5 mục tiêu của ngành ngân hàng năm 2021

Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng trong năm 2021 gồm 5 điểm chính. Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Chỉ thị 01 của Thống đốc định hướng năm 2021, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%

Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý ngoại hối nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô…

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các TCTD yếu kém. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tăng cường củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đổi mới, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng hệ sinh thái số để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; tăng cường an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.

Năm 2021 cũng là năm ngành ngân hàng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ tư, tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng thông thoáng, thuận lợi hơn, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.

Thứ năm, tiếp tục triển khai việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các Chương trình/Kế hoạch hành động và các Đề án của Ngành đã ban hành.

Cùng với việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thúc đẩy các đơn vị trực quán triệt phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", để thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Xây Đề án cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu đến 2025

Chia sẻ với các nhà báo cuối năm 2020, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn đại dịch, năm 2020, NHNN giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, là một trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện giảm về còn 4,5%/năm). Đây là mức thấp trong các nước có điều kiện tương đồng Việt Nam và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Liên quan đến thực trạng xử lý nợ xấu và việc có hay không việc nợ xấu tăng lên khi các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch, Phó thống đốc cho biết, nếu đại dịch không xảy ra thì mục tiêu Quốc hội đặt ra trong việc giảm nợ xấu của ngành về dưới 3% giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn tất trong tầm tay. Tuy nhiên, đại dịch là biến cố bất ngờ, gây ra những khó khăn chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý nợ xấu của ngành. “Đại dịch là rủi ro khách quan, NHNN quan điểm rằng, nợ xấu phát sinh thêm từ biến cố đại dịch không phải do lỗi của doanh nghiệp, hay của các ngân hàng. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là trọng tâm của NHNN trong năm 2021”, Phó Thống đốc cho biết.

Tại Chỉ thị số 01, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu lên các nội dung cụ thể về xử lý nợ xấu. Theo đó, năm 2021, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Tổng kết Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1058). Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025./.