Kỳ vọng tiền ngoại sẽ đón xu hướng nâng hạng từ cuối năm 2021

Tháng 3/2021, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FTSE xét thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng, tức là chưa có sự tiến bộ so với kỳ xem xét trước đó, tuy nhiên, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt lạc quan về triển vọng Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 tại kỳ đánh giá nâng hạng năm 2022. Theo ước tính của BVSC, trong trường hợp Việt Nam được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền lên tới 1,4 tỷ USD đến từ các quỹ tracking theo hoặc benchmarking theo chỉ số FTSE Global All-Cap, FTSE All-World và FTSE Emerging Markets. Ngoài các quỹ tracking hoặc benchmarking theo 3 chỉ số trên, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ các quỹ được lập ra để tracking theo các chỉ số chỉ riêng về Việt Nam như FTSE Vietnam Index hoặc FTSE Vietnam 30 Index, do việc được nâng hạng là một tín hiệu khá là tích cực về sự cải thiện chất lượng thị trường.

Một cách khác để quan sát sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại với TTCK Việt Nam là theo dõi số tài khoản khối này mở mới hoặc hủy bớt. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong quý I/2021, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 1.317 nhà đầu tư nước ngoài (82 tổ chức và 1.235 cá nhân). Trong khi đó, VSD ghi nhận có 14 nhà đầu tư nước ngoài, gồm 10 tổ chức và 04 cá nhân hủy mã số giao dịch. Số lượng mã số giao dịch chứng khoán hiện tại là 37.442 mã (4.892 tổ chức và 32.550 cá nhân).

Trong bức tranh chung toàn thị trường, dòng tiền từ nhà đầu tư nội tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam. Quý I năm nay có gần 258.000 tài khoản chứng khoán được mở mới. Riêng tháng 3 có hơn 113.000 tài khoản mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước, gấp đôi tháng trước. Đây cũng kỷ lục tính theo từng tháng trong lịch sử hơn 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Quan sát của BVSC cho biết, thông thường trong khoảng ít nhất 9 tháng thị trường chứng khoán một quốc gia được FTSE công bố chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán quốc gia đó thường sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đóng đầu xu hướng nâng hạng, và các chỉ số thường có đà tăng điểm là ấn tượng. Với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ được FTSE nâng hạng trong 2 kỳ đánh của năm 2022, kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện dòng tiền ngoại đón đầu xu hướng này chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ nửa cuối năm 2021.

GDP năm 2021 có thể tăng 6,5-7%

BVSC dự báo GDP trong năm 2021 sẽ tăng trưởng từ 6,5% đến 7%, nhưng sẽ đặc biệt tăng mạnh trong quý II năm nay, do quý II/2020 rất nhiều hoạt động kinh tế đã bị đình trệ vì Covid-19.

Cho quý III và quý IV năm nay, BVSC dự báo, tăng trưởng GDP có thể quanh 7%. Động lực tăng trưởng trong các quý tiếp theo của năm tiếp tục đến từ những ngành chủ lực và các ngành chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi và dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Để góp sức cho nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước vừa có cuộc họp, thống nhất việc sẽ tiếp tục khơi thông dòng chảy tín dụng, bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Một trong những giải pháp được dư luận đánh giá cao là việc Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ban hành Thông tư số 03 ngày 3/4/2021, hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí… nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Ngay sau khi văn bản này ban hành, Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT đã ra báo cáo đánh giá Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại.

Thông tư 03 không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh mà còn giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. VNDIRECT kỳ vọng chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng, theo đó, đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.

Khi doanh nghiệp phục hồi hiệu quả kinh doanh, TTCK sẽ vững

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam miễn nhiễm tốt với đại dịch, kỳ vọng tăng trưởng GDP đi cùng với nỗ lực tại rất nhiều doanh nghiệp lớn trong việc gọi vốn mới, mở rộng đầu tư, nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong thời gian tới. Chẳng hạn, doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là Vingroup vừa thông báo phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trước đó, doanh nghiệp này phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu nội địa (lãi suất 9,7%), nhằm gọi vốn mới cho đầu tư phát triển.

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết khác như Ngân hàng TMCP Quân Đội, Tập đoàn An Phát, Tập đoàn Hapaco… đều lên kế hoạch gọi vốn để thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nếu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trôi trảy trong năm Covid-19 bị đẩy lùi, kỳ vọng trung và dài hạn doanh nghiệp tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư là khả thi.

Trong tương quan định giá cổ phiếu với các thị trường quốc tế, BVSC cho biết, hiện tại, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) của VN-Index đã ở cao hơn mức trung bình 5 năm và ở mức 19,11 lần. Mức này thấp thứ 4 trong số 13 thị trường được so sánh. Trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE lại ở mức cao nhất trong số các thị trường được BVSC theo dõi. “Điều này cho thấy, nhìn chung, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao, các mã cổ phiếu nằm trong rổ chứng khoán VN-Index đang được giao dịch tại vùng giá hấp dẫn khi so sánh tương quan với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực và quốc tế”, BVSC chia sẻ.

Lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế tạo nên sự lạc quan về triển vọng TTCK. Tuy nhiên, cũng phải nhìn rõ những rủi ro nhà đầu tư phải đối mặt khi đẩy giá cả cổ phiếu tốt và cổ phiếu yếu trên sàn. Cùng với đó, lời khuyên của nhiều nhà đầu tư lão luyện là nên hạn chế tối đa dung tiền vay mua cổ phiếu, bởi lãi suất vay margin có thể làm bào mòn hết lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư. Nếu dùng tiền thật để đầu tư thì nhà đầu tư có thể kiên nhẫn chờ đợi doanh nghiệp khỏe lên, nền kinh tế khỏe lên để hưởng lãi. Trong mong đợi này, cần ý thức rất rõ về chi phí vốn, bởi thực tế, lãi suất trên thị trường có giảm, nhưng chỉ giảm ở đầu huy động. Còn lãi suất cho vay ra nền kinh tế vẫn ở mức cao, nhất là khi quan sát doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng vừa phải đi vay qua trái phiếu với lãi suất 9,7%./.