Tiềm năng lớn về phát triển năng lượng xanh

Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn NLTT mới như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas), thủy điện và điện than.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s. Các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm. Đây là lợi thế tự nhiên tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở các tỉnh này.

Bên cạnh lợi thế về gió, bức xạ mặt trời, thì với diện tích rừng lớn, chỉ riêng tại Cà Mau, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000-300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.

Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Cần khuyến khích sử dụng ở tất cả các lĩnh vực quan trọng
Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn NLTT mới như điện mặt trời, điện gió...

Chính phủ cũng ngày càng quyết tâm đạt được cam kết “net zero” vào năm 2050. Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 (net zero) vào năm 2050.

Trong hàng loạt chương trình hành động của Việt Nam để thể hiện quyết tâm nói trên, chính sách phát triển điện lực quốc gia mới ban hành là một minh chứng rõ nét. Theo đó, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt ngày 15/5/2023, Chính phủ định hướng đến năm 2050, tỷ lệ NLTT chiếm 67,5% - 71,5% cơ cấu nguồn điện, tăng gần gấp ba lần con số 26,4% vào cuối năm 2022.

Trong những năm gần đây, NLTT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Dự tính đến 2030, Việt Nam sẽ cần 12 tỷ USD để đầu tư nguồn điện mới.

Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực NLTT.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện xếp thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) so với năm 2022.

Nhiều đối tác quốc tế rất quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam trong phát triển NLTT. Theo đó, ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã nhất trí về triển khai chương trình “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)”.

Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng NLTT.

JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, chương trình JETP cũng có những yêu cầu cao hơn, thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa NLTT và giảm phát thải cao hơn, sớm hơn. Đây là một thách thức không nhỏ trong điều kiện kinh tế phát triển nóng, nhu cầu tiêu thụ điện và năng lượng nói chung tăng trưởng nhanh.

Năm 2023, NLTT chiếm tỷ trọng 55,3% tổng công suất toàn hệ thống

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 80.555 MW, tăng ~2.800 MW so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ công suất đặt do EVN và các GENCOs thuộc EVN sở hữu chỉ đạt 29.966 MW - chiếm tỷ trọng 37,2% công suất toàn hệ thống.

Trong đó, tổng công suất các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%; nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; nhiệt điện khí 7.160 MW, chiếm tỷ trọng 8,9%.

Như vậy, tỷ lệ NLTT (bao gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện) chiếm tỷ trọng 55,3% tổng công suất đặt của hệ thống. Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng đầu khu vực ASEAN.

Cần sự hỗ trợ từ chính sách

Theo các chuyên gia, NLTT tuy có tiềm năng lớn, tuy nhiên muốn khai thác cần phải có sự hỗ trợ trong một thời gian nữa.

Theo dự kiến kịch bản cho phát triển NLTT (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý - đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong khi đó, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, Quy hoạch điện VIII dù đã thỏa mãn được yêu cầu của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không, việc thiếu điện sẽ vẫn hiện hữu, giá điện vẫn là điểm nghẽn, trong khi giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện.

Và quan trọng hơn hết là sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Bộ Công Thương cần sớm hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi có Kế hoạch thực hiện thì các cơ quan liên quan mới có thể đề xuất chương trình hành động cụ thể để thực hiện, thay vì ngồi chờ quy định như hiện nay.

Tuy nhiên, khung quy định cho ngành năng lượng hiện hay chưa đầy đủ do chưa có Luật NLTT; còn Luật Điện lực và các văn bản liên quan chưa đủ cơ sở để điều chỉnh lĩnh vực NLTT.

Vì vậy, để chuyển dịch năng lượng, cần có 4 yếu tố: Công nghệ, Nền kinh tế cạnh tranh, Mở cửa thị trường và Chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, nếu thiếu chính sách hỗ trợ, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ diễn ra rất chậm.

Nhìn chung, tiềm năng của ngành NLTT đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Việc phát triển NLTT là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có, Việt Nam sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường NLTT, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.

Với sự hỗ trợ từ những chính sách cụ thể, những dự án NLTT sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế./.