Vật liệu xây không nung là sản phẩm xanh cần được đưa vào các công trình sử dụng vốn nhà nước nhiều hơn nữa. Ảnh: Lê Tiên

Vì sao chưa như kỳ vọng?

Theo Báo cáo về mua sắm công bền vững của Tổng cục Môi trường công bố vào cuối năm 2018 cho biết, Việt Nam chi trung bình 20%-30% ngân sách hàng năm vào mua sắm công. Con số này có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. Trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế, ứng dụng mua sắm công bền vững sẽ có đóng góp to lớn cho những mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo cũng cho thấy, những nỗ lực của các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện mua sắm công bền vững tại Việt Nam là rất đáng ghi nhận. Hiện Việt Nam đã có những quy định khuyến khích về mua sắm công xanh, như: Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đấu thầu (Điều 12 - tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm tiêu chí tác động môi trường và giải pháp); Luật Bảo vệ môi trường năm 2014…

Đồng thời, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và kế hoạch quốc gia thúc đẩy mua sắm công xanh, như: Chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững (2011 - 2020); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2011 - 2020); Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh…

Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050 có đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm công xanh. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai mua sắm công xanh. Cho đến nay, việc thực hiện các quy định này mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện mua sắm công xanh trong giai đoạn này gặp phải một số trở ngại lớn, trước hết là về vấn đề nhận thức.

Mặc dù trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện, như: Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg, tuy nhiên hiện tại chưa có chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố môi trường trong mua sắm.

Luật Đấu thầu năm 2013 cũng chưa có tiêu chí hay quy định nào ưu đãi rõ ràng với mua sắm công xanh ngoài việc có yêu cầu kỹ thuật đối với gói thầu xây lắp hay mua sắm hàng hóa là tuân thủ pháp luật về môi trường. Vì thế, chỉ khi chủ đầu tư - đại diện mua sản phẩm thấy cần thiết phải mua sắm sản phẩm xanh, thì đưa vào chứ không có quy định nào bắt buộc phải thực hiện.

Bên cạnh đó là năng lực của cán bộ mua sắm, đấu thầu về mua sắm công xanh còn hạn chế, cũng như thiếu một tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu.

Cần xây dựng khung pháp lý cho mua sắm công xanh

Theo Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì

Tại một hội thảo gần đây, nhận định về xu hướng mua sắm công trong thời gian tới, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mua sắm công xanh sẽ là hoạt động tất yếu.

Về mặt pháp lý, công ty SmartEco cho rằng, Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý rõ ràng đối với mua sắm công xanh thay vì chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích như hiện nay. Theo đó, cần định nghĩa chính xác thế nào là sản phẩm thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ thân thiện với môi trường…, từ đó quy định ưu tiên trong MSCX cùng với một hệ thống quản lý hiệu quả. Và để thực hiện, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ đơn giản hóa hệ thống chứng nhận; cơ quan nhà nước đề xuất lập kế hoạch mua sắm công xanh và báo cáo kết quả mua sắm công xanh …

Phương án tốt nhất để đẩy mạnh mua sắm công xanh là các cơ quan nhà nước nên là người đi đầu trong hoạt động này, từ đó lôi kéo khối tư nhân tham gia mua sắm xanh trên tất cả các lĩnh vực.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Bộ này cùng các đơn vị liên quan và các nhà tài trợ đang xây dựng đề án, trong đó hướng tới đưa ra khung pháp lý về mua sắm công xanh.

Và để triển khai mạnh mẽ hơn hoạt động mua sắm công xanh, sẽ tiến tới đề xuất bổ sung quy định về mua sắm công xanh khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, trong đó có chính sách ưu đãi đối với hàng hóa trong nước khi sản xuất xanh, xây dựng danh mục sản phẩm có thể bắt buộc áp dụng mua sắm sản phẩm xanh…/.