Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, trong bề bộn những công việc phải làm, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết, tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay. Kể từ đó đến nay, ngày 31/12 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước, ngành Kế hoạch và Đầu tư được mang nhiều tên gọi khác nhau: Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (1945); Ban Kinh tế Chính phủ (1950), Ủy ban Kế hoạch Quốc gia (1955), Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1960) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (năm 1995). Trong quá trình đó, ngành Kế hoạch và Đầu tư được đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới thông qua sáp nhập các cơ quan như: Viện quản lý kinh tế trung ương, Ủy ban nhà nước về hợp và đầu tư, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam và Tổng Cục thống kê. Ở các bộ, ngành và địa phương cũng có các đơn vị chuyên trách về kế hoạch đầu tư và có sự kết nối, tham mưu về chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành.

Trong suốt chặng đường 70 năm hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Nhắc lại vai trò, sứ mệnh của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những đóng góp quan trọng, có tính đột phá của Ngành trong những thời điểm lịch sử quan trọng, khó khăn của đất nước. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao những đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong đổi mới tư duy kinh tế, tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; trong đổi mới cơ chế, công tác quản lý đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, tình trạng nợ công trong đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, thu hút và khai thác hiệu quả nguồn vốn ODA. Đây là bước đột phá về tư duy, khẳng định bản lĩnh, tầm vóc và sự phát triển vững mạnh của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước".


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Trong bối cảnh đất nước đã, đang và sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng, khó khăn và thách thức mới đan xen, thì nhiệm vụ của Ngành còn hết sức nặng nề. Ngành Kế hoạch và Đầu tư cần vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm quý báu trong 7 thập kỷ phát triển để làm tốt hơn, sáng tạo hơn, bứt phá hơn trong công tác tham mưu tổng hợp về chiến lược xây dựng đất nước trong giai đoạn mới, nhất là các vấn đề lớn mang tính định hướng lâu dài, góp phần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế -xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ rõ: "Muốn vậy, người chỉ huy cao nhất của ngành Kế hoạch và Đầu tư cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, vì những người làm kế hoạch và đầu tư đòi hỏi phải có tư duy lý luận sắc bén, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề mới của xã hội và đất nước. Đặc biệt, trong phối hợp công tác với nhiều ngành, lĩnh vực, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt".

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch nước đã chúc Ngành tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, năng động, sáng tạo và giành nhiều thành tích nổi bật 'Kiến thiết Quốc gia' trong giai đoạn mới của đất nước.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã ôn lại những dấu ấn lịch sử trên chặng đường 70 năm của Ngành. Bộ trưởng nhắc lại: "Từ Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay, ngành đã không ngừng lớn mạnh, đã tham mưu, giúp Đảng và Chính phủ tổ chức soạn thảo và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, động viên sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến và ngày nay là xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch để đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"


Bộ trưởng Bùi Quang VInh ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành 70 năm qua

Thành công của công cuộc Đổi mới có sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là tham mưu trình Chính phủ xây dựng các luật quan trọng để Quốc hội thông qua, như: Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài năm 1989, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước nước năm 1994, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã…, góp phần quan trọng vào việc giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 1999, sau này là Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã tạo những cú hích, đột phá quan trọng để nền kinh tế Việt Nam có được hệ thống doanh nghiệp, doanh nhân hùng hậu và lớn mạnh sẵn sang chủ động hội nhập với kinh tế thế giới.

Trong đầu tư công, để khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, từ đó nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 và tổ chức thực hiện quyết liệt, qua đó đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tiếp đó là ban hành Luật Đầu tư công, được đánh giá là bước đổi mới trong công tác quản lý đầu tư công, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí.

Tư tưởng chuyển từ kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn là một bước đột phá về tư duy trong công tác lập kế hoạch, khẳng định tầm nhìn chiến lược và tinh thần sáng tạo của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Những thay đổi mạnh mẽ này thể hiện quan điểm nhất quán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác điều hành đó là những gì có lợi cho đất nước, cho môi trường kinh doanh của Việt Nam thì phải làm.


Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn trước mắt là nghiên cứu xây dựng và kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo đó, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển phải tạo mặt bằng pháp lý bình đẳng, thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế. Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế đất nước; hoàn thiện xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt hiệu quả cao, tránh dàn trải, thất thoát và lãng phí; không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại; nâng cao khả năng thu hút, quản lý và giải ngân nguồn vốn FDI, ODA...

Với những đóng góp quan trọng trong suốt 70 năm qua, Ngành đã vinh dự được trao tặng Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; các Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì Ba; các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì Ba. Nhân dip kỷ niệm 70 năm thành lập, Ngành đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II. Đây là phần thưởng cao quý, khích lệ tinh thần lao động, đóng góp nhiều hơn nữa của các cán bộ, công chức, viên chức Ngành Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao
Huân chương Sao vàng (lần 2) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư


Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đại diện cho thế hệ cán bộ
đã từng công tác trong ngành Kế hoạch và Đầu tư phát biểu cảm tưởng


Đại diện thế hệ thanh niên ngành Kế hoạch và Đầu tư phát biểu