Năm 2017 là năm thứ hai Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), Bộ Công thương (MOIT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững.

Chương trình được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về việc xếp hạng doanh nghiệp bền vững.

Phát triển bền vững là một xu thế tất yếu

Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết, kế tiếp thành công của 2016, năm 2017 theo chỉ đạo của Chính phủ, VCCI sẽ phối hợp với các bộ ngành triển khai đánh giá thường niên, xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam. Xếp hạng này là một trong những hoạt động đo lường được giá trị của doanh nghiệp, qua đó đánh giá được những đóng góp của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế gắn liền với xã hội và môi trường của Việt Nam.

Toàn cảnh lễ phát động

Ông Vinh cho biết, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi khó lường, những vấn đề về bền vững, như: bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm lo đời sống cho người lao động… được xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo ông Vinh: “Kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư, cũng như các bên liên quan khác. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những doanh nghiệp phát triển bền vững là các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, năng suất lao động cao hơn, khả năng thích ứng và hội nhập tốt hơn các doanh nghiệp chỉ hướng đến mục tiêu lợi nhuân, mà bỏ qua trách nhiệm đối với xã hội và môi trường”.

Đại diện cho doanh nghiệp tiên phong áp dụng các chỉ tiêu bền vững, ông Đào Đình Thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt cho biết, phát triển bền vững là một xu thế tất yếu hiện nay. Nếu doanh nghiệp không có kế hoạch, ứng phó với các vấn đề bền vững, thì tăng trưởng của doanh nghiệp về lâu dài sẽ giảm. Chính vì vậy, đầu tư cho bền vững, chính là đầu tư cho tương lai.

Do đó, ông Đào Đình Thi đánh giá, việc ra mắt Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững với những ưu điểm, như: dễ dàng áp dụng, không phân biệt quy mô, ngành nghề, phạm vi hoạt động của tổ chức… đã đưa ra một thước đo chuẩn mực chung cho doanh nghiệp Việt và là một bước tiến quan trọng giúp tạo tiếng nói chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về phát triển bền vững.

“Với Bảo Việt, toàn bộ lãnh đạo và nhân viên của Tập đoàn cam kết thực hiện các chỉ tiêu bền vững”, ông Thi nhấn mạnh.

Các lưu ý đối với doanh nghiệp đăng ký tham dự Chương trình

Để được lựa chọn trong Bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2017, các doanh nghiệp sẽ được đánh giá dựa trên bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI). Bộ Chỉ số này được xây dựng dựa trên ba nhóm yếu tố là chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu xã hội và tác động đến môi trường với 151 câu hỏi, chia làm 2 phần: phần 1 là các chỉ tiêu chung; phần 2 là các chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực phát triển bền vững. Các câu hỏi được thiết kế cụ thể, bao quát và đảm bảo tính khoa học, khách quan.

Yêu cầu khi tham dự Chương trình là những doanh nghiệp không vi phạm pháp luật trong 03 năm gần nhất (2014-2016).

Doanh nghiệp tham dự phải tự hoàn thiện Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững của mình. Các chỉ số doanh nghiệp không tự đánh giá sẽ không được chấm điểm. Những chỉ số bổ sung, những thông tin bổ sung cho các chỉ số có thể được doanh nghiệp khai và đính kèm bên ngoài bộ chỉ số này.

Phát triển bền vững doanh nghiệp được đánh giá trong giai đoạn 3 năm (2014-2016). Các thông tin, tài liệu doanh nghiệp cần cung cấp cho Ban tổ chức thuộc giai đoạn này. Trong trường hợp thông tin tài liệu quá nhiều, doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin, tài liệu tiêu biểu của từng năm.

Danh sách các thông tin, tài liệu có liên quan được liệt kê tại phần cuối của Bộ chỉ số này, doanh nghiệp vui lòng đánh dấu vào các danh mục mà các doanh nghiệp cung cấp.

Ban tổ chức, Hội đồng xét duyệt sẽ tiến hành đánh giá tại doanh nghiệp mức độ chính xác các thông tin doanh nghiệp cung cấp trong hồ sơ trong trường hợp cần thiết.

Bộ hồ sơ đầy đủ, gồm: Công văn đăng ký tham dự Chương trình; Bộ chỉ số bền vững mà doanh nghiệp tự khai; Các thông tin, tài liệu có liên quan dưới dnagj bản sao hoặc file dữ liệu được tải lên website của Chương trình; hoặc ghi vào đĩa CD, VCD, USB hoặc thẻ nhớ (khuyến khích sử dụng file dữ liệu).

Các thông tin, tài liệu doanh nghiệp cung cấp được đảm bảo giữ bí mật, chỉ phục vụ quá tình đánh giá mức độ phát triển bền vững các doanh nghiệp.

Hồ sơ tham dự của doanh nghiệp phải gửi về Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam trước ngày 15/09/2017./.