Phát triển nền kinh tế xanh: Kinh nghiệm của Brazil, Ấn Độ và Tunisia
Summary
The new context has made green economy an inevitable trend of countries to achieve economic growth, while maintaining environmental sustainability. Vietnam has not been out of that trend. Over the years, Vietnam has accelerated the implementation of plans and strategies for green economic development. This article explores the experiences of some developing countries (Brazil, India and Tunisia) in developing a green economy, and on that basis, proposing some recommendations for Vietnam.
Keywords: green economy, sustainable development, Brazil, India, Tunisia
GIỚI THIỆU
Việc các quốc gia tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên, ở một khía cạnh nhất định, đã giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài. Tuy nhiên, việc thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, như tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, sự gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế xanh trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nói chung, các quốc gia đang phát triển nói riêng, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, Việt Nam còn gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định. Thực trạng này đặt ra việc cần thiết phải có một nghiên cứu về kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về lĩnh vực này.
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ
Kinh nghiệm của Brazil trong việc quy hoạch đô thị bền vững
Brazil có dân số đô thị lớn thứ tư sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 1,8% trong giai đoạn 2005-2010 (The World Bank, 2010). Sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị đặt ra những thách thức cả về môi trường và kinh tế - xã hội đối với người dân, doanh nghiệp và thành phố. Quy hoạch không phù hợp và nguồn tài chính hạn chế đi kèm với dân số đô thị ngày càng tăng đã gây ra sự mở rộng lượng nhà ở không chính thức tại các thành phố hoặc ngoại ô, từ đó đòi hỏi sự gia tăng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. TP. Curitiba - thủ phủ của Bang Parana ở Brazil đã vượt qua thách thức này bằng cách thực hiện các hệ thống đổi mới trong những thập kỷ qua, đồng thời truyền cảm hứng cho các thành phố khác ở Brazil. Đặc biệt, được biết đến với hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt nhanh, Curitiba cũng là một ví dụ về quy hoạch đô thị và công nghiệp tích hợp, cho phép xác định vị trí của các ngành công nghiệp mới và tạo việc làm.
Lập kế hoạch bền vững cho tăng trưởng: Thông qua các cách tiếp cận sáng tạo trong công tác quản lý, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông từ những năm 1960, mặc dù dân số của Curitiba đã tăng từ 361.000 người vào năm 1960 lên 1,828 triệu dân vào năm 2008, nhưng thành phố này không phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm không gian công cộng. Mật độ dân số trong thành phố tăng gấp 3 lần từ năm 1970 đến năm 2008, tuy nhiên diện tích cây xanh bình quân/người tăng từ 1 km² lên hơn 50 km² (The World Bank, 2010).
Một trong những yếu tố chính của công tác quy hoạch đô thị tại đây là lựa chọn tăng trưởng theo mô hình phân nhánh tuyến tính xuyên tâm, nhằm bảo vệ cả mật độ và diện tích cây xanh. Mô hình này được khuyến khích thông qua sự kết hợp giữa phân vùng sử dụng đất và cung cấp cơ sở hạ tầng giao thông công cộng - một sự chuyển hướng giao thông từ trung tâm thành phố và phát triển nhà ở, dịch vụ, các khu công nghiệp dọc theo các trục xuyên tâm.
Đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường: Việc áp dụng các phương pháp tiếp cận phối hợp để giảm lượng khí thải trong giao thông và các tòa nhà là hai biện pháp quan trọng nhất nhằm giảm lượng khí thải CO2. Nhờ quy hoạch đô thị tích hợp, Curitiba có tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao nhất ở Brazil (45% các chuyến đi) và là một trong những nơi tỷ lệ ô nhiễm không khí đô thị thấp nhất của đất nước (The World Bank, 2010).
Chính sách và công tác quy hoạch đô thị sinh thái cho cơ sở hạ tầng và hoạt động công nghiệp: Bằng cách biến các khu vực dễ bị lũ lụt thành các công viên trồng nhiều cây xanh và tạo ra các hồ nhân tạo để giữ nước lũ, Curitiba đã kiểm soát được lũ lụt và thoát nước, vốn rất tốn kém chi phí. Chi phí của chiến lược này, bao gồm cả chi phí di dời cư dân ở khu ổ chuột, ước tính thấp hơn 5 lần so với xây dựng kênh bê tông. Hơn nữa, giá trị tài sản của các khu vực lân cận được nâng cao và doanh thu thuế cũng tăng lên.
Chính quyền địa phương đã thành lập thành phố công nghiệp Curitiba (CIC) ở phía Tây của Thành phố, có tính đến hướng gió để tránh gây ô nhiễm cho thành phố trung tâm. CIC có các quy định nghiêm ngặt về môi trường và các ngành công nghiệp "gây ô nhiễm" không được phép hoạt động. Sau ba thập kỷ, CIC ngày nay có hơn 700 công ty, bao gồm một nhà sản xuất ô tô sản xuất xe buýt BRT và các công ty công nghệ thông tin. CIC đã tạo ra khoảng 50.000 việc làm trực tiếp, 150.000 việc làm gián tiếp, và khoảng 20% giá trị xuất khẩu của Curitiba (UNEP, 2017a).
Curitiba cũng đã thúc đẩy cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và tái chế chất thải. Với 70% cư dân thành phố tích cực tái chế, 13% chất thải rắn được tái chế ở Curitiba, so với con số 1% ở Sao Paulo (UNEP, 2017a).
Nhìn chung, Curitiba là trường hợp điển hình về cách quy hoạch đô thị thông minh có thể tránh được những chi phí đáng kể trong tương lai và cải thiện hiệu quả, năng suất và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc xây dựng hạ tầng sinh thái nông thôn
Luật Quốc gia về đảm bảo việc làm nông thôn của Ấn Độ năm 2005 (NREGA) là một chương trình cung cấp việc làm được trả lương đảm bảo nhằm tăng cường an ninh sinh kế của các hộ gia đình bị thiệt thòi ở khu vực nông thôn. Được triển khai bởi Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ, NREGA tác động trực tiếp đến cuộc sống của người nghèo, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, đồng thời góp phần khôi phục và duy trì cơ sở hạ tầng sinh thái.
Trong hai năm đầu tiên hoạt động, từ 2006 đến 2008, NREGA đã tạo ra hơn 3,5 tỷ ngày làm việc cho trung bình 30 triệu gia đình mỗi năm (theo The National Rural Employment Guarantee Act 2005, Operational Guidelines 2008). Chương trình được thực hiện ở tất cả 615 huyện nông thôn của cả nước, trong đó khoảng 1 nửa việc làm được tạo ra dành cho phụ nữ. Trọng tâm của chương trình này là chú trọng vào những công việc thâm dụng lao động, hạn chế công việc đòi hỏi máy móc.
Ngoài việc tạo ra việc làm được trả lương, mục tiêu thứ hai của NREGA là tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên ở nông thôn bằng việc tài trợ cho các công trình nông thôn nhằm giải quyết các nguyên nhân gây hạn hán, phá rừng và xói mòn đất. Nhờ thế, cơ sở vốn tự nhiên mà sinh kế nông thôn phụ thuộc vào được khôi phục.
Là một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng tiêu thụ nước trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua. Với mức tiêu thụ nước công nghiệp dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần từ năm 2000 đến năm 2050, các tầng nước ngầm ở bốn lưu vực sông chính có thể bị cạn kiệt một nửa vào năm 2050. Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước do nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung cấp nước sạch cũng được dự báo giảm tới 50% vào năm 2030. Tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng là một hạn chế lớn đối với sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực.
Bảo tồn nước chiếm khoảng một nửa trong tổng số các dự án được NREGA hỗ trợ, với 850.000 công trình bảo tồn nước được tài trợ và hoàn thành từ năm 2006 đến năm 2008. Ví dụ, ở Quận Jalaun (Uttar Pradesh), NREGA đã đào tạo và tạo việc làm cho dân làng để phát triển các giải pháp liên quan đến cơ sở hạ tầng khai thác nước bị phù sa nặng nề, qua đó góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu nước của họ. Nhờ chương trình này, chỉ trong hai năm 2007-2008, khoảng 5 triệu lít nước đã được bảo tồn (UNEP, 2017b).
Tương tự, ở Andra Pradesh, NREGA đã hỗ trợ khôi phục mạng lưới các bể chứa nước có niên đại hơn 500 năm ở các vùng khô hạn. Việc sửa chữa các cửa của bể chứa, cũng như làm sạch các kênh dẫn nước đã giúp khôi phục tối đa công suất của các bể chứa. Điều này không chỉ thúc đẩy sản xuất cây trồng và vật nuôi mà còn góp phần bổ sung nước ngầm.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, NREGA đã tạo ra nhiều câu chuyện thành công như vậy trên khắp đất nước. Trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và phục hồi cơ sở hạ tầng sinh thái, chương trình cũng có tác động mạnh mẽ đến việc trao quyền cho nhóm người nghèo hoặc bị thiệt thòi. Chương trình đã đã góp phần đẩy tiền lương bình quân cho lao động nông nghiệp tăng hơn 25% chỉ trong vòng 3 năm (UNEP, 2017b).
Kinh nghiệm của Tunisia trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo
Để giảm sự phụ thuộc vào dầu khí, Chính phủ Tunisia đã thực hiện các bước để thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Theo đó, Luật thiết lập một "hệ thống bảo tồn năng lượng" năm 2005 ngay lập tức được đưa ra cùng với việc tạo ra một cơ chế tài trợ - Quỹ Quốc gia về Quản lý Năng lượng - để hỗ trợ tăng cường năng lực trong các công nghệ năng lượng tái tạo và cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Việc bổ sung Quỹ này dựa trên thuế đánh vào lần đăng ký đầu tiên đối với ô tô tư nhân, chạy bằng xăng và dầu diesel và thuế nhập khẩu hoặc thuế sản xuất trong nước đối với thiết bị điều hòa không khí, loại trừ những thiết bị được sản xuất để xuất khẩu.
Từ năm 2005 đến năm 2008, các kế hoạch năng lượng sạch đã cho phép Chính phủ tiết kiệm được 1,1 tỷ USD hóa đơn năng lượng, so với khoản đầu tư ban đầu là 200 triệu USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Vào tháng 12/2009, Chính phủ đã đưa ra Kế hoạch năng lượng mặt trời quốc gia đầu tiên và các kế hoạch bổ sung khác với mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo từ dưới 1% lên 43% vào năm 2014. Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng các hệ thống quang điện mặt trời, hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các đơn vị năng lượng tập trung năng lượng mặt trời để phát điện. Tổng nguồn lực tài chính để thực hiện kế hoạch ước tính khoảng 2,5 tỷ USD, bao gồm 175 triệu USD từ Quỹ quốc gia, 530 triệu USD từ khu vực công, 51.660 triệu USD từ quỹ khu vực tư nhân và 24 triệu USD từ hợp tác quốc tế chi cho 40 dự án năng lượng tái tạo. Khoảng 40% nguồn lực được dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng xuất khẩu năng lượng. Mức tiết kiệm năng lượng đạt được từ kế hoạch này đồng nghĩa với việc giảm khoảng 1,3 triệu tấn CO2/năm[1].
Hiện nay, hơn 50.000 gia đình Tunisia có nước nóng từ mặt trời dựa trên các khoản vay lên tới hơn 5 triệu USD vào năm 2005 và 7,8 triệu USD vào năm 2006 - một đòn bẩy đáng kể cho chi phí ban đầu là 2,5 triệu USD của Chương trình năng lượng mặt trời của Tunisia. Với diện tích lắp đặt của chương trình đạt 400 000 m² trong giai đoạn đầu, 750.000 m² đã được lắp đặt cho giai đoạn 2010-2014, mức tương đương với các quốc gia lớn hơn nhiều như Tây Ban Nha hoặc Ý. Tính đến năm 2008, Chương trình năng lượng mặt trời của Tunisia đã giúp giảm được 214.000 tấn khí thải CO tích lũy. Việc làm đã được tạo ra khi 42 nhà cung cấp công nghệ được đăng ký chính thức và ít nhất 1.000 công ty đã cài đặt hệ thống (UNEP, 2017c).
MỘT SỐ GỢI Ý CHO VIỆT NAM
Ở nước ta, trong những năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường đã được ban hành, như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg, ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050…
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh. Đây là lợi thế khi Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.
Cùng với những thuận lợi kể trên, trong quá trình phát triển kinh tế xanh, Việt Nam còn gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định, đó là: Hệ thống luật pháp, chính sách còn chưa rõ ràng; nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh còn khá mới mẻ, chưa thống nhất, thiếu đầy đủ và đồng thuận; công nghệ sản xuất trong nước vẫn còn lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn; thiếu đồng bộ và quy mô nhỏ lẻ trong chiến lược, quy hoạch phát triển theo hướng xanh…
Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Brazil, Ấn Độ và Tunisia - 3 quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể rút ra những bài học nhất định trong quá trình phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể như sau:
Một là, cần coi trọng quy hoạch đô thị. Các thành phố được thiết kế tốt có cơ hội lớn để xanh hóa thông qua sự gần gũi của các chức năng đô thị, chuyển đổi phương thức vận tải và tăng hiệu quả trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng, tiện ích và năng lượng. Chi phí vận tải, có thể chiếm gần hoặc hơn 10% GDP của một quốc gia, có khả năng tăng cao hơn nữa theo xu hướng cơ giới hóa ngày càng tăng hiện nay. Đầu tư vào giao thông xanh có thể giúp giảm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và các chi phí khác thông qua việc tạo ra việc làm xanh, đặc biệt là thông qua phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động giao thông công cộng, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo thông qua việc tăng khả năng chi trả cho giao thông, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và các cơ sở thiết yếu khác.
Hai là, phát triển hệ sinh thái nông thôn là điều kiện quan trọng cho phát triển nền kinh tế xanh tại một nước nông nghiệp như Việt Nam. Phát triển sinh thái nông thôn là cơ sở quan trọng để hướng tới nông nghiệp bền vững, từ đó góp phần làm tăng việc làm ở khu vực này và gia tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực nông thôn cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề nguồn nước. Khan hiếm nước đang trở thành một hiện tượng toàn cầu sẽ thách thức tương lai của các quốc gia. Các chính sách và thực tiễn phân bổ, định giá và đầu tư nước hiện tại đang làm suy yếu các cơ hội đạt được tiến bộ kinh tế và xã hội. Nhu cầu tiếp cận với nước đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều nguồn cung cấp đang trở nên kém tin cậy hơn. Chính vì vậy, các chế độ chính sách tạo điều kiện thích ứng nhanh chóng với các điều kiện cung ứng và nhu cầu nước đang thay đổi là rất cần thiết.
Ba là, thúc đẩy năng lượng tái tạo là cơ sở quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh. Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa cho phát triển năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, thực hành chính sách tiết kiệm năng lượng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Năng lượng tái tạo hiện cung cấp gần 15% nhu cầu năng lượng sơ cấp của thế giới. Các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời mang lại những lợi ích đáng kể như cải thiện sức khỏe cộng đồng, an ninh năng lượng và hoạt động kinh tế./.
TS. Trần Thị Thanh Huyền - Học viện Ngân hàng
(Theo Tạp chí Kính tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Bina, O. (2013), The green economy and sustainable development: An uneasy balance?, Environment and planning C: Government and policy, 31(6), 1023-1047.
2. Georgeson, L., Maslin, M., Poessinouw, M. (2017), The global green economy: A review of concepts, definitions, measurement methodologies and their interactions, Geo: Geography and environment, 4(1).
3. Green Growth Knowledge Platform (GGKP) (2016), Measuring inclusive green growth at the country level: Taking stock of measurement approaches and indicators. GGKP Research Committee on Measurement & Indicators Measuring, working paper 02. Geneva: Switzerland.
4. Loiseau, E., Saikku, L., Antikainen, R., Droste, N., Hansjürgens, B., Pitkänen, K., Leskinen, P., Kuikman, P., Thomsen, M. (2016), Green economy and related concepts: An overview, Journal of cleaner production, 139, 361-371.
5. Merino-Saum, A., Clement, J., Wyss, R., Baldi, M. G. (2020), Unpacking the Green Economy concept: A quantitative analysis of 140 definitions, Journal of cleaner production, 242, 118-339.
6. Moldan, B., Janoušková, S., Hák, T. (2012), How to understand and measure environmental sustainability: Indicators and targets, Ecological indicators, 17, 4-13.
7. Pearce, D. W., Markandya, A., Barbier, E. B. (1989), Blueprint for a green economy, Earthscan Publications.
8. Purvis, B., Mao, Y., Robinson, D. (2019), Three pillars of sustainability: In search of conceptual origins, Sustainability science, 14(3), 681-695.
9. UNEP (2011), Towards a green economy: Pathways to sustainable development and poverty eradication, United Nations Environment Programme.
10. The World Bank (2010), Eco2 Cities: Ecological Cities as Economic Cities, Washington, DC.
11. The National Rural Employment Guarantee Act (2005), Operational Guidelines 2008, 3rd edition, Minstry of Rural development, Department of rural development, Government of India, New Delhi.
12. UNEP (2017a), “Sustainable urban planning in Brazil” in Green economy: Developing countries success stories, United Nation Environment Programme.
13. UNEP (2017b), “Rural ecological infrastruture in India” in Green economy: Developing countries success stories, United Nation Environment Programme.
14. UNEP (2017c), “Solar energy in Tunisia” in Green economy: Developing countries success stories, United Nation Environment Programme.
[1] https://www.medrec.org/prosol-tertiar
Bình luận