Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam
Từ khóa: FDI xanh, Liên minh châu Âu, Việt Nam, phát triển bền vững
Summary
Green growth is currently a development trend covering the world economy, in which global foreign direct investment (FDI) flows are increasingly focusing on green areas, such as high technology, innovation, research and development; green economy, digital economy, circular economy; clean energy... Vietnam is one of the countries that attracts major investors in the world, especially the European Union (EU). Based on the assessment of attracting FDI from the EU to Vietnam recently and the current situation of attracting a number of green FDI projects, the author proposes some solutions to attract "green" FDI capital sources in general and those from the EU in particular.
Keywords: Green FDI, European Union, Vietnam, sustainable development
KHÁI NIỆM FDI XANH
Định nghĩa và đo lường FDI xanh không phải là một quá trình đơn giản, vẫn còn thiếu định nghĩa được thống nhất quốc tế và dữ liệu liên quan về FDI xanh. UNCTAD (2008) có đề cập tới FDI xanh là chỉ đến hai loại đầu tư là: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia; và (ii) Đầu tư vào việc sản xuất trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ môi trường ở nước nhận đầu tư. Sau đó, UNCTAD cũng phân biệt 3 khái niệm “carbon thấp”, “xanh” và “bền vững”. Trong khi “carbon thấp” chỉ đến quy trình hay sản phẩm, mà thải ít GHG hơn trong chu kỳ hoạt động của nó so với những quy trình và sản phẩm truyền thống; khái niệm “xanh” chỉ đến công nghệ hay hoạt động mà quan tâm đến những vấn đề môi trường rộng hơn, chứ không chỉ là biến đổi khí hậu; và phát triển bền vững là một khái niệm rộng quan tâm tới sử dụng tiềm lực tự nhiên với vấn đề kinh tế và xã hội.
OECD cũng đã có những nghiên cứu đầu tiên về định nghĩa FDI xanh (Golub và cộng sự, 2011). Tập hợp từ những tài liệu trước đó, OECD cho rằng, FDI xanh gồm 2 phần: (i) FDI vào lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường và (ii) FDI vào quy trình giảm thiểu phá hoại môi trường như sử dụng công nghệ sạch hơn hay hiệu quả năng lượng hơn.
Có thể thấy, dù là hướng tập trung vào “xanh” hay “carbon thấp”, thì OECD và UNCTAD đều có điểm giống nhau là việc phân chia FDI theo hai hướng là đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ và đầu tư vào quy trình sản xuất.
Như vậy, có thể hiểu FDI xanh là FDI vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường hoặc là FDI có quy trình sản xuất giảm thiểu hủy họa môi trường; nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế, trong khi đó sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh được việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.
THỰC TRẠNG THU HÚT FDI TỪ EU VÀO VIỆT NAM
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990, quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu; trong đó, EU luôn được coi là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng của Việt Nam. Tháng 11/2020 đánh dấu 30 năm quan hệ ngoại giao bền chặt giữa Việt Nam và EU, cũng như đánh dấu 25 năm ký kết hiệp định khung về hợp tác song phương, trong bối cảnh quan hệ hai bên đạt được bước đột phá khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ các quốc gia thành viên EU. Có thể nói, mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp trong suốt thời gian qua là điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai bên, trong đó có hợp tác về đầu tư.
Đến tháng 6/2023, đã có tổng cộng 2.508 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các quốc gia thuộc EU tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 28,91 tỷ USD. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với 18 tỷ USD từ 1.623 dự án vào năm 2016 với tốc độ tăng trưởng số lượng dự án là 6%.
Trong năm 2023, thống kê cho thấy, 6 nhà đầu tư lớn nhất đến từ EU lần lượt là: Hà Lan với 20 dự án đăng ký mới; Đức có 32 dự án đăng ký mới; Thụy Điển có 10 dự án đăng ký mới; Đan Mạch có 14 dự án đăng ký mới; Ý có 14 dự án đăng ký mới và Pháp có 25 dự án đăng ký mới nâng mức tổng số vốn đăng ký lần lượt là 805,76 triệu USD; 366,25 triệu USD; 221,71 triệu USD; 168,84 triệu USD; 133,49 triệu USD; 89,83 triệu USD.
Hình: Tổng số vốn đăng ký của sáu đối tác lớn của EU vào Việt Nam trong năm 2023
Đơn vị: Triệu USD, số dự án
Nguồn: Tổng hợp dựa trên số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
THỰC TRẠNG THU HÚT MỘT SỐ DỰ ÁN FDI XANH TỪ EU VÀO VIỆT NAM
Thời gian qua, FDI của EU chủ yếu vẫn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây có xu hướng phát triển hơn vào các ngành lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… Các lĩnh vực đầu tư từ EU cũng được đánh giá là rất có triển vọng thúc đẩy thu hút thêm nhiều FDI xanh trong tương lai.
Hiện nay, Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp EU đầu tư vào lĩnh vực điện gió gần bờ và ngoài khơi. Do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo này nên các doanh nghiệp của Đan Mạch, Nauy, Đức hay Hà Lan đã quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư vào năng lực tái tạo nói chung và điện gió nói riêng cũng là một định hướng phát triển của châu Âu được đề cập đến trong chiến lược phát triển mới và chiến lược năng lượng mới. Hiện đang có một số nhà đầu tư đã thể hiện sự quan tâm vào thị trường Việt Nam.
Năm 2019, tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) đã liên doanh với Asiapetro (Việt Nam) và Novasia (Việt Nam) để thực hiện Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận. CIP là nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý 7 quỹ đầu tư với số vốn hơn 18 tỷ USD. CIP đã thực hiện hơn 30 khoản đầu tư vào các dự án năng lượng quy mô lớn với tổng công suất gần 26 GW tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Dự án điện gió La Gàn nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Với công suất dự kiến 3,5 GW, dự án khi hoàn thành dự kiến có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm. La Gàn đặt mục tiêu trở thành dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có tổng giá trị đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD, được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cũng như ứng dụng những công nghệ điện gió tiên tiến nhất (Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, 2022). CIP cũng đang tham gia nghiên cứu, phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới như các giải pháp chuyển điện thành X (Power-to-X) bao gồm: hydrogen xanh, amoniac xanh, lưu trữ năng lượng, đảo năng lượng và truyền tải điện ở Việt Nam. Tháng 7/2022, CIP đã đề xuất EVN hợp tác phát triển một số dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn và phát triển lưới điện truyền tải tại phía Bắc Việt Nam (tỉnh Quảng Ninh). Dự kiến đến năm 2030, CIP đầu tư khoảng 110 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam (Năng lượng Việt Nam, 2022a).
Tập đoàn Orsted của Đan Mạch (Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch nắm cổ phần chi phối và hiện là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chiếm 29% công suất lắp đặt toàn cầu và sản xuất 88% năng lượng từ các nguồn tái tạo (Tiến Thắng, 2022) đã đề xuất các dự án phát triển điện gió tại Hải Phòng, Thái Bình, Bình Thuận và Ninh Thuận, những địa phương có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc triển khai dự án. Năm 2021, Tập đoàn đã đề xuất dự án đầu tư Điện gió ngoài khơi Tuy Phong tỉnh Bình Thuận với tổng công suất dự kiến 4.600 MW, gồm 3 giai đoạn (hoàn thành lần lượt vào các năm 2029, 2032 và 2034). Sản lượng điện phát lên lưới khoảng 20.148 GWh/năm, tổng mức đầu tư dự án khoảng 368.800 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 15,4 tỷ USD), vốn chủ sở hữu 110.650 tỷ đồng (còn lại là huy động từ tập đoàn mẹ và các tập đoàn thành viên) (Thái Bình, 2022). Cùng năm 2021, Tập đoàn Orsted còn đề xuất nghiên cứu Dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng với tổng công suất dự kiến là 3.900 MW chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 1.300 MW, vận hành vào các năm 2029, 2035 và 2037 và tổng mức đầu tư khoảng 13,6 tỷ USD. Tháng 8/2022, Tập đoàn Orsted và Tập đoàn T&T (Việt Nam) đã liên danh đầu tư đề xuất việc đầu tư 2 dự án điện gió ngoài khơi (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2) tại vùng biển huyện Thuận Nam. Theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư (T&T và Orsted), dự án điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 1 có công suất 3.000 MW, dự kiến thực hiện qua 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn 1.000 MW), đầu tư từ năm 2029 đến 2033, với 150 tuabin, trụ 20 MW, cao trên 150 m, tổng mức đầu tư 223.462 tỷ đồng. Dự án điện gió ngoài khơi Ninh Thuận 2 có công suất 2.000 MW, dự kiến triển khai sau năm 2030, với 100 tuabin, thực hiện 2 giai đoạn (từ năm 2030 đến 2037) với tổng vốn đầu tư khoảng 157.556 tỷ đồng (Năng lượng Việt Nam, 2022b).
Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Na Uy - Equinor (nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu trên thế giới) đã có làm việc với các đối tác ở Việt Nam từ năm 2021 để tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát triển toàn diện trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và sản xuất hydrogen từ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Cùng với đối tác trong nước là PVN, Equinor hiện đã nộp đơn xin thực hiện dự án ở các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hải Phòng và Thái Bình (Năng lượng Việt Nam, 2022c).
Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đã trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu cho Bình Định vào tháng 4/2022. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 4,8 tỷ USD, mục tiêu xây dựng từ 154 đến 166 tuabin gió với tổng công suất lên đến 2.000 MW. Dự kiến các tuabin gió sẽ được đặt tại một số đảo và vùng biển thuộc huyện Phù Cát và Phù Mỹ, với tên gọi “Hòn Trâu 1,2,3” theo 3 giai đoạn triển khai của dự án, mỗi giai đoạn có công suất khai thác khoảng 700 MW (Năng lượng Việt Nam, 2022d).
Công ty Pondera (Hà Lan), được thành lập từ năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng điện gió trên toàn cầu đã đề xuất hợp tác thực hiện dự án phát triển năng lượng điện gió tại tỉnh Bắc Giang. Hiện nay, đã có 7 nhà đầu tư lớn xin khảo sát, lập quy hoạch 10 dự án năng lượng điện gió tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng với tổng công suất đăng ký 700 MW. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên tỉnh chỉ đang cho phép các nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt cột gió phục vụ công tác lập dự án (Minh Linh, 2022).
Công ty EAB (CHLB Đức) là chủ đầu tư thực hiện Dự án điện gió Mũi Dinh Ninh Thuận. Dự án do Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh thực hiện. Dự kiến nhà máy điện gió này có tổng công suất 37,6 MW, dự án có 16 tuabin xây dựng trên diện tích 12ha, tổng vốn đầu tư 1.272 tỷ đồng (JCT Việt Nam, 2021).
Ngoài ra, các nhà đầu tư EU cũng ngày càng quan tâm đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Hiện nay, một số công ty đã thể hiện sự quan tâm và công bố đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, EDF Renewables (thành viên của tập đoàn điện lực EDF Group của Pháp) đã công bố đầu tư vào nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Energy, công ty thành viên của VinaCapital. Với sự đồng hành của EDF Renewables, trong 2-3 năm tới, SkyX Solar dự kiến đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp. EDF Renewables là công ty hàng đầu về năng lượng tái tạo trên thị trường quốc tế, với tổng công suất lắp đặt trên toàn cầu là 13,8 GW, chủ yếu tập trung phát triển điện gió và điện mặt trời.
Tháng 8/2022, Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) đã ký thỏa thuận với nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp (KCN) Việt Nam về việc cung cấp điện mặt trời. Thông qua thỏa thuận này, TotalEnergies là đơn vị độc quyền khai thác diện tích mái của tất cả các dự án trực thuộc KCN Việt Nam để phát triển hệ thống pin năng lượng mặt trời và cung cấp nguồn năng lượng tái tạo cho khách hàng của KCN Việt Nam. TotalEnergies sẽ độc quyền khai thác và vận hành cơ sở hạ tầng có tuổi thọ hơn 20 năm tại các dự án của KCN Việt Nam (Thành An, 2022).
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM THU HÚT VỐN FDI XANH TỪ EU VÀO VIỆT NAM
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc thu hút FDI cần cân nhắc kỹ lưỡng các tác động tới môi trường bên cạnh các lợi ích về kinh tế. Sự quan tâm đến vấn đề môi trường trong thu hút vốn FDI đã được Việt Nam thể hiện qua một loạt các chính sách quan trọng, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu Chính phủ, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030… Thu hút FDI xanh sẽ là trụ cột quan trọng để Việt Nam vừa đảm bảo các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Để thu hút FDI xanh từ các quốc gia phát triển, đặc biệt từ EU, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về mặt pháp lý, cần xây dựng các quy định, tiêu chí cụ thể, rõ ràng về bảo vệ môi trường và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong thu hút và sử dụng FDI. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các tiêu chí đánh giá FDI xanh, hoàn thiện danh mục các sản phẩm dịch vụ môi trường, qua đó cho phép phân loại các dự án FDI dựa trên tác động tiềm tàng của dự án đó tới môi trường. Trên cơ sở phân loại các dự án FDI, cần đưa ra các cơ chế chính sách, ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án FDI xanh, các dự án có tác động tích cực tới môi trường. Mặt khác, không gia hạn hoặc mở rộng hoạt động đối với các dự án không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường và không thu hút các dự án nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng số và các công nghệ mới trong kỷ nguyên 4.0.
Thứ ba, thành lập các bộ phận chuyên trách nghiên cứu về FDI xanh, các tiêu chí đánh giá FDI xanh, thường xuyên cập nhật các xu hướng FDI xanh trên thế giới, kinh nghiệm thu hút và quản lý dự án FDI xanh, kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường từ các dự án FDI..., từ đó đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp.
Thứ tư, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tại các doanh nghiệp FDI nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về bảo vệ môi trường./.
ThS. Lê Trọng Nghĩa
Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thương mại
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020-2023). Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài các năm, từ năm 2020 đến năm 2023.
2. Golub, S. S., C. Kauffmann and P. Yeres (2011), Defining and Measuring Green FDI: An Exploratory Review of Existing Work and Evidence, OECD Working Papers on International Investment, 2011/02, OECD Publishing.
3. JCT Việt Nam (2021), Danh sách 11 nhà đầu tư điện gió lớn nhất Việt Nam, truy cập từ https://jct.com.vn/tin-tuc/danh-sach-11-nha-dau-tu-dien-gio-lon-nhat-viet-nam/.
4. Minh Linh (2022), Doanh nghiệp Hà Lan mong muốn hợp tác phát triển năng lượng điện gió tại Bắc Giang, truy cập từ http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/382133/doanh-nghiep-ha-lan-mong-muon-hop-tac-phat-trien-nang-luong-dien-gio-tai-bac-giang.html.
5. Nguyễn Thị Minh Phương (2020), Đánh giá tác động dự kiến của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Năng lượng Việt Nam (2022a), SAM và HDF Energy phát triển các dự án điện khí hydro tại Việt Nam, truy cập từ https://nangluongvietnam.vn/sam-va-hdf-energy-phat-trien-cac-du-an-dien-khi-hydro-tai-viet-nam-29142.html.
7. Năng lượng Việt Nam (2022b), T&T và Orsted đề xuất đầu tư 2 dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Ninh Thuận, truy cập từ https://nangluongvietnam.vn/tt-va-orsted-de-xuat-dau-tu-2-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-tinh-ninh-thuan-29170.html.
8. Năng lượng Việt Nam (2022c), Equinor chia sẻ kinh nghiệm với PTSC trong phát triển ‘siêu dự án’ điện gió ở Hoa Kỳ, truy cập từ https://nangluongvietnam.vn/equinor-chia-se-kinh-nghiem-voi-ptsc-trong-phat-trien-sieu-du-an-dien-gio-o-hoa-ky-29156.html.
9. Năng lượng Việt Nam (2022d), Tập đoàn PNE trao hồ sơ đề xuất dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu cho Bình Định, truy cập từ https://nangluongvietnam.vn/tap-doan-pne-trao-ho-so-de-xuat-du-an-dien-gio-ngoai-khoi-hon-trau-cho-binh-dinh-28577.html.
10. Thái Bình. (2022), Tập đoàn Đan Mạch đầu tư dự án điện gió hơn 15 tỷ USD ở Bình Thuận, truy cập từ https://theleader.vn/tap-doan-dan-mach-dau-tu-du-an-dien-gio-hon-15-ty-usd-o-binh-thuan-1628177129212.htm.
11. Thành An (2022), Khát năng lượng tái tạo, Total của Pháp đầu tư vào tấm pin mặt trời ở Việt Nam, truy cập từ https://vnbusiness.vn/viet-nam/khat-nang-luong-tai-tao-total-cua-phap-dau-tu-vao-tam-pin-mat-troi-o-viet-nam-1087217.html.
12. UNCTAD (2008), Creating an institutional environment conducive to increased foreign investment and sustainable development, Accra, Ghana.
13. Viễn Thông (2021). "Ông lớn" năng lượng Pháp đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam, truy cập từ https://dienmattroigio.com/ong-lon-nang-luong-phap-dau-tu-dien-mat-troi-o-viet-nam/.
Bình luận