Theo đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần tăng lần lượt 0,08%/năm và 0,09%/năm lên mức 0,46%/năm, 0,55%/năm; kỳ hạn 01 tháng lãi suất giảm nhẹ từ mức 0,02%/năm xuống mức 1,65%/năm.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động Việt Nam đồng của các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã được điều chỉnh giảm khoảng 0,3-0,5%/năm.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động Việt Nam đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Đối với các giao dịch đô la Mỹ, lãi suất bình quân liên ngân hàng có biến động trái chiều. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 01 tuần tăng nhẹ lên mức 0,46%/năm và 0,524%/năm; kỳ hạn 01 tháng lãi suất bình quân giảm từ 0,18%/năm xuống mức 0,59%/năm.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này nhằm giúp cho các tổ chức tín dụng nếu khó khăn thanh khoản thì tiếp cận thị trường liên ngân hàng, không quay ra tăng lãi suất huy động, góp phần thúc đẩy để giảm lãi suất cho vay.

Cũng liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất huy động, mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố, từ ngày 26/9, một số tổ chức tín dụng lớn, trong đó có các ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Cụ thể, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm./.