Như vậy, trong 10 tháng đầu năm, cả nước đã có 1.050 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,077 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2012 và 393 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,158 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Về giải ngân, tình hình cũng rất tích cực, trong 10 tháng năm 2013, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012.

Dòng vốn FDI đã rót vào 18 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất với 494 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt 14,923 tỷ USD (chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký). Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,23 triệu USD.

Nhật Bản hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong năm nay. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản là 4,842 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam. Đứng ở vị trí tiếp theo là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,019 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,985 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Theo địa bàn đầu tư, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,408 tỷ USD, chiếm 17,7% vốn đăng ký. Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,921 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Binh Thuận đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,03 tỷ USD, chiếm 10,6% vốn đăng ký.

Các doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu sau 10 tháng đầu năm. Nếu tính cả dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI đạt trên 72 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm khoàng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 66,141 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này, dầu thô chiếm trên 90%.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài 10 tháng đạt gần 62 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 57,31% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, khu vực FDI xuất siêu trên 10 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 187 triệu USD.

Sự kiện FDI đáng chú ý trong tháng 10 là việc Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức khởi công vào ngày 23/10. Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ USD, dự kiến sẽ vận hành vào quý I/2017. Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn khi hoàn thành sẽ là nhà máy lọc dầu thứ 2 của Việt Nam, cùng nhà máy lọc dầu Dung Quất đảm bảo cung cấp 2/3 nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước./.

Anh Đức