Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tạm cấp 1.680 tỷ đồng từ khoản tiền Công ty TNHH Giang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường để 4 tỉnh bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Số tiền bồi thường cụ thể cho 4 địa phương như sau: Hà Tĩnh 560 tỷ đồng, Quảng Bình 760 tỷ đồng, Quảng Trị 160 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 200 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trên cơ sở mức kinh phí tạm cấp và tiến độ giải ngân của các địa phương để chuyển tiền cho phù hợp, tránh để tiền tồn đọng ở địa phương.

Các địa phương sử dụng số tiền trên để thực hiện thanh toán chi trả cho đối tượng quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các chủ cơ sở thu mua tạm trữ có kho lạnh, kho cấp đông tại các xã phường thị trấn ven biển quy định tại điểm a khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1880/QĐ-TTg). Việc chi trả kinh phí phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng định mức tránh sai sót không thu hồi được kinh phí.

Trước đó, Chính phủ đã ứng trước 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung để các tỉnh này triển khai giải ngân cho những đối tượng được hưởng chính sách bồi thường. Việc ứng trước này là để đáp nguyện vọng, mong đợi của người dân, đặc biệt các đối tượng bị thiệt hại.

Ngày 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định về mức bồi thường thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển. Theo đó, 7 nhóm đối tượng nhận bồi thường là khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

Với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ, mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng. Mức bồi thường cao nhất 37,48 triệu đồng dành cho chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên và 8,79 triệu đồng cho đối tượng lao động trên tàu công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV...

Thiệt hại nghề muối được định mức bồi thường 39,37 triệu đồng/ha/tháng. Lao động bị mất thu nhập nhận 2,91 triệu đồng/người/tháng./.