Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt trong khoảng 13% - 14%. Dự báo này dựa trên các phân tích về khả năng kinh tế sẽ phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắc xin ngừa Covid-19 thành công, qua đó tạo cú hích cho nền kinh tế dần phục hồi vào nửa cuối năm 2021. Từ phía thương mại quốc tế, khả năng sản xuất và tiêu dùng đã và đang có thể khôi phục, nên sẽ giúp cho cầu của thị trường tín dụng trong nước gia tăng. Ngoài ra, nhu cầu vay nợ có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.

Liên quan đến nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý trong năm nay, các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản vay cũ, khoản vay trung và dài hạn… Việc mở rộng tín dụng phải trên cơ sở an toàn, có hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tập trung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao...

Thống đốc còn yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tổng giám đốc, giám đốc các tổ chức tín dụng phải chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

Những chỉ đạo nói trên là đúng đắn cả về tính chiến lược và tính thời điểm. Nếu các tổ chức tín dụng làm tốt tinh thần chỉ đạo này, thì doanh nghiệp và người dân sẽ càng có điều kiện tập trung tiền gửi thanh toán và sử dụng các giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng, cũng đồng nghĩa với việc tăng nguồn vốn giá rẻ cho hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Nhờ đó các tổ chức này sẽ phát triển bền vững hơn, lợi nhuận cũng sẽ gia tăng ngay cả khi giảm lãi suất cho vay đầu ra. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự xã hội sẽ tốt hơn, các hoạt động tín dụng theo kiểu xã hội đen sẽ giảm mạnh và kinh tế - xã hội sẽ phát triển nhanh, bền vững.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, đồng thời với duy trì mặt bằng lãi suất, chính sách tiền tệ nới lỏng, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện cơ chế “cùng đứng trong cuộc với con nợ” để xem xét tại chỗ việc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước Covid-19, cùng với những quyết định rải vốn dần theo năng lực hấp thụ gắn với các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế.

Cùng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi khả quan vào nửa cuối năm 2021. Năm qua, chính sách tiền tệ đã thực thi hầu hết các nhiệm vụ nặng nề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ cơ chế điều hành chính sách tiền tệ năm 2020 cho đến hết năm 2021 trước khi có thể tăng trở lại lãi suất cơ bản 0,25% vào đầu năm 2022, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 4,25% vào giữa năm 2022.

Tóm lại, trong năm 2020, một lượng không nhỏ tiền gửi ngân hàng đã chuyển sang các khu vực khác của thị trường tài chính, như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán... Hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế phải hoạt động dưới mức công suất so với trước dịch bệnh ngay cả khi hấp thụ vốn trong điều kiện được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và ngành Ngân hàng, do thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bị co lại bởi chịu tác động bất lợi từ bối cảnh toàn cầu và sức tàn phá của đại dịch Covid-19. Mặc dù điều kiện khó khăn, nhưng hầu hết các tổ chức tín dụng đã có nhiều hoạt động chia sẻ với khách hàng không chỉ thông qua giảm mạnh lãi suất, mà cả bằng cơ chế “cùng đứng trong cuộc với chủ nợ” với tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là vai trò đầu tàu của 4 tổ chức tín dụng có vốn lớn của Nhà nước như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, để cùng chia sẻ khó khăn chung với nền kinh tế. Nhờ đó đã đưa tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 11% trong năm 2020.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với hướng chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng./.