Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi công dự án

Dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam –PVN) đầu tư trên diện tích khoảng 464ha và 194ha mặt nước cho cảng biển với tổng vốn đầu tư khoảng 3,77 tỉ USD, dự kiến tăng vốn đầu tư lên 5,4 tỷ USD.

Đây là tổ hợp hoá dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hoá dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Các sản phẩm này có thể giúp thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.

Thời gian thi công dự án là 5 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022. Dự án sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong quá trình xây dựng.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của 3 tập đoàn: Petro Vietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan.

SCG là tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thái Lan, dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực kinh doanh như hóa dầu, xi măng, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng và phân phối. Tại Việt Nam, SCG đã bắt đầu hoạt động từ năm 1990 và hiện có 6 văn phòng đại diện cùng 9 công ty có vốn đầu tư nước ngoài, kinh doanh trong các lĩnh vực hóa chất, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng...

Sau nhiều khó khăn Vinachem rút vốn và thế chỗ vị trí này là Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4/2017, QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%.

Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỷ USD sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỷ USD và hiện là 5,4 tỷ USD. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.

Dự án đã gặp nhiều vướng mắc về vốn cũng như giải phóng mặt bằng nên chậm trễ nhiều năm, nên chậm trễ trong triển khai.

Nhấn mạnh đây mới chỉ là giai đoạn đầu của dự án, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, chủ đầu tư đảm bảo đúng tiến độ, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại trong quá trình xây lắp dự án để vận hành an toàn tuyệt đối khi khánh thành. Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu dự án tuân thủ quy định bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội.

Cùng với đó là giữ gìn văn hóa truyền thống của người dân địa phương và phục hồi rừng tự nhiên ở khu vực này để phát triển bền vững, lâu dài.

Đây là dự án có quy mô lớn, số lượng công nhân tham gia ở công trường đông, chủ đầu tư, nhà thầu và tỉnh phải tuân thủ nghiêm quy định về an toàn lao động, không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của công nhân.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố Vũng Tàu, xã Long Sơn và chủ đầu tư thực hiện cam kết tái định cư lâu dài và đào tạo nghề cho người dân địa phương. Người dân địa phương cũng phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho dự án trong quá trình xây dựng.

Nhấn mạnh phương châm “phải coi sự thành công của dự án chính là thành công của chúng ta”, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai thắng lợi. Bởi ngoài ý nghĩa kinh tế, dự án còn mang ý nghĩa chính trị lớn vì Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, có quan hệ láng giềng gắn bó, hữu nghị./.