Cổng Thông tin điện tử Quốc hội cho biết, tại cuộc họp đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn giám sát, cam kết ròng và tỷ lệ giải ngân các dự án ở nước ta đều ở mức cao.

Qua quá trình rà soát nội bộ, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, khoảng 84% dự án thỏa mãn yêu cầu, và là một kết quả rất tốt so với nhiều quốc gia nhận vốn vay của mình.

Thành công trong triển khai các dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới đạt được do rút ngắn thời gian triển khai thực hiện, chỉ còn khoảng 3 - 4 tháng kể từ khi được nhà tài trợ phê chuẩn, thậm chí là một khác biệt khá lớn so với trước.

Ngoài ra, bên cạnh việc nguồn vốn vay được phân bổ đúng thời hạn, theo đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc Chính phủ chủ động trong loại bỏ dự án không hiệu quả đã giúp nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả hơn.

Ngân hàng Phát triển châu Á cũng như Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng đánh giá cao các dự án triển khai tại Việt Nam. Đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cho biết 95% dự án vốn ODA Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá đã thực hiện tốt, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, đại diện các nhà tài trợ cũng chỉ ra một số vướng mắc hạn chế trong quá trình triển khai các dự án ODA tại Việt Nam. Theo đó quy trình đưa ra quyết định phức tạp; thiếu sự sẵn sàng từ các bộ, ngành, địa phương được thụ hưởng vốn vay; chậm hoặc thiếu cung cấp vốn đối ứng…

Một số thủ tục trong thiết kế (phê duyệt dự án), điều chỉnh dự án và quản lý ngân sách chặt chẽ của Chính phủ đã tạo thêm nhiều thủ tục phức tạp và các bước thủ tục không cần thiết cần được đơn giản hóa và cắt giảm.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án ODA, đại diện Ngân hàng Thế giới kiến nghị, Chính phủ cần sớm nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung 11 dự án vừa được Ngân hàng Thế giới phê duyệt vào danh mục các dự án đầu tư trung hạn; bổ sung ngân sách cho các dự án đang triển khai, tránh kéo dài thời gian thực hiện khiến chi phí đầu tư tăng lên; bảo đảm vai trò điều phối mạnh mẽ hơn trong xác định các dự án sẽ chuẩn bị; cho phép chuẩn bị sớm về thiết kế dự án, các quy trình phê duyệt của Chính phủ với những dự án cơ sở hạ tầng lớn; tiếp tục tinh giảm các khâu, thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị và triển khai mỗi dự án.

Riêng đối với Luật Đầu tư công, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nên nghiên cứu sửa đổi quy định tại luật này, để góp phần hài hòa hóa quy trình cho các dự án ODA. Trong luật sửa đổi, Quốc hội nên cho phép Chính phủ sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài uyển chuyển hơn, nhất là linh hoạt trong tái phân bổ vốn giữa các dự án trong nội bộ và giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau./.