Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến 20/8 đã thu hút được hơn 12,6 tỷ USD vốn FDI trong năm nay, bằng 119,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số dự án mới là 769 với vốn đăng ký là 7,4 tỷ USD, bằng 112,2% so với cùng kỳ. Số dự án tăng vốn là 297 với hơn 5,2 tỷ USD, bằng 131,7% cùng kỳ.

Tiến trình giải ngân các dự án FDI khá tốt. Trong 8 tháng, các nhà đầu tư đã giải ngân 7,56 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm này, có 18 ngành, lĩnh vực đã thu hút được vốn FDI trong năm nay. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực chủ chốt với 370 dự án mới và 209 dự án tăng vốn, chiếm đến 85,7% tổng vốn FDI, đạt hơn 10,8 tỷ USD. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 96 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 334,66 triệu USD.

Singapore đang vươn lên ở vị trí thứ 2 khi chiếm gần 30% tổng vốn FDI, đạt 3,78 tỷ USD. Đứng đầu vẫn là Nhật Bản, chiếm 34,5% với tổng vốn là 4,35 tỷ USD. Tiếp theo là Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng là hơn 1 USD, chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan...

Thanh Hóa là địa phương thu hút FDI nhiều nhất đến thời điểm này, tuy nhiên số dự án chỉ là 4, chủ yếu đến từ Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD. Tương tự, nhờ Dự án của Samsung ở Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử, tỉnh này hiện đang đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút FDI. Đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Tp. HCM, Bình Định...

Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực FDI đã xuất khẩu được hơn 56 tỷ USD (tính cả dầu thô). Trong khi đó, nhập khẩu là 48,29 tỷ USD. Như vậy, khu vực này đã xuất siêu hơn 7,8 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 577 triệu USD./.

Anh Đức