Hôm qua, tờ South China Morning Post đưa tin, một quan chức thuộc doanh nghiệp nhà nước đề nghị giấu tên đã nhận được chỉ thị trên qua điện thoại từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Ba công ty Trung Quốc khác đang thực hiện các gói thầu ở Việt Nam cũng nhận được chỉ thị tương tự.

Các nguồn tin đều không nói đến thời hạn của lệnh cấm, cũng như không nói rõ cơ quan chức năng có văn bản nào về việc này hay không, hoặc lệnh cấm được truyền miệng.

Như vậy, nếu lệnh cấm tạm thời nói trên có thực, thì đây là động thái về kinh tế cụ thể nhất mà Trung Quốc nhắm đến Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và bị Việt Nam cũng như dư luận quốc tế kịch lên án, yêu cầu rút giàn khoan vô điều kiện.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm các công ty quốc doanh Trung Quốc đấu thầu các dự án ở Việt Nam của Trung Quốc sẽ không đem lại kết quả như ý với Bắc Kinh.

Ông Bình Lệ Từ, chuyên viên về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á tại Viện chiến lược quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh muốn gây sức ép kinh tế lên Chính phủ Việt Nam.

“Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chơi lá bài kinh tế", tuy nhiên, “bất kỳ biện pháp nào nhằm tăng cường đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đều không phù hợp với tình hình căng thẳng hiện nay”, ông khẳng định.

Về phía Việt Nam, trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội chiều nay về vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, nếu thông tin nói trên là sự thật thì Trung Quốc tự làm khó cho doanh nghiệp của họ, bởi "Việt Nam chủ trương xây dựng một nền kinh tế hội nhập sâu rộn,g nhưng không phụ thuộc bất cứ nước nào, trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Nhà thầu Trung Quốc hay nhà thầu nước nào rút thì cũng có đơn vị khác thay thế. Chúng ta đã có cơ chế bảo vệ trước rồi".

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một số trường hợp vừa qua chính Việt Nam đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc, khi mà các dự án phải dùng tổng thầu EPC đưa ra đấu thầu, thì rốt cuộc hầu hết các dự án lại rơi vào tay Trung Quốc. Do đó, bà cho rằng, đây nên xem là cơ hội để Việt Nam thoát Trung và tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước./.

Nguồn:

http://www.scmp.com/news/china/article/1528221/state-firms-barred-vietnam-contract-bids

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/bo-truong-thang-khong-lo-khi-nha-thau-trung-quoc-bo-xoi-886091.htm