Vẫn chưa có một dự án PPP đúng nghĩa

Theo Bộ Y tế, hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Canada, Anh, Ấn Độ, Hàn Quốc đã triển khai thành công mô hình PPP nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng. Tại Việt Nam, y tế cũng là một trong các lĩnh vực vô cùng tiềm năng để triển khai PPP.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, tiềm năng về PPP trong y tế rất lớn, nhu cầu xã hội có. Tuy nhiên, ngành y tế chưa có kinh nghiệm triển khai dự án PPP đúng nghĩa.

Mặc dù trên thực tế, ngành y tế đã thực hiện một số hình thức đầu tư kết hợp công – tư, như: liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh hay còn gọi là xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tổng giá trị huy động được từ khu vực tư nhân đầu tư trang thiết bị vào bệnh viện công đến nay là 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sự tham gia của khu vực tư nhân theo những hình thức này vẫn còn hạn chế và chưa bền vững, trong khi dư địa cho tư nhân tham gia đầu tư còn rất lớn.

“Vì thế, cần thực hiện 1 dự án thí điểm để lấy kinh nghiệm. Có như vậy mới khai thông được các dự án PPP trong lĩnh vực này”, ông Tuấn chỉ rõ.

Cần xây dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ

Để triển khai PPP trong lĩnh vực y tế, theo ông Dirk Sommer, Ban tư vấn PPP của WB cho rằng, vai trò lãnh đạo của Nhà nước là yếu tố then chốt.

Nhà nước cần hiểu rõ về tác động của PPP; xác định rõ đâu là lĩnh vực muốn tư nhân tham gia, từ đó xây dựng được chiến lược PPP song song với việc thực hiện các dự án PPP đầu tiên nhằm tạo định hướng cho các bên liên quan; lồng ghép PPP vào hệ thống y tế; xác định những mô hình đem lại hiệu quả nhanh, bắt đầu từ những dự án tương đối dễ, tranh thủ sự hỗ trợ; chuẩn bị kỹ lưỡng, có quy trình minh bạch để bảo đảm tính pháp lý cho nhà đầu tư và các bên liên quan…

Tuy vậy, khung khổ pháp lý để thực hiện PPP tại Việt Nam lại chưa thực sự đầy đủ.

Để lấp những lỗ hổng trong hành lang pháp lý về PPP, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PPP và xem đây là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư theo hình thức này.

Lần đầu tiên các khái niệm có liên quan đến hình thức PPP đã được quy định trong các văn bản luật như: Luật Đấu thầu năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013, các dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi). Đây là một thông điệp rất rõ ràng và bền vững về quyết tâm của Chính phủ.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2014.

Theo dự thảo, lĩnh vực thu hút đầu tư theo hình thức PPP được mở rộng đối với các dự án thuộc các lĩnh vực đang thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư như nông nghiệp, giáo dục và đặc biệt là y tế.

Riêng trong lĩnh vực y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong thời gian qua đã có 6 dự án đã đăng ký./.