Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong quý II/2020, tín dụng khoảng 4,2-4,3%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều giải pháp đồng bộ để tăng dư nợ tín dụng

Riêng trong tháng 9, tăng từ 4,3% đến 6,1%, tức là tăng khoảng 1,8%. Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhất là các tháng quý I, tín dụng tăng rất chậm, quý II có nhanh hơn một chút, nhưng vẫn trong khó khăn chung của dịch bệnh tác động đến nhiều lĩnh vực.

Trong tháng 9 đã cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thanh toán vốn của các doanh nghiệp và các hộ nông dân, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, dịch vụ… chiếm 63% trong tổng số dư nợ hiện nay.

“Như vậy, chúng ta đánh giá rằng, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch nhưng các doanh nghiệp có những chuyển biến rất tích cực và linh hoạt tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở khoản nợ cũ, thì đã được giãn thời gian, hoãn hoặc cơ cấu lại”, Phó Thống đốc cho biết.

Thời gian sắp tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong điều kiện kiểm soát tốt dịch như hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp tích cực như hiện nay, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9% là khả thi.

Để đạt điều đó, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức cho vay với lãi suất thấp hơn dành cho các doanh nghiệp.

Bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã giảm chi phí và tăng hỗ trợ các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, vấn đề hỗ trợ thông qua các khoản lãi xuất và khoản cho vay cũ cũng như các khoản vay mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt hơn.

“Vì vậy, tôi cho rằng, việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp”, Phó Thống đốc trao đổi.

Tháng 10/2020, sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 23

Về định danh của người sử dụng dịch vụ thanh toán, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước hết phải nói những trường hợp báo chí đưa ra có thể là những trường hợp mang tính chất lừa đảo hoặc có sự sơ hở của một số ngân hàng thương mại, nên một số đối tượng có được thông tin của khách hàng và lợi dụng để vi phạm.

“Những trường hợp như vậy khi phát hiện, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xử lý cũng như các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh vi phạm”, Phó Thống đốc cho biết.

Trong việc xác định, cũng như tạo điều kiện cho định danh khách hàng trong sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng dịch vụ thẻ, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và xây dựng dự thảo và xin ý kiến của các bộ, ngành về Thông tư thay thế Thông tư 23 ban hành từ 2014.

“Sẽ cố gắng ban hành sớm trong tháng 10/2020. Tại dự thảo, chúng tôi sẽ kết hợp với cơ quan công an để sử dụng thông tin được lưu trữ trong dữ liệu công dân, và quan trọng nhất là trao quyền cũng như trách nhiệm cho các tổ chức cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán; xác định, đảm bảo được giải pháp về mặt công nghệ, đảm bảo an toàn cho việc định danh của những người tham gia sử dụng những dịch vụ này”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cung cấp thêm thông tin.

Hành lang pháp lý về trung gian thanh toán vẫn cần được hoàn thiện

Phó Thống đốc cho biết, hiện nay, có 37 tổ chức trung gian thanh toán, không phải là ngân hàng, cũng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ là ví điện tử.

Để đảm bảo tính bảo mật an ninh trong thanh toán, Phó Thống đốc cho biết, Nghị định 101 quy định rất rõ, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin riêng liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng phải tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn cũng như bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn bảo mật cho việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên internet.

Thông tư 39 và Thông tư 18, Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn rất rõ trách nhiệm của các đơn vị trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán này.

Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát và xây dựng các hành lang pháp lý chặt chẽ và an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay, vì đây là vấn đề thời gian qua người dân rất quan tâm và cũng rất nhiều trường hợp đã lợi dụng ứng dụng công nghệ để thực hiện sai phạm có tính chất lừa đảo trên mạng.

“Đối với các tổ chức tín dụng, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cũng như chỉ ra những hình thức có thể dễ bị lợi dụng để cảnh báo các đơn vị này. Trong thời gian qua, mặc dù có rất nhiều tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán này, nhưng cùng các tổ chức kết nối, họ đã có sự phối hợp rất tích cực. Mặc dù vậy, hành lang pháp lý hiện nay vẫn cần tiếp tục phải được hoàn thiện”, Phó Thống đốc lý giải./.