Về lãi suất vốn vay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng mức lãi suất vốn vay đối với hạng mục hầm Hải Vân theo cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013.

Về tỷ lệ vốn chủ sở hữu, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đối với kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc sử dụng kinh phí còn dư để thanh toán kinh phí xây dựng hầm Đèo Cả (bao gồm cả phần lãi vay BOT hầm Đèo Cả) và cho phép giải ngân trong năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sớm để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về hỗ trợ trong công tác giải ngân và thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước và yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thiện các thủ tục trong quá trình thực hiện Dự án.

Dự án hầm đường bộ đèo Cả có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 13 km, điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), được thiết kế bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m, có điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), điểm cuối tại thôn Cổ Mã, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Trong đó, hầm đèo Cả dài 4.125 m, bắt đầu chính thức thi công từ đầu tháng 1/2014, đến nay thông hầm vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu.

Còn hầm Cổ Mã dài 500 m đã thông xe kỹ thuật hồi tháng 9/2015. Ngoài ra, dự án còn có sáu cầu với tổng chiều dài 1.200 m, đường dẫn dài hơn 6.670 m, được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc Bắc-Nam, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự án hầm đường bộ đèo Cả thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tức là Nhà nước và nhà đầu tư cùng phân phối thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công nghệ trên cơ sở hợp đồng dự án. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án hơn 15.000 tỷ đồng; tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã tối ưu lựa chọn hướng tuyến, giảm đi chiều dài 2 ống hầm từ 5,7km xuống còn 4,3km, đồng thời tránh vết đứt gãy tạo ra nguy hiểm cho việc thi công; cũng như hai lần thay đổi tư vấn thiết kế, nhờ đó đã giúp tiết giảm được hơn 4.200 tỷ đồng./.