Cầu Ghềnh bị sập đã cắt đứt lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam

Vào hồi 11h50’ ngày 20/3 đã xảy ra vụ một xà lan chạy trên sông Đồng Nai đâm vào trụ cầu Ghềnh tại lý trình Km 1699+860 tuyến đường sắt Bắc-Nam khiến cầu bị sập 2 nhịp, cắt đứt lưu thông trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Vụ việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đường sắt.

Đến chiều ngày 21/3, Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi họp bàn với các ban ngành trung ương và tỉnh Đồng Nai về phương án trục vớt và khắc phục tai nạn tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh.

Về phương án trục vớt đoạn cầu bị sập, Cục đường thủy nội địa đề nghị tỉnh Đồng Nai giải tỏa hành lang phía sông Cái (nhánh sông Đồng Nai) để thông tuyến chạy tàu. Hiện có hai công ty trình bày phương án trục vớt, cắt nhỏ từng khối và phương án cắt toàn bộ, cẩu đưa vào bờ.

Về phương án khắc phục sự cố, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề xuất 3 phương án: (i) Cải tạo, sửa chữa 110 m đoạn cầu cũ, cho lưu thông tạm. Phương án này phụ thuộc vào kết quả kiểm định trụ T2 và T3 (mất 20 ngày); (ii) Xây mới hai trụ và ba nhịp cầu. Nếu thực hiện phương án này sẽ triển khai ngay sản xuất thép; (iii) Khôi phục nguyên hiện trạng, có cải tạo.

Tối cùng ngày, sau khi hội ý, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chọn phương án 2: xây mới hai trụ và ba nhịp cầu. Ngày 15/7 sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Để đáp ứng tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh) Km1699+860 tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh theo lệnh khẩn cấp.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định đầu tư, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án nêu trên và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc bố trí 298,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) để thực hiện đầu tư công trình.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.

“Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và sử dụng số vốn được cấp theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư”, Thủ tướng chỉ đạo./.