Bất ngờ tăng

Trong hai tháng đầu năm 2015, thị trường ngoại hối ghi nhận sự ổn định. Điển hình là trong tháng 2, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được duy trì ở mức 21.458 VND/USD, trong khi đó tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại đều phổ biến dưới mức này, dao động trong khoảng từ 21.355 - 21.385 VND/USD. Đây là nguyên nhân của việc ngoại tệ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, việc duy trì lạm phát ở mức thấp kết hợp với việc FED nhiều khả năng sẽ chưa sớm nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2015, làm giảm áp lực mất giá của đồng VND.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2015 đã đưa ra nhận định “thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá được kỳ vọng sẽ không điều chỉnh trong 6 tháng đầu năm 2015”.

Tuy nhiên, đi ngược lại với dự báo, từ đầu tháng 3 đến nay, tỷ giá USD/VND bất ngờ tăng ở cả ngoài thị trường chợ đen và ngân hàng. Trong đó, riêng ngày 16/3, các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá USD trên biểu niêm yết.

Đáng chú ý là có thời điểm tăng tới 100 VND qua một ngày , cũng là biến động đáng chú ý nhất kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh hồi đầu tháng 1/2015. Chốt ngày giao dịch, mức 21.500 VND giá bán ra đã áp phổ biến, một số thành viên đã đẩy lên 21.520 - 21.550 VND, cao nhất 21.580 VND có tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Không dừng ở đó, trong tháng 4/2015, tỷ giá tiếp tục tăng, có lúc lên đến 21.800 VND/USD tại thị trường tự do và hiện vẫn neo ở mức sát trần cho phép trên thị trường chính thức. Lúc này xuất hiện những đồn đoán - áp lực về yếu tố khách quan bên ngoài: đồng USD lên giá mạnh trên thị trường thế giới.

Có nên điều chỉnh tỷ giá?

Với việc tăng bất ngờ của tỷ giá trong tháng 3 và tháng 4, thì việc nên hay không nên Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá để hướng tới mục tiêu cuối năm 2015, đạt mức 2% đã được nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia kinh tế.

Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) tại Hội thảo “Chính sách tỷ giá của Việt Nam giai đoạn hiện nay”, thì việc các cơ quan nhà nước theo đuổi mục tiêu tỷ giá tăng không quá 2%/năm khi kết thúc năm 2015 là định hướng hoàn toàn đúng đắn, bởi nếu xét trong dài hạn, một quốc gia không thể giàu lên nếu chỉ nhờ vào việc in tiền và phá giá đồng nội tệ. “Khi tỷ giá tăng 1%, xuất khẩu chỉ tăng thêm 0,15% trong cùng năm đó. Tuy nhiên, sau khoảng 2 năm, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 1,13%/năm, do tăng tỷ giá khiến lợi nhuận của các hoạt động xuất khẩu gia tăng và khuyến khích các nguồn lực chuyển từ khu vực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước sang khu vực sản xuất phục vụ xuất khẩu” ông Độ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nên để tỷ giá thay đổi với tần suất nhiều lần hơn, thay vì như hiện nay. Bởi, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh giúp tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, giữ cho hoạt động của doanh nghiệp được ổn định, giữ gánh nặng nợ quốc gia, giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh cũng gây ra không ít bất lợi. Song ông cũng cho rằng, không nên neo tỷ giá vào một ngoại tệ duy nhất là USD. Nên có công thức neo tỷ giá theo rổ ngoại tệ chủ chốt. Mặt khác, nên tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm. Tỷ giá nên được điều chỉnh thường xuyên hơn song mỗi lần với biên độ điều chỉnh nhỏ để tránh gây sốc thị trường”-

Quan điểm của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nếu không điều chỉnh tỷ giá, với tình trạng USD tăng giá trên thị trường thế giới, nhưng giá trị VND so với USD vẫn được giữ tương đối cao như hiện nay chắc chắn sẽ bất lợi cho xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu xuất hàng đi để nhận vào một lượng USD, nếu đổi ra tiền VND sẽ được một khoản thấp hơn so với khi điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, về mặt nhập khẩu lại có lợi. Người nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD hay bằng ngoại tệ khác và họ phải mua ngoại tệ bằng VND, khi tỷ giá USD so với các đồng tiền khác cao lên họ sẽ phải sử dụng lượng VND lớn hơn, còn nếu không điều chỉnh tỷ giá thì họ sẽ có lợi.

“Như vậy, khi không điều chỉnh tỷ giá thì bên nhập khẩu sẽ có lợi và không tác động đến lạm phát, còn nếu điều chỉnh thì dĩ nhiên nhập khẩu bất lợi, từ đó giá thành hàng nhập khẩu cũng như hàng sản xuất sẽ tăng và có thể tác động tiêu cực lên lạm phát”. Ông Hiếu nói thêm

Có thể thấy rằng, việc tuyên bố mức điều chỉnh “cứng” của tỷ giá trong năm 2015 có tác dụng tốt về mặt tâm lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng thời thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng. Song, diễn biến tỷ giá trên thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh sẽ đẩy Ngân hàng Nhà nước vào thế khó xử. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu điều chỉnh tỷ giá tối đa 2% trong năm 2015./.