảm so với mức trung bình 6,6% năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác.

Cùng với đó, cán cân thanh toán của Việt Nam đã được cải thiện và được dự báo đạt khoảng 4,1% năm 2014. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) duy trì ổn định với mức trung bình 4,5% so với GDP giai đoạn 2011-2013 đã đóng góp vào thặng dư cán cân thanh toán và tăng lượng tích lũy dự trữ ngoại hối. Nợ nước ngoài ròng (net external debt) chiếm 14% GDP thấp hơn một chút so với mức trung bình khoảng 16% của các quốc gia xếp loại "BB" khác.

Trước đó, ngày 29/7/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã ra nâng mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định. Đồng thời, Moody’s cũng đưa mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam được nâng từ mức B1 lên mức Ba2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.

Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng thấp thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng cao.