Ngày 29/5/2014, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban Điều phối TW Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tổ chức Hội thảo Khởi động dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Hội thảo tổ chức với các mục tiêu: Chính thức công bố Dự án và khởi động quá trình thực hiện Dự án; Trình bày, thảo luận và tiếp thu ý kiến về nguyên tắc thực hiện, cam kết của các bên liên quan; Thống nhất kế hoạch 18 tháng và triển khai toàn Dự án.

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã được ký kết trước đó giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) vào ngày 24/4/2014 theo Hiệp định tín dụng số Cr.5330-VN. Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh là chủ đầu tư, dự kiến sẽ hỗ trợ giảm nghèo cho 130 xã, 26 huyện nghèo và khó khăn nhất tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các huyện giáp Tây Nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2019 với tổng mức vốn vay IDA là 150 triệu USD.

Dự án kỳ vọng sẽ đem đến cơ hội thoát nghèo cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là các nhóm thuộc dân tộc thiểu số tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam. Đồng thời, mục tiêu dự án nhằm khuyến khích các đối tượng này tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tây Nguyên được xác định là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, khoảng 74% người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang sống dưới chuẩn nghèo. Cùng với vùng Tây Bắc, Tây Nguyên là vùng nghèo nhất cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Nhằm nâng cao đời sống cho người nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong nhiều năm qua đã và đang có những ưu tiên cho Vùng này.

Do vậy, Tây Nguyên là vùng thụ hưởng quan trọng của Chương trình 135-II, các chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục…), Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (Chương trình 30A), và gần đây nhất là Chương trình Nông thôn mới. Tây Nguyên cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, như: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) về giảm nghèo cho một số tỉnh, phát triển lâm nghiệp; WB hỗ trợ về giao thông nông thôn, tài chính nông thôn, năng lượng nông thôn; và nhiều tổ chức quốc tế khác. Tuy vậy, Tây Nguyên mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng vốn ODA trong hơn hai thập kỷ gần đây.

Trong bối cảnh đó, việc có những chính sách, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, nâng cao đời sống cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những trao đổi cấp độ kỹ thuật với WB về khả năng xây dựng một dự án giảm nghèo để giúp cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc vùng Tây Nguyên, khơi dậy và phát huy có hiệu quả tiềm năng của vùng này.

Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên nhằm nâng cao mức sống thông qua cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng Dự án bằng cách: Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cấp xã và cấp thôn bản để hỗ trợ phát triển sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt, tăng cường tiếp cận dịch vụ công và tạo việc làm trong xây dựng cơ sở hạ tầng; Tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế qua củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng; đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình sinh kế, phát triển kết nối thị trường để cải thiện thu nhập bền vững cho người dân. Đồng thời, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng ở cấp huyện, kể cả cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; Nâng cao năng lực cán bộ các cấp, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân thực hiện hiệu quả Dự án./.