DN Việt vẫn thờ ơ…

Nhìn ra thế giới, phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự toàn cầu. Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững hồi cuối tháng 9/2016 đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn 2015-2030.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, 193 quốc gia thành viên của của tổ chức này đã kêu gọi mạnh mẽ khu vực doanh nghiệp áp dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo nhằm góp phần giải quyết các thách thức phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là, trong khi doanh nghiệp ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển vô cùng quan tâm đến phát triển bền vững, họ coi việc được tham gia vào những diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững như một cơ hội đón đầu xu thế kinh doanh mới của toàn cầu, thì ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp, với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất thờ ơ với công cuộc phát triển bền vững.

Tháng 12/2010, được sự phê duyệt của Chính phủ, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) đã được thành lập và ngày càng lớn mạnh. VBCSD là một tổ chức mang định hướng doanh nghiệp, hiện có 47 hội viên là các tập đoàn, tổng công ty, các công ty trong nước và các công ty đa quốc gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như xi măng, sắt thép, than, hoá chất, năng lượng, dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại, may mặc… cam kết chung tay vì sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam.

Không đủ tiềm lực là một phần, một phần quan trọng nữa là doanh nghiệp Việt còn chưa ý thức hết được việc thế giới đang thay đổi và cần phải chấp nhận thay đổi để không bỏ lỡ cơ hội cạnh tranh.

Đây là rào cản vô cùng to lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, nhất là trong giai đoạn hội nhập và phát triển bền vững đang là điều kiện cơ bản để nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.

Hay như việc dán nhãn xanh ra đời đã lâu, nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp do việc thực hiện ưu đãi vẫn còn “nửa vời”.

Phát động phong trào, đưa ra ưu đãi nhưng chưa có tổng kết, điều tra thực tiễn để xem xét chính sách đó có thực sự khuyến khích doanh nghiệp hoạt động sản xuất và cần thay đổi gì để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, chính là rào cản cho chương trình này.

Hơn nữa, Chương trình dán nhãn xanh là miễn phí, nhưng Nhà nước chỉ cấp kinh phí thời gian ban đầu, còn vài năm nay nguồn kinh phí này không còn nên không có để truyền thông cũng như điều tra, đánh giá để xây dựng tiêu chí cho phù hợp với từng ngành.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để đầu tư, sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu gắn Nhãn xanh Việt Nam, bởi tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam vẫn hạn chế về mặt số lượng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ ban hành được 14 tiêu chí cho một số sản phẩm như đồ gia dụng, văn phòng. Rất nhiều sản phẩm khác hiện vẫn chưa có tiêu chí để được dán nhãn, công nhận là sản phẩm thân thiện nên chưa tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia.

Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã không thực hiện trách nhiệm xã hội của mình một cách nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp có các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng....

Nguyên nhân là do việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam chưa được luật hóa.

Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp lớn có thị trường xuất khẩu, do yêu cầu của khách hàng, nên họ buộc phải thực hiện trách nhiệm xã hội, còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bởi, khó khăn về tài chính và thiếu ràng buộc về pháp lý nên nhiều doanh nghiệp chỉ hiểu trách nhiệm xã hội như các hoạt động từ thiện. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, mà chưa thấy ngay được lợi ích trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân không muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.

Cần những lực đẩy từ nhiều phía

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách pháp luật về phát triển bền vững trong doanh nghiệp.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh bền vững, như cải thiện môi trường kinh doanh, ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ hiện đại...

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững, trước hết doanh nghiệp cần phải hiểu rõ phát triển bền vững là gì, các cấu phần của nó ra sao ở các cấp độ khác nhau: toàn cầu, quốc gia, doanh nghiệp và đối với bản thân từng cá nhân.

Hiểu biết thiên lệch và không toàn diện về phát triển bền vững, ví dụ như trước đây rất nhiều doanh nghiệp cho rằng phát triển bền vững là các hoạt động từ thiện, đóng góp lại cho cộng đồng) sẽ dẫn đến các hành động và mục tiêu không được đầy đủ. Khi đó, các doanh nghiệp có thể tham khảo các tài liệu của VBCSD hay Liên hợp quốc về chủ đề này, đặc biệt là bộ tiêu chí CSI.

Khi đã hiểu rõ phát triển bền vững là gì rồi thì cần đưa ra một chiến lược phát triển bền vững cụ thể, áp dụng cho doanh nghiệp/tổ chức của mình trong các mốc thời gian phù hợp.

Sự quan tâm và cam kết của ban lãnh đạo cấp cao là yếu tố tiên quyết để thực hiện việc này.

Đặc biệt, với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của đất nước, cơ hội hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng rộng mở hơn, do vậy các doanh nghiệp cần tích cực chủ động nghiên cứu học tập các mô hình phát triển bền vững trên thế giới để áp dụng thực tế tại doanh nghiệp mình. Từ đó, góp phần thực hiện tốt việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp./.