Tác giả (trái) và chủ trại ong (phải)

1. Tiền Giang, đi giữa đường làng xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, hai bên xanh ngút ngàn cây trái đủ loại. Hương hoa cứ chập chờn, chập chờn theo nhịp xe. Chuyến dã ngoại của tôi cùng một đồng nghiệp chỉ nhằm tìm về một vùng quê để được vào một khu vườn bất chợt, được đong đưa theo cánh võng, được ăn những món ăn dân dã từ hoa điên điển, rau đắng,… sau những ngột ngạt của phố thị. Thế mà bỗng chợt bừng lên cảm hứng muốn viết, muốn ghi chép đến ngột ngạt khi gặp Trung, một thanh niên trẻ đang cùng vợ chăm sóc đàn ong trong vuông vườn ngan ngát hương hoa. Người xứ này mến khách đến dễ giải khi Trung nói: Hai chú cứ ngủ, xê xế trưa mời hai chú dậy, nhậu chơi. Tôi nào có quen biết em đâu.

Tôi nhàn tản thả bộ khắp xóm, những cô thôn nữ thấp thoáng sau những cánh vườn, da trắng ngần, mắt trong veo với xiêm y mồng mộc mà hương, sắc cứ non nõn như chồi non trên cành thoang thoảng gió vờn, hồn nhiên. Những thiếu phụ tảo tần cùng công việc thường nhật, lâu lắm mới gặp bóng dáng một người đàn ông. Hỏi ra mới biết, đất hẹp nên cánh đàn ông mãi xa, gần kiếm cách mưu sinh. Các chị các em trở thành những “lão nông chi điền” giỏi giang trên mãnh vườn nhà để mùa nào thức đó, những cần xé trái cây đủ loại theo dòng sông Tiền xuôi về phố thị, để ngược về với họ những đồng tiền bù vào mồ hôi một nắng hai sương. Hỏi mua một mớ chôm chôm đỏ rực, chỉ 5.000đ, tôi thật sự xót, dù cái vị ngọt thanh của trái chín khiến vị giác ngất ngây đầu lưỡi. Chao ôi số tiền này không đủ mua một cây kem hạng xoàng nơi tôi sống.

Một cộng cư còn ảnh hưởng văn hóa tự cung tự cấp, nên Trung đã không thể mua, như lời Trung nói “chút gì sang sang”, Trung đâu biết, với tôi bữa nhậu thật ngon với rượu đế quê, với rau càng cua cùng vài cái bánh rán làm bằng bột gạo lại thêm ốc nấu chuối thơm mùi lá lốt xanh rờn nơi góc vườn tôi hái. Vợ chồng Trung gửi con nhỏ cho ngoại nuôi, để theo đàn ong rày đây mai đó, lương tháng 3.000.000 đồng, tiền ăn được chủ trại tốt bụng bao. Tay nghề vững, siêng năng, nhưng dù được chủ trại, một người rộng lòng và tâm huyết với nghề ong sẵn sàng giúp để Trung gầy dựng trại ong cho riêng mình, thế nhưng như Trung nói “Em không ham”. Tôi lại buồn, nhưng im lặng, Trung ơi em và bao nhiều chàng trai tuổi em nơi quê vắng này còn thiếu quá sự bứt phá để vươn lên.

2. Tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến lạ lẫm kia khi trò chuyện cùng ông Nguyễn Tấn Thành, Ủy viên BCH Hội nuôi ong Việt Nam - Chủ tịch Hội nuôi ong mật Tiền Giang. Hội có 192 hội viên và mỗi người có từ 1 đến 3 trại ong, mỗi trại có ít nhất 200 thùng ong. Ông Thành mừng khi đàn ong đang có chiều hướng phát triển tốt và nhất là “các hội viên đều lành nghề và ham học hỏi”. Thế nhưng, ông Thành buồn co ro khi: “nguy cơ đàn ong bị cô lập, bị chết, bị phân tán đàn đang rập rình trong nỗi lo của các chủ trại”.

Lợi nhuận từ đàn ong thì đã rõ, Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng 4000 tấn mật một năm, bằng 1/3 sản lượng cả nước. Giá xuất khẩu là 5usd/1kg, tức 20.000.000usd. Còn những lợi ích cộng thêm, theo thì “Các nhà khoa học người Pháp, Đức thuộc Viện INRA và CNRS cùng UFC phát hiện giá trị kinh tế của việc côn trùng thụ phấn đạt 9,5% tổng giá trị sản lượng lương thực toàn cầu. Sự mất dần côn trùng, nhất là ong có thể gây ra tổn thất cho người tiêu dùng từ 190 đến 310 tỷ bảng Anh”. Tôi hỏi, Việt Nam, lợi nhuận này đã ai tính chưa? Rất tiếc là tôi chưa có tài liệu nào. Ông Thành nói.

Tại Hội thảo khoa học về lợi ích của ong mật thụ phấn cây trồng, thuộc Chương trình Nghiên cứu phát triển nuôi đã đưa ra những con số nhằm thay đổi tư duy ngược của nhà nông rằng con ong làm hại lúa, hoa màu: “Giá trị tăng thu hoạch của quả và hạt nhờ ong thụ phấn lớn gấp 10 lần giá trị các sản phẩm của đàn ong. Nghĩa là nếu con ong thu được 1 đồng mật từ hoa thì cây tăng năng suất thêm đến 10 đồng nhờ ong”. Tuy nhiên, chưa có một tài liệu nào của Việt Nam đưa ra vấn đề này.

3. Ông Thành, được những người nuôi ong ở Đồng bằng Sông Cửu Long coi là người sống chết với con ong. Còn ông thì cứ lầm lũi tích cóp sức lực, trí tuệ cho đàn ong với tâm nguyện để con ong thoát khỏi phận “con ong cái kiến”. Chuyện ong bệnh, chuyện tách đàn,… với ông không còn là vấn đề lớn. Tôi ngạc nhiên khi ông dùng mật ong hoa tràm chế thêm nước, cùng chút chanh trái cho bầy ong uống, và phun cho ong, vì ông có đủ chứng cứ khoa học rằng con ong yếu do các yếu tố thời tiết, môi trường khi được “tắm” thứ mật này sẽ thoát chết nhờ trong mật ong tràm có nhiều vitamin C. Ông sang sảng nói về sự cần mẫn của con ong khi cho con người những sản phẩm quý như mật, sữa ong chúa, phấn hoa còn mang đến cho nhà vườn, nhà nông những lợi ích cả về tinh thần lẫn vật chất. Thế nhưng, lại thế nhưng, dù hội thảo có đủ các thành phần từ các huyện về dự, con ong vẫn bị ruồng rẫy. Nhà nông thì đã đành, sao lại có huyện ra hẳn thông báo cấm đàn ong về thôn về xóm vì sợ ong làm hại hoa màu.

Ông Thành đưa tôi xem tài liệu: “Vài năm gần đây, khi hiện tượng “rối loạn sụp đổ đàn ong (Colony Colapse Disorder) xảy ra nặng nề, các trang trại hạnh nhân almond ở Mỹ thiếu ong nghiêm trọng và giá thuê ong đã lên đến 140USD/đàn/ mùa vào năm 2009. Nhưng lợi nhuận nhờ ong cao gấp nhiều lần số tiền thuê ong để thụ phấn”. Trong khi, theo ông Thành, các chủ trang trại như ông khổ nhất là phải lặn lội đi tìm vườn cho ong. Có vườn rồi, năn nỉ đến gảy lưỡi chủ nhà mới chịu. Vô duyên gặp mấy anh chính quyền can thiệp là hỏng hẳn. Ông Thành than.

Trở về thành phố, tôi mang theo 10 lít mật nguyên chất thơm lựng mùi hương nhãn.Tôi phải ỉ ôi mãi ông Thành với chịu cầm 500.000 đồng, lại còn nói, ông lời vì giá nhập cho các công ty xuất khẩu trên thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều. Thương cho phận ong, tôi vào mạng, gõ đủ các cụm từ nào mật, nào ong, nào lượng nào chất, rồi số lượng mật dân mình sử dụng mỗi năm,… mà tá hỏa. Này nhé, chưa có thống kê về lượng mật ong dân mình sử dụng hàng năm, ngoài 1000 tấn cho ngành dược. Thế mà khi chiều tôi cãi cối cãi chày khi ông Thành nói rằng dân mình vẫn coi mật ong là dược phẩm vì theo Y học cổ truyền, mật ong có tác dụng ích khí, nhuận táo, chữa các chứng bệnh ho, tim, bỏng, đau bụng, khó đẻ, lở âm đầu, hóc xương cá, bí đại tiện, xích bạnh lị, sản phụ khát nước...chứ không phải là thực phẩm.

Những thông tin về ong còn khiêm tốn lắm, và khi tham khảo cứ buồn buồn. Có thời 1kg mật ong trị giá bằng 7,5kg đường trắng; phấn hoa thì gấp 15 lần, chóng mặt hơn 1kg sữa ong chúa có giá trị bằng 125kg. Việt Nam mình đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mật ong, giá mật ong thật rẻ, khả năng phát triển nghề ong thuận lợi thế,… sao mật ong còn chưa được đưa vào các chương trình tăng dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Và có cách nào nhanh hơn để cộng đồng hiểu đúng rằng mật ong ngoài tác dụng chữa bệnh thực chất chỉ là loại đường cao cấp, khi ngành mía đường, dù đã đạt 1 triệu tấn đường năm mà vẫn phải nhập ngoại. Nghịch lý thế khi dân mình chưa có thói quen dùng mật ong mỗi ngày.

Đất nông nghiệp, đất vườn đang bị thu hẹp đến chóng mặt, sự lạm dụng các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đang là tác nhân phá hoại một đời sống xanh. Đồng nghĩa với sự giảm thiểu các loại côn trùng có lợi như con ong, liệu sắp tới nghề ong có được một cú hích hợp lý từ các bộ các ngành để không phải như trường hợp Vương quốc Anh đã phải phát động khuyến khích dân đô thị đặt tổ ong trên các ban công với một tổ ong nhân tạo có giá lên đến 800usd và họ đã thành công khi: “Theo số liệu chính thức, ở Vương quốc Anh, số ong đã giảm từ 10 - 15% trong hai năm qua. Nghề nuôi ong trở thành rất thời thượng. Số người gia nhập hiệp hội Nuôi ong Anh từ 3.000 tăng lên 15.000 trong vòng 18 tháng. Các khóa dạy nuôi ong ngày càng thu hút học viên.