Sáng ngày 27/02/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch Covid-19).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cách ly phải kiên quyết, bắt buộc đối với mọi người từ vùng dịch vào Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 9 giờ ngày 27/02, số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số nhiễm của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu. Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam Cực, đều ghi nhận ca nhiễm Covid-19 với 49 quốc gia, vùng lãnh thổ công bố có người mắc.

Những nước có nhiều người mắc nhất là Trung Quốc (78.473 mắc, 2.741 tử vong), Hàn Quốc (1.595 mắc, 12 tử vong), Nhật Bản (877 mắc, 07 tử vong, trong đó tàu Diamon Princess: 705 mắc, 04 tử vong ), Italy (453 mắc, 12 tử vong), Iran (139 mắc, 19 tử vong). Số mắc mới tại Trung Quốc đang có xu hướng chững lại, tuy nhiên, tại một số nước, dịch đang phát triển mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran.

Tại Việt Nam, từ ngày 13/02 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tất cả 16 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi. Có 1.304 trường hợp nghi ngờ đã loại trừ; 92 trường hợp nghi ngờ, đang theo dõi, cách ly; 5.474 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Kết luận tại buổi làm việc, đánh giá kết quả phòng chống dịch là tốt, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nguy cơ còn cao, tình hình dịch ở nhiều nước diễn biến phức tạp. Chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả, đến nay, không có ca nhiễm mới, tất cả trường hợp mắc đều khỏi bệnh, xuất viện. Nhưng chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng.

“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể với thái độ cương quyết”, Thủ tướng nêu rõ, dù tốn kém, vất vả cũng phải làm, chứ dễ dãi, đơn giản, thiếu ý chí trong việc này thì sẽ thất bại.

Trong thời tới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết cách ly những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Các lực lượng phải tiếp tục các phương án chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu xảy ra. Bởi nếu chúng ta để cả người Việt Nam và nước ngoài trong vùng dịch vào Việt Nam thì dịch sẽ lan tràn ra cộng đồng. Đó là điều rất tối kỵ, và bài học kinh nghiệm rút ra là giải pháp ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

“Chúng ta đã làm tốt sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với người cách ly. Chúng ta tiếp tục tạo điều kiện cho người cách ly có sinh hoạt bình thường. Nếu không cách ly dẫn đến tâm lý anh cứ về Việt Nam thì được về cộng đồng, được về nhà nghỉ ngơi thì lây truyền này sẽ rất phổ cập ở nhiều tỉnh, thành. Lây lan sẽ rất nghiêm trọng không kiểm soát được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan phải giải thích cho người từ vùng dịch phải cách ly và cần có thái độ kiên quyết; khuyến cáo công dân ở đâu thì thực hiện tốt hướng dẫn của nước sở tại. Những người tiếp xúc với người dương tính đều phải kiểm tra.

Về vấn đề đi học của học sinh, Thủ tướng nêu rõ, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố xem xét trong khung chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận với các địa phương để xử lý vấn đề này một cách tốt nhất.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, một số nước xuất hiện ổ dịch mới, nhưng chúng ta có niềm tin sẽ kiểm soát được cơ bản và tiến triển tốt vào quý 2 sắp tới. Kinh tế thế giới sẽ có diễn biến tích cực. Vì thế các bộ, ngành cần có tính toán phương án, bố trí lực lượng, kể cả lực lượng lao động và vật tư, vật liệu sản xuất.

“Các bộ, ngành, địa phương ngay từ thời điểm này, bên cạnh kiên quyết ngăn chặn Covid-19 có hiệu quả thì cần có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ mục tiêu Đảng, Nhà nước và nhân dân giao”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục công bố rõ hơn chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ nền kinh tế, như giảm lãi suất, giãn nợ. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp giãn, hoãn, chậm nộp thuế, thậm chí giảm lệ phí logistics, giãn thời gian nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để tạo đà cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Những quy định nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Trong đó, cần tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ đối với người dân vùng dịch bệnh./.